Có rất nhiều trường hợp, khi người lớn răn dạy trẻ nhỏ, chúng không những không nghe lời mà còn trở nên lầm lì và nổi loạn hơn. Có thể là do phương pháp dạy của bạn đã sai rồi.
1. Khi giáo dục trẻ em, về cơ bản tâm lý của người nói và người nghe là hoàn toàn khác nhau
Khi cha mẹ trách móc, chỉ trích con cái, tâm lý sẽ là: con là con của cha, cha mắng con thế nào cũng là vì muốn tốt cho con. Trong tiềm thức, chúng ta cảm thấy đây là một biểu hiện của tình yêu. Nhưng con cái thì khác, cảm xúc của chúng thường do thái độ của cha mẹ quyết định.
Khi những lời chỉ trích đầy đòn roi, phủ nhận và tấn công nhân cách, điều đó sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, thay vì ngoan ngoãn thì trẻ sẽ nổi loạn, không chịu nghe lời và tiếp tục làm những hành vi không tốt. Trên thực tế, mọi lời nói gây tổn thương chưa bao giờ có thể trở thành động lực, vì bản chất của nó chính là hủy hoại, hủy hoại phẩm giá, sự tự tin của trẻ, liên tục nhắc nhở trẻ rằng bản thân chúng tồi tệ như thế nào.
2. Mục đích của phê bình là để hướng dẫn, động viên, giúp trẻ "ngẩng cao đầu" thay vì "cúi đầu"
Nhà triết học Lương Thấu Minh đã viết trong cuốn tự truyện của mình, rằng cha của ông ấy là Lương Tế đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời ông. Năm 9 tuổi, chuỗi tiền đồng mà ông dày công tích góp bỗng nhiên biến mất, cho dù tìm ở đâu cũng không thấy, nên ông đã bật khóc lớn. Ngày hôm sau, người cha vô tình tìm thấy chuỗi tiền đồng trên cây đào trong sân, ông biết rằng con trai mình đã để quên chúng ở đây vì ham chơi. Nhưng ông không trách con mà chỉ viết cho con một tờ giấy: "Có một đứa trẻ tự treo tiền lên cây rồi lại tìm khắp nơi, làm ầm ĩ lên, thật là vô lý."
Cầm tờ giấy trên tay, Lương Thấu Minh cảm thấy thật xấu hổ. Trước giờ, bất kể Lương Thấu Minh mắc lỗi gì, cha cũng chưa bao giờ khiển trách ông quá gay gắt, ngược lại Lương Tế chỉ dùng các phương pháp như nhắc nhở và gợi ý để giúp Lương Thấu Minh suy nghĩ và tự kiểm điểm. Sự giáo dục tài tình của người cha đã nuôi dưỡng ý thức tự kiểm điểm của Lương Thấu Minh. Muốn con cái hiểu đúng lỗi lầm của mình thì trước tiên chúng ta phải bỏ đi những định kiến, phán xét để nhìn nhận và cảm thông cho con cái.
3. Những lời phê bình chỉ có lợi khi chúng mang tính xây dựng
Nếu quá khó để áp dụng những lý thuyết trên thì bạn có thể thử sử dụng "định luật 2 8" này để khiến con cái tiếp thu những lời dạy của mình.
2 phần đạo lý, 8 phần cảm thông:
Một nhà giáo dục từng chia sẻ kinh nghiệm của ông như thế này. Con trai ông chạy xe đạp đâm vào một đứa trẻ, tuy chỉ là vết thương ngoài da, không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng cũng phải tiêu tốn một số tiền lớn cho chi phí y tế. Khi đó cậu con trai đã không dám về nhà vì sợ. Ông không vội chỉ trích, cũng không nói đạo lý, ngược lại còn thông cảm cho con trai: "Cha rất hiểu tâm trạng bây giờ của con, cha biết con không cố ý. Ai lại muốn đi chuốc phiền phức về cho gia đình chứ, có đúng không?"
Sau đó, ông còn giúp con trai mình sửa xe đạp. Thấy cha rất hiểu và cảm thông cho mình, cậu con trai bắt đầu ngẫm lại lỗi lầm của mình: "Nếu mình đi chậm hơn, mình đã có thể tránh được tai nạn này."
Lúc này người cha mới bắt đầu nói ra những lời răn dạy của mình, nói cho con trai đủ thứ kiến thức về an toàn giao thông, lần này cậu con trai rất chăm chú lắng nghe. Trong nhiều trường hợp, không phải trẻ không nghe lời mà là chúng ta cần cho trẻ sự đồng cảm nhiều hơn trước khi phê bình.
2 phần phê bình, 8 phần khẳng định:
Có một bé gái, do phần lớn thời gian đều tập trung vào phương diện làm đẹp, ăn mặc nên thành tích học tập đã sa sút, khiến cho người mẹ rất lo lắng. Một ngày nọ, người mẹ thấy con gái mình mất nửa tiếng để chọn quần áo mặc, nên bà đã nói: "Mỗi ngày chuẩn bị thật xinh xắn để đi đến trường, tâm trạng cũng tốt hơn nhiều có đúng không!"
Cô con gái nghe vậy rất vui, mẹ nói tiếp: "Nếu con có thể hoàn thành bài tập mỗi ngày thì lại càng tốt hơn. Mẹ tin rằng điều này sẽ không thành vấn đề với con phải không?"
Cô con gái sẵn sàng đồng ý ngay mà không hề do dự, và kể từ ngày đó, cô con gái đã chăm chỉ học hành hơn xưa. Phương pháp được người mẹ này sử dụng chính là "hiệu ứng Sandwich" trong tâm lý học: đầu tiên là đánh giá cao, khẳng định và quan tâm đến điểm mạnh của đối phương, sau đó đưa ra những góp ý, phê bình hoặc quan điểm khác biệt, cuối cùng là tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ. Khi đưa ra ý kiến dựa trên lời khen ngợi, trẻ sẽ cảm thấy mình có thiện chí, sẵn sàng tiếp thu những lời phê bình và sửa chữa khuyết điểm.
2 phần khuyên răn, 8 phần chia sẻ:
Một người cha đã vô tình phát hiện trong tủ của con trai có rất nhiều bức thư tình nhỏ. Vấn đề là cậu con trai chỉ mới học lớp 5 tiểu học, cho nên người cha đương nhiên rất sốc. Nhưng ông cũng không vạch trần con trai mình ngay, thay vào đó, ông ấy chọn thời điểm mà cả gia đình đều đang quây quần vui vẻ để chia sẻ với con về câu chuyện tình yêu gà bông của chính ông khi nhỏ.
Ông ấy nói rằng ông từng yêu một cô gái khi còn rất trẻ, nhưng vì lúc đó ông ấy không có khả năng vun vén đoạn tình cảm này, nên ông đã âm thầm giữ tình cảm này trong lòng. Mãi cho đến khi trúng tuyển vào một trường đại học tốt, có dự định cho tương lai, có thể chịu trách nhiệm với cô gái ấy thì ông mới bắt đầu tỏ tình và kết hôn với cô. Và đó chính là mẹ cậu bé bây giờ.
Từ đầu đến cuối, người cha không nhắc một lời nào về bức thư tình trong tủ của con trai mà chỉ khéo léo góp ý cho con trai cách giải quyết. 2 ngày sau đó, những bức thư tình đó đã không còn xuất hiện trong tủ cậu con trai nữa.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính bạn với con là chìa khóa để mở rộng trái tim của con. Bởi vì trẻ em rất khó để nghe theo những mệnh lệnh hoặc gợi ý thẳng thừng, nên những câu chuyện uyển chuyển sẽ góp phần tốt hơn trong việc hướng dẫn và chỉ cho chúng đi đúng hướng.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, không thể tránh khỏi những lúc mắc sai lầm và cư xử không đúng. Điều chúng ta phải làm không phải là dùng tất cả những ngôn từ cay nghiệt để bắt trẻ nhận lỗi mà phải để trẻ học cách biết tự kiểm điểm. Vì vậy, bất cứ lúc nào cũng đừng để những lời chỉ trích làm mất đi cái tình của cha mẹ và con cái. Hãy để sự giáo dục là hơi ấm, ôm ấp con phát triển tối ưu. Chỉ một đứa trẻ được tắm trong tình yêu và sự thấu hiểu mới có thể tạo ra sức mạnh và lòng can đảm vô hạn trong trái tim, và khi lớn lên trong mắt chúng sẽ có một loại ánh sáng của hy vọng tích cực, lạc quan bước đi trên đường đời.
Có câu: "Những đứa trẻ được yêu thương sẽ dùng tuổi thơ để ôm cả phần đời còn lại. Nhưng đứa trẻ có thời thơ ấu bất hạnh thì sẽ dùng cả cuộc đời còn lại để chữa lành tuổi thơ."
Hãy cho con bạn được hạnh phúc trong những tháng ngày ngây ngô nhất của một đời người nhé!
Phương pháp dạy con của người mẹ đơn thân, có con gái là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu và ‘nắm hầu bao’ cho Bill Gates: ‘Kê đúng thuốc, trị đúng bệnh’Tags