Vừa qua tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị về triển khai công tác văn học năm 2024 và lễ kết nạp hội viên mới. Tại hội nghị, một số hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2023 cũng được nhìn lại.
Trong đó, một số dấu ấn có thể kể đến như tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề Nhịp điệu mới tại Hoàng Thành Thăng Long; hội nghị các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tại Hải Phòng; tiếp tục triển khai Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa; tổng kết và xét giải thưởng Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2023…
Từ sách miễn phí
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa khởi động từ năm 2021, đến nay đã chuyển gần 70.000 cuốn sách cho các em ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...
Ông Thiều khẳng định: "Dự án này là một công việc ý nghĩa mà chúng ta đang làm để gieo vào những đứa trẻ cảm hứng đọc sách và văn hóa đọc. Không có gì cụ thể hơn việc chấn hưng văn hóa bằng cách để mỗi đứa trẻ đợi chờ những cuốn sách được mở ra để đọc và chúng sẽ lớn lên bằng những cuốn sách đó".
"Có những vùng miền mà dự án đi qua, trong gia đình của những đứa trẻ không hề có một cuốn sách nào, ngoài một vài cuốn sách giáo khoa. Chúng tôi đến trao tận tay sách cho từng đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ cầm những cuốn sách mang về nhà, chúng có thể để sách ở góc nhà, góp bếp, bậc cửa, đầu giường, hoặc trên lưng trâu, nhưng một lúc nào đó trong ngày, chúng có thể mở sách ra xem một hình ảnh, đọc một dòng chữ" - ông Thiều bày tỏ - "Cứ như vậy, dần dần chúng ta "thiết lập" cảm hứng đọc sách nơi những đứa trẻ. Đó là cách làm hiệu quả và có hiệu ứng rất tốt để những đứa trẻ lớn lên cùng với những cuốn sách".
Thông tin thêm, ông Thiều cho biết, dự kiến trong năm 2024, dự án tiếp tục được triển khai với 30.000 bản sách sẽ được in và tổ chức tặng.
Cho đến giải thưởng văn học
Khẳng định Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam là công việc trọng tâm hàng năm của hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng 2023 là một năm được mùa của giải thưởng này.
Không phải vì số lượng những cuốn sách được trao giải, mà ở đây chất lượng, sự lan tỏa của các tác phẩm đều được khẳng định trước khi bỏ phiếu xét giải thưởng. Các giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đều được sự đồng thuận trong đồng nghiệp giữa các nhà văn với nhau, được sự đồng thuận giữa tác phẩm với sự đánh giá của các nhà lý luận phê bình. Và một điều quan trọng là được sự đồng thuận giữa các nhà văn, tác phẩm với bạn đọc.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Số phận, tư thế, chất lượng của một nền văn học phụ thuộc vào từng trang viết của các nhà văn. Với điều đó, chúng tôi chỉ biết động viên, chia sẻ và đợi chờ trong năm tháng. Và năm 2023, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho thấy, các nhà văn đã không làm phụ lòng sự đợi chờ của Ban chấp hành, của các hội viên, của xã hội. Có thể nói thành công lớn trong năm 2023, chúng ta đã trao những giải thưởng cho những cuốn sách có tính đa dạng bằng các nghệ thuật viết khác nhau, nhưng tiếp cận đời sống, song hành cùng đời sống và cất tiếng cùng đời sống".
Về văn xuôi, có 3 tác phẩm được trao, gồm tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Một, tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết (NXB Trẻ) của Nguyễn Việt Hà, tập truyện ngắn Một mùa Hè dưới bóng cây (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Tham Thiện Kế.
Về thơ, lý luận phê bình, văn học thiếu nhi, trao cho tập thơ Đồng sen tàn (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Phúc Lộc Thành, chuyên khảo Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do (NXB Hội Nhà văn) của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương, tập truyện dài Cá linh đi học (NXB Kim Đồng) của Lê Quang Trạng.
Về hạng mục Tác giả trẻ, năm 2023 trao cho tiểu thuyết Nhân sinh kép sống hai cuộc đời của Đức Anh (sinh năm 1993).
"Hội tụ" tại Ngày thơ Việt Nam 2024
Về công tác văn học năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch thực hiện một số công việc quan trọng như: tổng kết 50 năm văn học Việt Nam kể từ ngày đất nước thống nhất; tổ chức hội nghị văn học sông Mê Kông; phát động Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 2; chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn khóa XI vào năm 2025...
Gần nhất, hội sẽ tiến hành tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Hoàng thành Thăng Long vào ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 với chủ đề Bản hòa âm đất nước.
"Năm nay, ngày thơ là sự hội tụ, gặp gỡ của các nhà thơ tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam. Các nhà thơ đại diện của cộng đồng các dân tộc sẽ về Hoàng thành Thăng Long để cùng cất tiếng về con người, về tổ quốc Việt Nam" - ông Thiều thông tin.
Kỷ lục hội viên mới
Hội Nhà văn Việt Nam đã kết nạp thêm 66 hội viên mới, được chọn từ hơn 900 đơn đăng ký vào hội. Đây cũng được cho là con số kỷ lục về kết nạp hội viên mới trong một đợt. Trong đó, chuyên ngành thơ (29 tác giả), văn xuôi (24 tác giả), lý luận - phê bình (6 tác giả), văn học thiếu nhi (5 tác giả), văn học dịch (2 tác giả).
Tags