(Thethaovanhoa.vn) - "Món này sẽ được nướng lên như xúc xích". Một dòng chú thích như thế bên cạnh một món ăn trong thực đơn quán ăn có lẽ sẽ không có vấn đề gì, trừ khi nó đề cập đến một món bánh mì đặc biệt có tên "Don Falcone". Falcone là họ của vị công tố huyền thoại, người bị mafia ám sát năm 1992 ở gần Palermo và được coi là một biểu tượng quốc gia của Italy trong cuộc chiến chống mafia.
Thế nhưng một quán ăn có tên Don Panino ở Vienna, Áo, đã đặt tên một loại bánh mì của họ như thế trong một thực đơn toàn các món Italy, với hy vọng sẽ tạo được sự chú ý đối với người mua. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích điều này.
Hiệp hội mang tên "100 passi" (Một trăm bước), lấy theo tên của bộ phim về cuộc đời của Peppino Impapastato, một người anh hùng trong cuộc chiến chống mafia và bị chúng giết hại, đã tiến hành một cuộc thu thập chữ kí ở Italy để phản đối lại "sáng kiến" trên. Kết quả: bánh mì "Don Falcone" không còn trong thực đơn của quán nữa, và một thời gian sau, chính quán này cũng phải đóng cửa.
Mafia và những nạn nhân của chúng từ lâu đã trở thành một phần của công việc kinh doanh lấy những gì gắn bó với chủ đề này nhằm kiếm lợi nhuận. Nhiều quán ăn ở ngoài Italy đã sử dụng biện pháp này để câu khách. Dư luận Italy đã trở nên bức xúc sau khi một quán ăn ở Madrid lấy tên "La mafia se sienta a la mesa" (Mafia ngồi bàn), trong khi một quán Ý ở Gdansk, Ba Lan, có tên là "Sicilia, casa della mafia" (Sicily, quê hương của mafia).
Đối với "100 passi", một hiệp hội văn hóa nổi tiếng ở Sicily và luôn xác định mục tiêu chống mafia làm đầu, thì đây là điều không thể chấp nhận được, vì không thể đánh đồng Sicily với mafia. Họ cho rằng, việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến mafia chỉ làm xấu đi hình ảnh của đảo Sicily nói riêng và Italy nói chung.
Danilo Sullis, chủ tịch "100 passi" cho rằng, "chúng tôi đã buộc Don Panino phải đóng cửa. Đấy mới chỉ là một trận đánh. Nhưng chúng tôi phải chiến thắng trong cả cuộc chiến". "100 passi" hiện đã mở một cuộc thu thập chữ kí có tên gọi "io non sono mafioso" (tôi không phải là mafia) trên trang web change.org, nhằm kêu gọi việc cấm sử dụng và mua bán các sản phẩm được tạo cảm hứng từ mafia, cũng như việc mở các hoạt động kinh doanh dựa trên hình ảnh hoặc tên gọi liên quan đến mafia.
Theo Sullis, "tại Sicily, việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến mafia thật là đáng xấu hổ. Chẳng hạn, mỗi năm, có hàng trăm nghìn du khách tới Palermo (thủ phủ Sicily và cũng là một trong những cái nôi của hệ thống Cosa Nostra-A.N) bằng tàu biển. Ngay khi xuống tàu, họ sẽ nhìn thấy hàng dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm lấy cảm hứng từ mafia".
Trên thực tế, tại nhiều nơi ở Sicily, những sản phẩm liên quan đến mafia, trong đó có bộ phim Bố già, bán rất chạy. Đó có thể là những chiếc áo phông in mặt của diễn viên Marlon Brando trong vai trùm mafia, là những chiếc tách cà phê có dòng chữ "il padrino" (Bố già), là những thứ rất lặt vặt khác bày bán đầy trong các cửa hàng.
Theo Sullis, cần phải có một "đạo luật" liên quan đến vấn đề này, đồng thời Italy cũng phải thể hiện quan điểm một khi ở nước châu Âu nào đó xuất hiện các sản phẩm ăn theo mafia. Chi nhánh tại Palermo của Tổng các hiệp hội về thương mại, du lịch và dịch vụ Italy (Confcommercio) cũng tuyên bố ủng hộ quan điểm này của Sullis.
Bà Patrizia di Dio, chủ tịch chi nhánh Palermo của Confcommercio, cho rằng, "không thể biến những điều xấu xa mà chúng ta đang tìm cách để xóa bỏ thành một dạng văn hóa được. Cuộc chiến chống mafia kéo dài nhiều năm và rất nhiều máu đã đổ xuống không phải để những thứ liên quan đến chúng thành một cái gì đó hay ho".
Rất nhiều người Sicily đã ủng hộ chiến dịch của "100 passi". Bởi đối với họ, Sicily là văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, là những di tích kiến trúc cổ, những bãi biển đẹp và người dân thân thiện. Sicily không phải và chưa từng là mafia.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Tags