Khi tác phẩm văn học 'sống dậy' trong MV

Thứ Ba, 28/01/2020 14:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019, bên cạnh đa số những MV tình yêu với nội dung hờn giận, đổ vỡ đầy nước mắt… một số MV đã lấy cảm hứng từ nội dung của những tác phẩm văn học và nhận được sự đón nhận hồ hởi của công chúng. Trong số đó, có thể kể đến 3 MV “đình đám” là: Hết thương cạn nhớ, Anh ơi ở lại Để Mị nói cho mà nghe

'Mê cung' đang lên sóng, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV 'Để Mị nói cho mà nghe'

'Mê cung' đang lên sóng, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV 'Để Mị nói cho mà nghe'

Chiều tối 19/6, tại TP.HCM, Hoàng Thùy Linh đã có buổi giới thiệu MV mới của mình - "Để Mị nói cho mà nghe".

MV lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học được xem là điểm sáng của lĩnh vực MV trong năm qua.

Từ những tác phẩm văn học…

Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc lấy cảm hứng từ truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Nội dung MV không như trong tác phẩm văn học mà là câu chuyện tình tay ba giữa Lý Cường, Chí Phèo và Thị Nở. Thị Nở bị buộc làm vợ Lý Cường nhưng cuối cùng cô ta bỏ trốn cùng người tình cũ Chí Phèo. MV như muốn nói lên thông điệp về tình người và sự cao thượng mang tính nhân văn.

MV Anh ơi ở lại của Chi Pu thì dựa vào nội dung của truyện cổ tích Tấm Cám. Trong MV này, Cám trở thành nhân vật chính, được chủ nhân MV gửi gắm thông điệp: làm tất cả mọi chuyện để chiếm được trái tim của người mà mình yêu thương. Những việc làm của Cám cũng chỉ vì điều đó, kể cả cầm dao giết Tấm - điều mà có lẽ khó được người đời chấp nhận. Tuy nhiên, MV không đề cập đến sự trả thù của Tấm, được xem là hơi “tàn nhẫn” - như trong nguyên bản.

Chú thích ảnh
Cảnh trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”

Hoàng Thùy Linh với MV Để Mị nói cho mà nghe lấy cảm hứng từ truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Nội dung MV diễn tả khát khao tự do của cô Mị: được đi chơi Xuân, “đi theo giấc mơ sớm mai gọi mời”, được tung tăng trên bản nhỏ đầy hoa ban trắng… chứ không phải bị giam cầm với cuộc sống trong tối tăm buồn tủi như trong nguyên bản văn học.

Tuy mức độ khai thác từ tác phẩm văn học khác nhau, nhưng các MV cũng giúp nhắc nhớ về những tác phẩm văn học: Trong đó, tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) có lẽ là được khai thác cô đọng và ấn tượng nhất qua hình ảnh và tâm trạng của nhân vật Mị. Ngoài ra, MV này còn tích hợp hình ảnh nhân vật thuộc các tác phẩm văn học khác như: Chí Phèo, Thị Nở (trong truyện ngắn Chí Phèo), Lão Hạc (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao), Chị Dậu (trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố)…

Chú thích ảnh

… để trở thành MV ca nhạc

MV là một sản phẩm nghe - nhìn, vì vậy sự logic và bổ trợ qua lại của yếu tố âm nhạc và hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tả nội dung để mang đến những cảm thức cho người xem.

Nhìn chung về phần hình ảnh, cả 3 MV nói trên đều được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng, đem đến cho người xem những khung hình thú vị.

Âm nhạc của MV Hết thương cạn nhớ là một bản ballad giai điệu êm dịu, phảng phất một chút buồn, rất phù hợp với chất giọng của Đức Phúc. Phần phối khí bình thường, đủ để chuyên chở giai điệu chứ không có những đặc sắc. Ca khúc của MV Anh ơi ở lại cũng là một bản ballad với giai điệu êm ái, da diết, bắt tai và nhiều cảm xúc. Chi Pu cũng thể hiện bài hát này khá hiệu quả, gây được ấn tượng. Phần phối khí khá hay.

Chú thích ảnh
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh vào vai Thị Nở trong MV “Hết thương cạn nhớ”

Tuy nhiên, cả Hết thương cạn nhớAnh ơi ở lại giai điệu khá “Tây”. Nhìn ở khía cạnh âm nhạc và hình ảnh nó chưa logic lắm với khung cảnh làng quê Bắc bộ, khăn đóng áo dài, áo nâu sồng… (trong MV Hết thương cạn nhớ); hoặc tính chất “cổ trang” (trong MV Anh ơi ở lại), tuy rằng 2 MV này nhận được khá nhiều lời khen và có lượng view hàng chục triệu trên YouTube (hơn 78 triệu cho MV Anh ơi ở lại và hơn 42 triệu cho MV Hết thương cạn nhớ).

Chú thích ảnh
MV “Anh ơi ở lại” lấy cảm hứng từ “Tấm Cám”

Trong 3 MV nói trên, Để Mị nói cho mà nghe là MV mà phần hình ảnh và âm nhạc mang tính logic và đạt hiệu quả cao nhất. Từ trang phục, khung cảnh… cho đến những màn nhảy múa tập thể đầy hào hứng đều toát lên tinh thần của văn hóa dân gian vùng Tây Bắc.

Ca khúc của MV Để Mị nói cho mà nghe là một bản nhạc pop gồm 2 đoạn: đoạn A với âm điệu, tiết tấu vui tươi, nhộn nhịp; đoạn B, giai điệu phát triển từ chất liệu âm nhạc của đoạn A, mang tính chất trữ tình và lạc quan. Giai điệu của bản nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam nói chung, nhất là đoạn điệp khúc mang âm hưởng của nhạc dân gian Tây Bắc. Tiết tấu của bài nhạc cũng như phần đệm mang tính chất trẻ trung, hiện đại, phần phối khí với việc mô phỏng tiếng sáo, tiếng khèn Tây Bắc rộn ràng, thúc giục gây ấn tượng cho người nghe.

Ngoài đoạn rap mang tính “thời thượng”, ca khúc còn có “câu key”: “Để Mị nói cho mà nghe”, rất bắt tai, dễ tạo ấn tượng và dễ tạo… trend. Nhìn chung giai điệu âm nhạc mang tính dân gian nhưng trẻ trung, hiện đại cuốn hút người nghe và rất phù hợp với phần hình ảnh của MV.

***

Như trên đã nói, các MV lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, chúng được thể hiện với hình thức sinh động bằng hình ảnh, nhắc mọi người nhớ lại những tác phẩm văn học, không loại trừ nhiều người tìm đọc lại tác phẩm gốc khi xem những MV này.

Việc khai thác các tác phẩm văn học giúp đề tài của lĩnh vực MV phong phú, thay cho những đề tài về tình yêu lẩn quẩn mang tính cá nhân, để hướng đến những vấn đề rộng lớn mang tính nhân văn mở ra hướng đi mới và là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào mang nhiều ý nghĩa cho MV. Tính “tư tưởng” trong các tác phẩm văn học cũng giúp cho MV có chiều sâu về nội dung và MV dễ lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng.

Các tác phẩm văn học cũng gợi mở ở khía cạnh hình ảnh để MV có thể có trang phục đẹp, những cảnh quay về cảnh đẹp của quê hương đất nước, sinh động, gần gũi với mọi người. Nó cũng là yếu tố để những nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho MV có thể sáng tạo những bài hát hiện đại nhưng mang hồn Việt. Và sau hết là tạo nên một sản phẩm nghe nhìn có nhiều ý nghĩa cho đời sống âm nhạc.

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›