Khi văn chương gặp mỹ thuật

Thứ Năm, 13/10/2022 19:00 GMT+7

Google News

Những cuốn cổ thư như “Nam Hải dị nhân” (Phan Kế Bính) hay Sơn Hải Kinh (sách cổ Trung Quốc) vốn không xa lạ với độc giả. Nhưng với cách tiếp cận mới ở phần minh họa và thiết kế của NXB Kim Đồng, chúng lại mang một màu sắc khác và trở nên gần gũi hơn với các độc giả nhỏ tuổi.

Ra mắt ‘Sơn hải kinh’ – bộ kỳ thư thời  cổ đại

Ra mắt ‘Sơn hải kinh’ – bộ kỳ thư thời  cổ đại

Từ hàng nghìn năm trước, một tác phẩm có vẻ mang tính tưởng tượng, kỳ bí, huyễn hoặc song lại được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu, quan sát, ghi chép của khoa học đã xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa với cái tên Sơn hải kinh. 

Và đây là câu chuyện đáng chú ý, bởi trong tương lai, có lẽ sẽ còn nhiều tác phẩm quen thuộc được “lạ hoá” bằng những bức tranh minh hoạ được đầu tư công phu như vậy.

Quen mà lạ

Đã hơn 100 năm kể từ ngày Nam Hải dị nhân liệt truyện (thường được gọi là Nam Hải dị nhân) được xuất bản. Và những chuyện “những người kỳ lạ ở Nam Hải” của Phan Kế Bính đã đồng hành cùng nhiều thế hệ người Việt. Trong ấn bản mới nhất do NXB Kim Đồng thực hiện, Nam Hải dị nhân đã được đầu tư thêm phần mỹ thuật, với những tranh minh hoạ của hoạ sĩ Tạ Huy Long.

Chú thích ảnh
Sách “Nam Hải dị nhân” và "Sơn Hải Kinh" của NXB Kim Đồng

Ấn bản của nhà Kim Đồng lần này được nhiều độc giả ưa thích. Với một tác phẩm không xa lạ như Nam hải dị nhân, việc có thêm tranh minh hoạ trở thành lợi thế để thu hút thêm một lượng độc giả, ở độ tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên.

Đây không phải lần đầu tiên hoạ sĩ Tạ Huy Long kết hợp tranh của mình với những danh tác Việt Nam. Những bức minh hoạ, và sau đó là truyện tranh Dế mèn phiêu lưu ký (tác giả Tô Hoài) của Tạ Huy Long, được nhiều bạn đọc yêu thích. Trước Nam Hải dị nhân, anh cũng từng vẽ minh hoạ Lĩnh Nam chích quái (NXB Kim Đồng).

Những ấn bản có mình hoạ này thường in bìa cứng, giấy tốt, tranh nhiều màu sắc, vì thế giá bìa cũng cao hơn. Nhưng khi ra xuất bản sách nhận được hiệu ứng tốt, dù có thể độc giả đã đọc hay sở hữu các phiên bản không có minh hoạ trước đó.

Chú thích ảnh
Minh họa của Tạ Huy Long trong  trong “Nam Hải dị nhân”

Với trường hợp Sơn Hải Kinh, sách từng miêu tả “bác di cũng có chín đuôi, không chỉ vậy, nó còn có bốn cái tai, mắt lại mọc trên lưng. Mặc da lông của nó sẽ không biết sợ hãi”.

Để hình dung được con dị thú “bác di” này cũng phải vận dụng trí tưởng tượng. Bởi thế mà các phiên bản Sơn Hải Kinh, thường có thêm phần minh hoạ. Từ trước đến nay, cuốn cổ thư Trung Hoa này không biết có bao nhiêu phiên bản, nhưng khi ấn bản Sơn Hải Kinh do bộ đôi Lương Siêu biên soạn và Sam Trạch minh hoạ ra đời ở Trung Quốc, vẫn thu hút sự quan tâm của độc giả. Ấn bản này vừa được NXB Kim Đồng phát hành ở Việt Nam năm 2022.

Theo nhà bảo tàng học và biên tập viên Trương Thần Lương “Sơn Hải Kinh ban đầu có kèm tranh vẽ, nhưng rồi tranh vẽ thất truyền, chỉ còn văn tự lưu lại. Người đời sau căn cứ vào văn tự để vẽ lại hình, nhưng chất lượng minh hoạ đều không ổn.” Chính từ chỗ “không ổn” đó mà những minh hoạ của Sam Trạch mới có dịp phô diễn.

Chú thích ảnh
Minh họa dị thú "bác di" trong “Sơn Hải Kinh”

Người đọc xem Sơn Hải Kinh, nếu chỉ có văn tự, sẽ thắc mắc “con vật ấy trông thế nào?”. Cho nên, với những tác phẩm như Sơn Hải Kinh, minh hoạ có vai trò quan trọng. Nhưng dĩ nhiên, sự diễn giải, chú thích với một văn bản cổ cho độc giả ngày nay hiểu là điều cần thiết. Chẳng hạn, Lương Siêu đã cung cấp thêm thông tin về dị thú “bác di”: “Một số học giả cho rằng bác di chính là loài cầy mực hiện nay. Loài động vật này trông vừa giống con gấu nhỏ, lại vừa giống gấu mèo, đuôi nó rất lớn, nên dễ bị lầm tưởng là có nhiều chiếc đuôi gộp lại; trên tai cầy mực mọc chòm lông dài, màu lông chia thành hai tầng đậm nhạt, nếu không nhìn kĩ, dễ tưởng lầm chiếc tai màu nhạt và chòm lông màu sẫm là hai chiếc tai, có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến loài thú này được mô tả là có bốn tai. Mắt mọc trên lưng, có lẽ bởi một số con cầy mực có vằn lông khác màu trên lưng gây ra ngộ nhận thị giác.”

Huyền thoại về bác di có thể được giải, nhưng cũng không vì thế mà mất đi sự thú vị.

Ghi nhận vai trò của hoạ sĩ minh hoạ

Những năm gần đây, các đơn vị làm sách ở Việt Nam đã chăm chút thêm phần mỹ thuật cho các ấn bản của mình. Không chỉ những tác phẩm kinh điển, nhiều tác phẩm thiếu nhi mới xuất bản cũng được đầu tư minh hoạ công phu. Ở vài trường hợp, nhất là với sách thiếu nhi, minh hoạ đóng vai trò quan trọng, trở thành một phần không thể tách rời khỏi tác phẩm.

Ngày nay, không thể thay thế những minh hoạ của chính Antoine de Saint-Exupéry trong tác phẩm Hoàng tử bé. Cũng như, dù có rất nhiều ấn bản đẹp, hiện đại, minh hoạ truyện thiếu nhi Alice ở Xứ thần tiên, người ta vẫn nhắc và còn tái bản ấn phẩm có minh hoạ do John Tenniel (1820-1914) vẽ từ năm 1865. Tenniel từng được phong tước Hiệp sĩ. Năm 2020, Google từng tôn vinh hoạ sĩ minh hoạ nổi tiếng này nhân kỷ niệm 200 ngày sinh của ông.

Hiện nay, chúng ta đã quan tâm hơn đến văn học thiếu nhi. Đã có nhiều giải thưởng tôn vinh các tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ cần tôn vinh cả những hoạ sĩ minh hoạ. Như Giải Hans Christian Andersen (thường được ví như Nobel của văn học thiếu nhi), được thành lập năm 1956 và từ năm 1966 bắt đầu trao giải cho hoạ sĩ minh hoạ. Năm 2022, giải trao hoạ sĩ người Hàn Quốc, Suzy Lee.

Đã có nhiều giải thưởng tôn vinh các tác giả sáng tác cho thiếu nhi, nhưng có lẽ cần tôn vinh cả những hoạ sĩ minh hoạ.

Huỳnh Trọng Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›