Gây ấn tượng mạnh với khán giả trong các đêm diễn vừa qua, chương trình Thiên thần lên núi (Liên đoàn Xiếc Việt Nam và ban nhạc rock Ngũ Cung) đã mở ra một sự kết hợp đặc biệt. Ở đó, các rocker của Ngũ Cung không chỉ hát, mà còn trực tiếp xuất hiện trên sân khấu xiếc để phối hợp trong một số màn diễn.
Nhạc sĩ Trần Thắng - thành viên ban nhạc Ngũ Cung, đồng thời là Giám đốc âm nhạc chương trình - đã có những chia sẻ về Thiên thần lên núi.
Sự kết hợp đặc biệt
* Việc sử dụng nhạc rock trong xiếc đã từng có. Nhưng với một show diễn mà các thành viên ban nhạc rock kết hợp biểu diễn luôn cùng các nghệ sĩ xiếc thì dường như Ngũ Cung là trường hợp tiên phong. Điều gì khiến các anh tham gia chương trình?
- Ngay khi nhận được lời mời trân trọng từ NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho dự án này, tôi đã rất phấn khích. Dù bên cạnh đó, tôi cũng tự mình đặt ra nhiều câu hỏi: Không hiểu rock kết hợp với xiếc thì sẽ ra thành phẩm như thế nào? Liệu trình diễn trên sân khấu Việt Nam như vậy thì có ai đi xem không, có bán được vé không - và nếu có thì liệu chạm được tới tận cùng trái tim của các khán giả, như cách mà chúng tôi trong những năm qua đã cố chinh phục các fan của mình?
Nhưng với cá tính của tôi và các thành viên ban nhạc, anh em đồng thuận gật đầu nhận lời mời ngay. Vì những gì lạ, khó và cần tính chính xác nghiêm túc trong công việc thì đều gây cảm hứng với Ngũ Cung. Chúng tôi nghĩ rằng, không thử nghiệm, không sáng tạo không làm thì sẽ không có gì để làm trong bối cảnh bây giờ.
* Vậy, anh gặp những khó khăn gì trong vai trò Giám đốc âm nhạc của dự án này?
- Cái khó nhất là việc cần tạo ra sự bất ngờ cho khán thính giả yêu xiếc, đồng thời cũng phải tạo ra một món quà đặc biệt cho những rockfan yêu mến Ngũ Cung. Âm nhạc trên sân khấu - và cũng là khán đài của rạp xiếc - phải đảm bảo tính ngẫu hứng, sáng tạo. Thậm chí, chúng tôi còn phải mạo hiểm để ứng tác cùng các nghệ sĩ xiếc trên sân khấu.
* Việc trình diễn xiếc đối với Ngũ Cung đã đem lại những trải nghiệm như thế nào?
- Tôi nghĩ có thể gói gọn trong hai từ: khó quên. Trước đêm diễn, chúng tôi đã thấp thỏm lo lắng với những phần trình diễn như đu dây bay lên trên cao, tập tham gia vòng xoay mạo hiểm. Nói vui thì điều này cũng khó không khác nào việc đưa vào tay nghệ sỹ xiếc một cây đàn guitar điện và bảo họ solo một bản nhạc jazz. Thú thật, sau mấy buổi diễn tập và thử nghiệm, có lúc chúng tôi thấy mình nên quay về "ôm" cây guitar thôi.
Nhưng anh em chúng tôi luôn ý thức được rằng, không có một môn nghệ thuật nào là dễ cả. Nghề nào cũng vậy, đằng sau thành công luôn là bài học về sự khổ luyện, về ý chí và bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.
* Được biết, show diễn này dự kiến có thể được đem đi diễn trên các sân khấu quốc tế?
- Tôi cũng đồng tình với những mong muốn đầy tâm huyết của NSND Tống Toàn Thắng. Sẽ rất tuyệt vời nếu những liveshow độc lạ phá cách như Thiên thần lên núi được nhân bản trên các sân khấu quốc tế. Tất nhiên, điều này cần tới sự hỗ trợ từ những cá nhân và tổ chức khác…
* Vậy nhìn lại, điều gì tạo nên sự kết nối giữa một ban nhạc rock như Ngũ Cung với xiếc, theo anh?
- Chất kết dính đặc biệt giữa rock và xiếc nằm ở việc cả hai môn nghệ thuật đều mang tính trình diễn rất cao.
Sự thay đổi cần đến từ 2 phía
* Với riêng nhạc rock, là một người gắn bó với Ngũ Cung từ những ngày đầu thành lập, anh nghĩ gì về sự đổi thay cũng như bản sắc của Ngũ Cung trong 15 năm qua?
- Quan điểm cá nhân của tôi: Làm nghệ thuật sẽ chia ra làm hai nhánh, một là thương mại, giải trí và một gắn với đời sống văn hoá. Người làm âm nhạc chọn nhánh nào thì thường sẽ quyết tâm theo tới cùng. Và mỗi thế hệ mỗi thời điểm lại có một sự đổi khác. Về phần mình, Ngũ Cung cố tránh cảnh "sớm nở chóng tàn" nếu chỉ chạy theo thương mại và giải trí.
* Nhưng trước sự phát triển có lúc rực rỡ, có lúc bình lặng của rock, có điều gì khiến các anh phải lo lắng hay trăn trở với tương lai của Ngũ Cung không?
- Tôi nhớ cách đây hơn mười năm, mỗi khi có show lớn nhỏ tôi thường nhận những cuộc điện thoại hỏi xin vé, xin thẻ hoặc dẫn vào xem miễn phí. Sau này, chính những người xin vé như vậy đã hiểu ra và đồng ý với tôi: Việc thưởng thức nghệ thuật như thế vừa tạo sự dễ dãi ở khán giá, vừa tạo tiền lệ xấu khiến các nhà đầu tư và tổ chức không ai muốn làm chương trình nữa.
Kể chuyện ấy, tôi muốn nói rằng mọi thứ sẽ được cải thiện và dần dần tiến bộ theo thời gian. Và sự thay đổi của nghệ sỹ cũng cần được song hành với thay đổi từ khán giả, như vậy thì nghệ thuật mới phát triển được.
* Kế hoạch âm nhạc của Ngũ Cung sau chương trình này là gì?
- Từ nay đến hết năm 2023 chúng tôi đã kín lịch diễn. Và trong thời gian đó chúng tôi vẫn sáng tác, vẫn tập luyện thu âm để có những tác phẩm mới với tiêu chí hàng đầu là sự tinh tế và sáng tạo.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Sẽ có gala xiếc - nhạc rock
"Để thực hiện dự án mang tính mở màn và dài hơi này, chúng tôi đã nghiên cứu từng ca khúc của Ngũ Cung để chọn lựa những tác phẩm phù hợp cho câu chuyện "xiếc - rock", đặt hàng để ban nhạc sáng tác những ca khúc độc quyền cho chương trình xiếc - chứ không phải tìm nhạc minh họa cho xiếc.
Sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả trước màn cộng hưởng xiếc - rock trong chương trình đã giúp chúng tôi tự tin lên kế hoạch sẽ dàn dựng những chương trình thường niên như thế này, thậm chí là tổ chức gala xiếc - rock vào năm sau" - NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Tags