(Thethaovanhoa.vn) - "Càng đi nhiều, thấy đời sống người dân vùng lũ còn cơ cực nghèo khổ nhiều, tôi lại thương hơn, xem đồng bào như là anh em trong nhà vậy. Mong sao bão lũ đừng bao giờ xảy ra với mọi người nữa".
Đó là những chia sẻ chân tình của ông Nguyễn Thành Tuyến, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) trong lần thứ 2 đến trao quà cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua.Những ngày qua, chính quyền, người dân, doanh nghiệp cũng như văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đều hướng về miền Trung thân yêu với mong muốn góp chút công sức, vật chất và tinh thần để đồng bào vực dậy sau cơn lũ.
Phóng viên Hữu Quý của báo Thể thao & Văn hoá có mặt với đồng bào dân tộc Rục, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình.
Các đoàn cứu trợ từ Nam chí Bắc cũng liên tục hướng về miền Trung bằng những hành động thiết thực nhất, từ quyên góp tiền mặt, áo quần, sách vở, gạo, mì tôm, lương khô, nước uống đều được đưa đến tận tay đồng bào.
Đến miền Trung, gặp gỡ những con người chân chất, hết năm này qua năm khác liên tục oằn mình chống chọi với bão lũ, thiên tai mà không khỏi xót xa. Những ngôi nhà vừa dựng lên vài ba năm thì như một vòng tuần hoàn, không bão thì lũ lại về cuốn đi tất cả. Những con người cơ cực ấy lại bắt đầu gây dựng lại kinh tế, cuộc sống lại đi lên từ những khó khăn, chật vật.
Phóng viên Hoàng Yến báo Thể thao & Văn hoá cùng đoàn cứu trợ Khatoco đến với đồng bào miền Trung
Nói như ông Trương Văn Hỡi, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Bình, thiên tai với Quảng Bình cứ như một vòng tuần hoàn, từ 2007, 2010, 2013 rồi nay lại lũ lớn 2016, cứ 3 năm không bão lớn thì lũ lụt lại về, dân cứ khổ cực gây dựng lại cơ ngơi".
Đó cũng chính là động lực để đoàn cứu trợ của Tổng Công ty Khánh Việt luôn đồng hành cùng với đồng bào miền Trung sau những thiên tai đi qua.
Qua tâm sự của những người trong đoàn, tôi mới được biết, truyền thống ấy đã được Khatoco gây dựng hơn 20 năm nay, với tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ đồng bào những khi khó khăn hoạn nạn. Như một nét đặc trưng riêng biệt, Công ty đã thành lập Quỹ xã hội để Cán bộ, CNV đóng góp ngày công, tiền lương của mình cho việc thiện nguyện, cũng từ đó, 30 tấn gạo đã được chuyển đến cho đồng bào miền Trung dịp này.
Đại diện Tổng Công ty Khánh Việt trao tượng trưng 20 tấn gạo cho UBND tỉnh Quảng Bình
Theo chân đoàn cứu trợ đến các điểm nóng của đợt mưa lũ vừa qua, tôi mới cảm nhận được công sức và tâm huyết của những con người làm thiện nguyện.
Họ sẵn sàng theo xe mấy ngày liền từ Nha Trang đến các vùng núi sâu xa như Xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) hay đến những xã nghèo nàn trong thành phố như Đức Ninh, Nghĩa Ninh của Tp Đồng Hới; Gác lại những giấc nghỉ trưa ngắn ngủi bằng những cái ngáp vội trên đường dài, tài xế lại chạy xe từ sáng sớm đến tận khuya để đoàn kịp giờ hẹn với bà con, để được tận tay trao cho bà con những bao gạo tình thương;... đó có lẽ cũng là điểm chung của nhiều đoàn thiện nguyện khi về với đồng bào.
Thanh niên Khatoco trong màu áo vàng cứu trợ cho bà con xã Quảng Trường
Hình ảnh những thanh niên trẻ trung năng động trong màu áo vàng làm việc liên tục, tay bắt mặt mừng nói chuyện với bà con mỗi vùng đất đi qua, nhiệt tình và gần gũi với bà con như người thân lâu ngày gặp lại đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào. Họ và những con người làm thiện nguyện như là những đại sứ mang niềm vui và tiếp thêm tinh thần cho đồng bào.
Trong dịp đến với người dân xã Nghĩa Ninh (Tp Đồng Hới), bà Đặng Thị Thu, Chủ tịch UBMTTQ xã xúc động nói: "Thật không ngờ đoàn cứu trợ 3 năm trước nay lại quay lại đây tiếp tục ủng hộ cho đồng bào, người dân nhận gạo ăn cơm của đoàn sẽ nhớ mãi nghĩa tình này. Bây giờ nhận rồi, khi nào người dân miền Nam Bắc gặp khó khăn đồng bào chúng tôi sẽ cố gắng gom góp chút tình cảm để san sẻ lại với nhau". Nói trong sự xúc động, bà Thu còn kể tên các thành viên trong đoàn năm trước, năm nay vắng mặt một đồng chí, thay mặt người dân bà cảm ơn đoàn, mong sao có dịp đoàn quay trở lại thăm nhưng không phải là đi cứu trợ nữa.
Sự ghi nhận ấy của người dân đối với những người làm thiện nguyện mà nói là sự ghi nhận lớn lao và ý nghĩa nhất.
Nụ cười hạnh phúc của người dân ở xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) khi nhận được gạo cứu trợ
Những đóng góp tâm sức thầm lặng không mong được kể tên, không mong được khen ngợi hay nói về mình, mà "chỉ mong sao đời sống đồng bào nơi khúc ruột miền Trung bớt cơ cực hơn, thiên tai ít đi để người dân còn tập trung phát triển kinh tế, sức người có hạn đâu có thể mãi oằn mình chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên", một thành viên trong đoàn tâm sự.
Hưởng ứng phát động hướng đến đồng bào miền Trung của lãnh đạo TTXVN, ngoài ủng hộ một ngày lương, Báo Thể thao & Văn hóa đã đồng hành cùng Khatoco. Những ngày theo chân đoàn cứu trợ của Khatoco, phóng viên Thể thao & Văn hoá càng thấm cái tình người trong hoạn nạn khi rất nhiều doanh nghiệp đã lao vào các điểm điểm nóng để giúp dân. Và, càng thấy tự hào khi nhiều nhà báo đã chia sẻ với nỗi đau của đồng bào.
Hoàng Yến
Tags