Khó ‘sờ tận tay, day tận trán’ khi xử lý người tiểu bậy

Thứ Ba, 14/02/2017 11:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân, công an cấp phường, xã, quận… có trách nhiệm xử lý các vi phạm về xả rác thải, vệ sinh cá nhân bừa bãi. Song, để xử lý các vi phạm này không dễ.

Kể từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực (từ 1/2/2017), ngày 13/2, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 lái xe taxi về hành vi đi tiểu tiện không đúng nơi quy định (mỗi người bị phạt 2 triệu đồng).

Để có thể xử lý các vi phạm, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch, khi làm nhiệm vụ chuẩn bị máy quay để ghi hình hành vi của đối tượng. Tuy nhiên, cách thức mà Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai đang thực hiện không phải địa phương nào, quận, huyện nào cũng có điều kiện thực hiện.

Vì vậy, đã hơn 10 ngày Nghị định 155 có hiệu lực, với các mức phạt cao hơn rất nhiều các quy định trước đây nhưng trên nhiều tuyến phố như Minh Khai, Hàn Thuyên,..., thậm chí ở cả khu vực trung tâm như khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ, trước cổng Công viên Thống Nhất mặt đường Trần Nhân Tông,... rất dễ dàng nhìn thấy rác thải được vứt ra vỉa hè, gốc cây, lề đường bất cứ thời gian nào trong ngày.

Rác thải để dưới lề đường dù có thùng rác. Ảnh chụp lúc 10 giờ sáng ngày 13/2 trên đường Hàn Thuyên.

Theo ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội), phường ủng hộ cao chủ trương xử phạt hành chính với các hành vi như vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

“Nhưng, làm cách nào để đạt hiệu quả thì cần phải xem xét, vì phải có bằng chứng vi phạm để “sờ tận tay, day tận trán””, ông Hải nói.

Chưa kể, cái khó hiện nay trong việc xử lý các vi phạm là, dân cư phường Phúc Xá đông, chủ yếu là dân lao động. Vi phạm xảy ra vào buổi tối muộn, ban đêm thì xử lý ra sao. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường là chỉ được xử phạt hành chính  dưới 5 triệu đồng, nếu ở mức cao hơn thì phải báo cáo, đề xuất nên cũng hạn chế.

Cũng theo ông Hải, khi thực hiện Nghị định này, có ý kiến cho rằng, để đạt hiệu quả cần lắp camera trên địa bàn. Nhưng mỗi camera trị giá mấy triệu đồng, vì thế cần nguồn kinh phí lớn nên phường cũng khó thực hiện được.

Cái khó trong việc tìm "chứng cứ" để xử phạt không chỉ với các phường, quận ở nội đô, mà ở những huyện ngoại thành Hà Nội cũng vậy. Phó Chủ tịch xã Kim Chung (huyện Đông Anh) Lê Thị Vân Huyền, cho biết, xã Kim Chung là khu vực nông thôn, không có điểm vệ sinh công cộng. Xã không có các danh thắng, địa điểm du lịch nào lớn nên cũng không có trường hợp làm mất vệ sinh nơi công cộng.

Đến thời điểm này cũng chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính khi xả rác, vệ sinh cá nhân bừa bãi. “Mà nếu có thì cũng rất khó xử lý, vì bắt giữ người vệ sinh cá nhân bừa bãi rất khó, làm sao để bắt và có bằng chứng, nhất là với khu vực nông thôn”, bà Lê Thị Vân Huyền nêu vấn đề.

Vì vậy,  hiện nay, các xã, phường, quận, huyện đang tập trung làm công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân, với tinh thần chung là hạn chế tối đa các vi phạm trên là chính.

“Trước mắt phường tập trung tuyên truyền, phân công lực lượng để thực hiện trong đó cán bộ phụ trách môi trường chịu trách nhiệm chính”, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Dương Hải cho biết.

Còn theo nhiều người dân, quy định xử phạt hành chính vị phạm về lĩnh vực môi trường là rất đúng, vì hiện nay tình trạng xả rác bữa bài diễn ra nhiều, làm ảnh hưởng đến bộ mặt thành phố. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa cho người dân.

Đặc biệt, cần trang bị thêm hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. “Thùng rác ở trên các tuyến phố hay công viên cần đặt ở vị trí hợp lý. Nhà vệ sinh công cộng cũng phải có trên các tuyến đường ngoại thành, đường ven chứ không chỉ có ở nội đô hay khu vui chơi trung tâm và nên miễn phí”, anh Nguyễn Thành, lái xe một hãng taxi nói.

Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định, người có hành vi gạt tàn thuốc lá, bỏ mẩu thuốc lá ở nơi công cộng như khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị phạt tới 7 triệu đồng.


Theo Hoàng Linh - Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›