Khi nhãn 16+ còn để... hút khách

Thứ Ba, 28/10/2014 12:54 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Khi việc dán nhãn 16+ cho phim vẫn còn mới và gây tò mò ở Việt Nam, thì các nhà sản xuất còn tranh thủ để quảng bá cho phim.

Với những nền điện ảnh chuyên nghiệp như châu Âu, Hollywood việc phân loại khán giả đã được họ thực hiện từ 60-70 năm trước. Việc phân loại này không chỉ chi tiết mà còn được thực hiện một cách nghiêm túc, trung lập. Một khi phim đã được dán nhãn, rạp phim nào để những đối tượng không phù hợp vào xem sẽ bị phạt rất nặng. Luật có quy định, nhưng từ xưa đến nay chưa từng có một rạp chiếu nào bị phạt vì cho trẻ em vào rạp xem phim người lớn.

Việc dán nhãn 16+ hiện giờ thậm chí đang được coi là một yếu tố hút khách. Khi việc dán nhãn 16+ cho phim vẫn còn mới và gây tò mò ở Việt Nam, thì các nhà sản xuất còn tranh thủ để quảng bá cho phim. Thông tin quảng bá của Mất xác, Scandal - Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Lạc giới, Hương Ga gần như thường xuyên nhắc đi nhắc lại thông điệp “tôi là một bộ phim 16+”. Riêng trường hợp Mất xác, dù chỉ tập trung PR vào giai đoạn cuối nhưng “ăn theo” vụ án thẩm mỹ Cát Tường và PR theo hướng “phim 16+” nên đã thu về khoảng 19 tỷ đồng vé, một thắng lợi không ngờ với cả nhà sản xuất.


Phim Bẫy rồng dán nhãn 16+ ở Việt Nam, ra nước ngoài bị áp nhãn 18+

Tất nhiên việc này không trái luật. Chỉ tiếc, truyền thông thay vì khuyến cáo khán giả đi xem phim đúng độ tuổi, lại cố tình cổ súy cho khán giả “vượt rào”. Những cái tít kiểu như Phim 16+ càng cấm càng tò mò, Teen khó cưỡng với phim cấm… rất phổ biến trên báo mạng hiện nay cho thấy nhận thức xã hội về phân loại khán giả hiện nay chưa thực sự nghiêm túc.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết với tư cách là người duyệt phim, bà mong luật cụ thể, chi tiết hơn. “Ví dụ thêm các chương, mục, điều… cho phép dán nhãn phim 13+, là độ tuổi chưa có khả năng tự vệ trước những xâm hại của sản phẩm văn hóa không lành mạnh. Có những phim hạn chế hẳn với độ tuổi này. Có những phim tuy tác động thần kinh khá mạnh (như phim hành động) nhưng có ý nghĩa nhân văn thì có thể yêu cầu cho các em dưới 16 tuổi phải có cha mẹ đi kèm”.

Theo bà Nhã, thực hiện điều này có thể đạt được cả hai mục tiêu: không để các em quá thiệt thòi khi không được thưởng thức các sản phẩm điện ảnh chuẩn mực về nghề nghiệp, thẩm mỹ… đồng thời có thể giúp các bậc cha mẹ có cơ hội hướng dẫn, chuyện trò với các con về một hiện tượng xã hội hơi cá biệt được thể hiện trên màn ảnh, từ đó nắm bắt được tâm lý và hành vi hàng ngày của các em, kịp thời điều chỉnh những xu hướng lệch lạc của con em mình ngay từ khi mới manh nha…

“Các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ đều có những quy định như vậy trong luật của họ. Nếu được như vậy, việc thẩm định và kiểm duyệt sẽ nghiêm hơn, nhưng đồng thời cũng linh hoạt hơn và phục vụ khán giả trẻ tốt hơn” - bà Nhã nói.

Hệ thống phân loại phim của các nước

- Tại Mỹ đã xây dựng hệ thống phân loại phim rất chi tiết. Hạng G: phim cho mọi lứa tuổi. PG: có vài cảnh không phù hợp với thiếu nhi, cha mẹ nên xem trước. PG-13: cha mẹ phải thận trọng nếu cho con cái dưới tuổi 13 đi xem. R: phim không dành cho trẻ dưới 17 tuổi vì có những cảnh bạo lực, tình dục, tội phạm… NC-17: cấm tuyệt đối thanh thiếu niên 17 tuổi trở xuống vì nội dung phim có mức độ bạo lực, khiêu dâm cao…

- Tại Pháp, tất cả phim truyện và phim quảng cáo đều phải có giấy phép khai thác (visa dexploitation) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa cấp và chia làm hai loại: loại được phổ biến không hạn chế (tous publics) và loại hạn chế (đóng dấu X) thì cấm trẻ dưới 12, 16 và 18 tuổi. Đó là những phim có cảnh tình dục và những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Những phim này không bị cấm nhưng phải đóng thuế rất nặng, và khi chiếu ở rạp phải có ghi thêm những cảnh báo ngoài phòng chiếu và áp dụng triệt để đối với khán giả chưa đủ tuổi.

Linh Lan (tổng hợp)

Ngọc Diệp - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›