- Không cần chốn 'riêng tư', MC Mai Dora và bạn trai sơ hở là phát cẩu lương
- 1,5 GB clip riêng tư từ camera giám sát bệnh viện thẩm mỹ xứ Hàn bị phát tán, loạt người nổi tiếng thành nạn nhân
- Album 'Trustfall' của P!nk: Nghệ thuật hóa những chuyện riêng tư
- Hóa ra 20 năm trước đã có game huyền thoại chuyên phá sự ‘riêng tư’, mức giá chưa bằng 'hai vé xem phim'
- Nhiều lần BTS phải lên tiếng khi bị xâm phạm quyền riêng tư
Giống như một quốc gia có chủ quyền với vùng trời phía bên trên lãnh thổ, não bộ chúng ta cũng vô thức tạo ra những vùng đệm như vậy. Nó tuyên bố sở hữu một không gian mở rộng ra phía bên ngoài làn da.
Chắc chắn bạn đã từng trải nghiệm nó, một tình huống mà không gian riêng tư của bạn bị xâm phạm nghiêm trọng: Bố mẹ đột nhiên vào phòng mà không gõ cửa, giờ cao điểm phải đứng trên xe bus, một bà cụ lạ mặt tiếp cận bạn ở quán ăn với rổ kẹo cao su trên tay…
Nhưng cảm giác về không gian riêng tư còn là một thứ gì đó nhạy cảm hơn thế, đến nỗi, vô thức của bạn có thể lờ mờ cảm thấy những lúc nó đang bị đánh cắp.
Thử nhớ lại thời còn đi học mà xem, chúng ta đều biết chính xác khi nào một giám thị trong phòng thi đang tiến đến gần mình. Trong giờ kiểm tra văn, bạn đang viết trôi chảy thì giáo viên đến đằng sau và đọc trộm bài bạn. Lúc đó, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy bối rối và không biết viết gì tiếp nữa.
Và rồi linh cảm về sự riêng tư đó theo chúng ta lớn lên, giúp bạn biết có người liếc nhìn điện thoại của mình trong thang máy, ai đó ở phòng gym đang chú ý đến bạn, và một lần nữa, lúc mà sếp bạn ở phía sau theo dõi bạn làm việc.
"Hiểu biết vô thức của chúng ta về không gian cá nhân không chỉ là phương tiện cơ bản để chúng ta tự bảo vệ chính mình. Mà đó cũng là một trong những tác động chi phối chúng ta [suốt đời], định hình hành vi giữa các cá nhân và cách chúng ta đánh giá người khác", giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Michael Graziano, nhà thần kinh học đến từ Đại học Princeton cho biết.
Nhưng không gian riêng tư là gì? Tại sao chúng ta lại tiến hóa để cần đến nó? Đâu là các cấp độ không gian riêng của bạn mà người khác cần phải tôn trọng, và bạn cũng vậy?
Những "bong bóng" riêng tư được tạo ra bởi não bộ
Cơ thể vật lý của chúng ta có một biên giới rõ ràng, phân chia những gì ở bên trong thuộc về chúng ta, và những gì bên ngoài, thứ mà chúng ta không sở hữu. Đó là da của bạn.
Nhưng cũng giống như một quốc gia có chủ quyền với vùng trời, khoảng không phía bên trên lãnh thổ, não bộ chúng ta cũng vô thức tạo ra những vùng đệm như vậy, mở rộng sự tuyên bố sở hữu một không gian phía bên ngoài làn da.
Bạn không cần phải đợi ai đó chạm vào mình mới thấy chủ quyền của bạn bị xâm phạm. Chỉ cần cảm giác có ai đó tiến lại gần, một vật thể đang bay đến, thậm chí một ánh mắt là đủ. Vậy cảm giác về không gian riêng tư đó đến từ đâu?
Trong cuốn sách "The Spaces Between Us" (tạm dịch là "Khoảng cách giữa chúng ta"), giáo sư Michael Graziano cho biết có hai vùng não chịu trách nhiệm cho sự mở rộng chủ quyền cơ thể ra khoảng không bên ngoài. Đó là vỏ não đỉnh, có chức năng xử lý thông tin cảm giác và vỏ não tiền vận động, đóng vai trò trong mọi cử động của bạn.
"Những khu vực này của não chứa trong đó các tế bào thần kinh, mà một khi được kích hoạt, chúng sẽ nói cho bạn biết liệu có thứ gì đó hoặc ai đó đang đến quá gần bạn hay không? Nếu có, hai khu vực não này sẽ chỉ đạo bạn phản ứng bằng cách nheo mắt, rướn vai về phía tai hoặc tránh xa mối nguy hiểm", giáo sư Graziano viết.
"Tôi gọi chúng là các tế bào thần kinh 'bong bóng'. Chúng điều chỉnh thị giác, thính giác và xúc giác của bạn để xây dựng một bản đồ không gian đa giác quan, thứ giúp bạn tạo ra một bong bóng an toàn quanh cơ thể mình".
Não bộ sau đó tiếp tục xử lý các thông tin về bong bóng này theo hai cách:
- Nó nhận biết các điểm mốc bên ngoài, chẳng hạn như hình dạng của căn phòng hoặc vị trí của những chiếc ghế quanh bàn.
- Nó xác định vị trí của đồ vật hoặc con người trong bóng bóng an toàn này, bằng một giác quan thứ 6 được gọi là proprioception.
Proprioception là ghép từ "proprius" trong tiếng Latin nghĩa là "cá nhân" và "capion" nghĩa là "nắm bắt". Hiện tại, Tiếng Việt không có một từ nào có thể dịch sát nghĩa "proprioception". Nhưng tôi sẽ giải thích khái niệm này cho bạn bằng một thí nghiệm:
Đầu tiên, bạn hãy đặt một cốc nước trước mặt. Kế đó, bạn hãy lấy tay chạm vào thành cốc vài lần với đôi mắt mở. Bây giờ, hãy nhắm mắt lại.
Nếu tôi yêu cầu bạn dùng tay chạm vào thành cốc khi mắt bạn đang nhắm, khả năng cao là bạn vẫn sẽ làm được. Đó là bởi khi chúng ta nhắm mắt, cảm giác về thế giới và về vị trí của cơ thể chúng ta trong không gian vẫn không hề biến mất.
Một cảm giác vô hình vẫn còn sót lại định vị tay của bạn đang ở đâu và thành cốc đang ở đâu. Cảm giác này được gọi là proprioception, cho phép chúng ta nhận thức được vị trí của cơ thể trong không gian.
Proprioception nói cho bạn biết cốc cà phê đang đặt ở đâu trên bàn, sau đó, bạn có thể với lấy nó mà không cần nhìn. Nó giúp bạn vô thức đo được vị trí của đũa so với miệng khi đang ăn, vì vậy, bạn không cần phải lo đũa sẽ chọc vào miệng. Nếu không có giác quan này, bạn thực sự sẽ "lạc lối" theo đúng nghĩa đen trong thế giới của mình.
Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả về proprioception, đó là giác quan này có thể được kích hoạt trước cả thị giác và thính giác. Nó sẽ giúp bạn nhận ra ai đó đang đến gần mình, xâm phạm bong bóng an toàn của bạn. Thậm chí nó còn nói cho bạn biết đó là một người lạ hay một người quen, trước cả khi bạn nhìn thấy hoặc nghe được giọng nói của người đó.
Tóm lại, với khả năng hoạch định không gian của vỏ não đỉnh và vỏ não tiền vận động, cùng với sự dự đoán của proprioception, não bộ của bạn đang tạo ra một vùng không gian mà bạn nắm quyền kiểm soát không chỉ bằng ý thức mà bằng cả vô thức. Như giáo sư Graziano đã giải thích, đó là khoảng không gian mà bạn tuyên bố chủ quyền, có nhận thức về những gì đang xâm phạm. Đây chính là không gian riêng tư của bạn.
Bốn cấp độ không gian riêng của con người
Hãy lấy một ví dụ. Giả sử bạn đang đứng trong một bữa tiệc thì có một người lạ tiếp cận bạn. Mặc dù lý trí có thể nói với bạn rằng một Homo Sapien, mặc vest đen và thắt cà vạt ở thế kỷ 21 sẽ không giấu khúc xương to sau lưng để đập vào đầu bạn đâu, nhưng bằng vô thức, não bộ của bạn vẫn chuẩn bị cho một kịch bản mà điều đó có thể xảy ra.
Chúng ta được trao truyền bản năng này từ tổ tiên, thậm chí là những tổ tiên xa xôi trên nhánh cây tiến hóa cùng các loài bò sát, chim chóc và động vật có vú. Điều này được xác nhận từ thập niên 1950, bởi nhà sinh vật học người Thụy Sĩ Heini Hediger khi ông quan sát những động vật trong sở thú của mình ở Zurich.
Hediger nhận thấy các loài động vật chỉ thoải mái nếu lồng nhốt của chúng đủ rộng để tạo ra một khoảng không cảnh giác với con vật trong lồng bên cạnh. Khoảng không gian này thậm chí đã được xác lập một cách vô hình bên ngoài môi trường tự nhiên. Ví dụ, khi một con linh dương đầu bò nhìn thấy một con sư tử, nó sẽ không bỏ chạy ngay.
Thay vào đó, con vật dường như đang thực hiện một ước tính hình học. Con linh dương vẫn bình tĩnh cho đến khi nó nhận ra con sư tử đang rón rén đi vào khoảng không gian của mình. Sau đó, nó nhảy ra ngoài một đoạn và phục hồi khoảng cách với con sư tử.
Hediger đã làm thí nghiệm với nhiều loài động vật để xác nhận khoảng không an toàn của chúng. Hãy hình dung ông ấy đã cầm thước dây (hoặc cũng có thể là một rổ kẹo cao su) và tiến lại gần những con linh dương đang gặm cỏ. Khi chúng nhảy đi, Hediger đơn giản là đo độ dài của khoảng cách mà ông tiếp cận được. Cứ thế, nhiều lần cộng vào và chia trung bình, Hediger sẽ có cho mình một bảng những con số.
Ông nhận ra các loài động vật càng lớn thì có vùng an toàn càng lớn. Ví dụ một con thằn lằn tường có khoảng không an toàn trong vòng vài mét, trước khi nó nhận ra mối đe dọa và chạy biến mất. Nhưng đối với một con cá sấu, vùng này sẽ mở rộng hơn gấp 10 lần, lên tới 50 mét.
Các loài động vật đã thuần hóa ví dụ như gia súc, gia cầm, động vật cảnh có vùng an toàn nhỏ hơn. Bởi chúng đã quá quen với con người, các con số mà Hediger đo được trong trường hợp này thường không quá 1 mét.
Công trình của Heini Hediger sau đó thu hút sự chú ý của nhà tâm lý học người Mỹ Edward Hall. Hall lập luận rằng thực ra con người cũng có bản năng xác lập các khoảng cách an toàn như các loài động vật. Chỉ có điều, chúng ta đã tự thuần hóa lẫn nhau để cảm thấy một người lạ ít trở thành mối đe dọa hơn một con sư tử.
Với sự có mặt của luật pháp, đạo đức và sự tôn trọng lẫn nhau, bây giờ chúng ta cho phép một người lạ có thể tiến gần đến mình, tùy từng tình huống và hoàn cảnh. Khoảng cách này có thể được rút gọn xuống vài mét cho đến vài chục cm như các loài động vật được thuần hóa.
Nhưng những con số chính xác đó là bao nhiêu? Hall bây giờ muốn lặp lại thí nghiệm của Heini Hediger để tìm ra chúng. Ông đã tuyển dụng các cặp tình nguyện viên là người thân trong gia đình, bạn bè hoặc người lạ của nhau và yêu cầu họ đi tiến lại gần nhau cho đến khi cảm thấy không thoải mái.
Bằng cách lặp lại những thí nghiệm này nhiều lần, Hall đã xác lập được 4 cấp độ của khoảng không an toàn ở con người. Ông mô tả chúng trong cuốn "The Hidden Dimension" vào năm 1966. Cho đến tận ngày hôm nay, sau nhiều kiểm chứng và thí nghiệm lặp đi lặp lại, cộng đồng khoa học vẫn đồng ý với thang đo 4 cấp của Hall:
Tất nhiên, những khoảng cách này chỉ là mức trung bình. Đối với từng cá nhân, nó có thể thay đổi theo giới tính, kinh nghiệm sống, văn hóa và tính cách. Như Hall đã gợi ý, người Ả Rập thường có không gian cá nhân ở cấp độ 2 nhỏ hơn. Họ có thể đứng chen chúc nhau để nói chuyện. Nhưng người Anh thì không làm thế, họ giữ khoảng cách lớn với người lạ chưa quen.
Các nghiên cứu cho thấy người hướng nội, những người có sang chấn tâm lý hoặc mắc chứng lo âu sẽ có xu hướng mở rộng vùng an toàn của mình. Trong khi đó, những người hướng ngoại, tự tin và quyền lực thường có hành vi thu hẹp vùng đệm mà không nhận ra hành động của mình có thể gây khó chịu cho người khác.
Sự đối lập cũng xảy ra với phụ nữ và nam giới. Ví dụ phụ nữ thường có xu hướng mở rộng không gian cá nhân khi có một người đàn ông tiếp cận họ. Theo các nghiên cứu hành vi, phụ nữ thường có xu hướng bảo vệ không gian bên cạnh mình, trong khi đàn ông muốn bảo vệ không gian trước mặt. Một lời giải thích cho việc tại sao bạn muốn ngồi cạnh cô ấy trong buổi hẹn hò đầu tiên nhưng cô ấy sẽ thoải mái hơn nếu hai người ngồi đối diện.
Nhưng có một điều hầu như đúng với tất cả mọi người, đó là cảm xúc sẽ chi phối nhận thức của chúng ta về các khoảng không gian riêng tư này. Về cơ bản, khi chúng ta cảm thấy lo lắng và căng thẳng, chúng ta có nhu cầu phải mở rộng không gian an toàn của mình. Và khi chúng ta vui, đặc biệt là khi có dopamin tiết ta trong não bộ, bạn có xu hướng thu hẹp vùng an toàn để cho phép mọi người bước vào đó.
"Hãy coi những bong bóng cá nhân này giống như một núm điều chỉnh âm lượng", Giáo sư Graziano nói. "Khi khối lượng cảm xúc của bạn tăng lên, vùng đệm của bạn sẽ mở rộng ra xa hơn. Khi âm lượng thấp hơn, nó sẽ co lại".
Bảo vệ không gian riêng của mình đồng thời tôn trọng không gian riêng của người khác
Bây giờ, khi đã có những kiến thức cơ bản về không gian riêng tư, bạn biết rằng mình có thể kiểm soát hành vi - không chỉ bằng trực giác, mà bằng cả lý trí.
Ví dụ, một cô gái sẵn sàng nhảy với bạn trong bữa tiệc vui vẻ hôm trước không có nghĩa là cô ấy sẽ thoải mái nếu bạn tiếp cận ở khoảng cách dưới 45 cm vào hôm sau. Bạn còn nhớ về hiệu ứng dopamin có thể thu hẹp vùng an toàn chứ?
Tương tự như vậy, đừng bao giờ tiến quá gần đến một người lạ nếu bạn có ý thức tôn trọng không gian riêng của họ. Bằng cách này, những bà lão bán kẹo cao su có thể "up sale" một cách hiệu quả, chỉ bằng việc giữ khoảng cách 1,2 mét với khách hàng tiềm năng của mình.
Nhưng ngược lại, nếu cứ có người cố ý tấn công vào không gian riêng tư của bạn thì sao? Trong một số trường hợp bất khả kháng, việc xác lập chủ quyền không gian của bạn là không thể. Dưới đây là một số chiến thuật mà bạn có thể sử dụng, theo các nhà nghiên cứu tâm lý học:
Ngôn ngữ cơ thể: Bạn có thể khéo léo tận dụng bản năng của mình để cảnh báo cho ai đó biết rằng họ đang đến quá gần. Một cái nhún người ra sau, bước lùi lại hoặc thậm chí bỏ chạy. Một số chiến lược thông minh hơn thậm chí giúp bạn chủ động ngăn chặn sự xâm phạm, trước cả khi nó xảy ra.
Ví dụ, nếu có ai đó muốn ôm hoặc hôn lên má bạn mà bạn không muốn không gian thân mật (cấp độ 1) của mình bị xâm phạm, hãy đưa tay ra để bắt, giữ họ ở không gian cá nhân (cấp độ 2).
Nếu bạn nghĩ một người hàng xóm hoặc đồng nghiệp có xu hướng tiếp cận bạn quá gần, hãy cố gắng đứng nói chuyện với họ ở nơi có rào cản, chẳng hạn như hộp thư hoặc ghế văn phòng để giữ không gian xã hội (cấp độ 3).
"Thường thì bạn có thể tránh sự đụng chạm hoặc sự gần gũi không mong muốn chỉ bằng cách nói 'Lùi lại!' với ngôn ngữ cơ thể của mình", Jane Adams, Tiến sĩ, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn "Các vấn đề về ranh giới" cho biết .
Hãy lên tiếng một cách lịch sự: Giả sử bạn cảm thấy khó chịu khi ai đó không có hiểu biết về những không gian riêng, và họ thậm chí còn chẳng hiểu ngôn ngữ cơ thể của bạn thì sao?
Tanya Menon, Tiến sĩ, nhà tâm lý học tổ chức và là giáo sư tại Đại học Bang Ohio, cho biết phương án tiếp theo là hãy lên tiếng một cách lịch sự. "Bạn có thể nói một điều gì đó như 'Tôi là một người sợ vi khuẩn'", tiến sĩ Menon gợi ý cho trường hợp ai đó muốn cầm tay bạn mà bạn không muốn.
Tương tự, nếu bạn cảm thấy giám thị đang đứng quá gần trong phòng thi khiến mình không làm được bài, hãy lên tiếng một cách chân thành rằng bạn cần không gian để suy nghĩ.
Đôi khi bạn phải thỏa hiệp: Trong một số tình huống, việc xâm phạm không gian riêng của bạn là không cố ý, không có tính chất tình dục mà chỉ đến từ khác biệt văn hóa. Ví dụ, khi bạn gặp một đối tác nước ngoài và họ đang chào nhau bằng cách ôm và hôn má cả những người đàn ông và phụ nữ, tiến sĩ Menon cho biết bạn nên thỏa hiệp.
Trong những trường hợp đó, bạn có thể nhẩm một câu thần chú để giúp mình giữ bình tĩnh, hoặc đơn giản nhắc nhở bản thân rằng sự tiếp xúc đó là vô hại và đó chỉ là tương tác văn hóa diễn ra trong thời gian ngắn.
Nếu sự xâm phạm là không tránh khỏi: Trên một chuyến xe bus hoặc trong thang máy giờ cao điểm, bạn sẽ không thể bảo vệ không gian thân mật dưới 45 cm của mình. Tiến sĩ Adams nói có một cách để dễ dàng chấp nhận vấn đề này, đó là hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một bong bóng, điều này có thể giúp bạn bình tĩnh và cảm thấy an toàn hơn.
Một chiến thuật khác là hãy giả vờ rằng những người xung quanh bạn chỉ là những đồ vật vô tri vô giác, chẳng hạn như tường hoặc cây cối, cũng có thể làm giảm bớt sự lo lắng về việc người lạ đến quá gần.
Khi nào bạn cần phản ứng quyết liệt? Đó là lúc bạn nhận thấy không gian riêng của mình đang bị xâm phạm một cách vô lý. Ví dụ, khi một đồng nghiệp khác giới cố tình đến massage vai cho bạn trong khi bạn không hề yêu cầu. Một người đứng quá gần bạn trên xe bus dù xe vẫn còn ghế trống hoặc có ai đó đi theo bạn dù vẫn giữ khoảng cách trên 3,6 mét đều là điều khó hiểu.
"Nếu bạn không hài lòng với sự động chạm hoặc khoảng cách gần gũi của ai đó, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người đó lùi lại", Tiến sĩ Adams cho biết. Hãy phản ứng quyết liệt, thậm chí kêu gọi sự trợ giúp của người khác, trong trường hợp bạn cảm thấy bị tấn công rõ ràng vào khoảng không mà mình có quyền sở hữu.
Tham khảo Theatlantic, Prevention, Aeon, Wsj, Nature, Bustle
Tags