(Thethaovanhoa.vn) - Xe công đang ngốn rất nhiều ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 34.000 chiếc xe ô tô phục vụ các hoạt động chung tại các cơ quan đơn vị, với kinh phí 'nuôi' xe công trung bình lên tới 223 triệu đồng/xe/năm.
- Hà Nội: Nghiêm cấm sử dụng xe công trong giờ làm việc để đi chúc Tết hoặc tham gia lễ hội
- Hà Nội năm 2030: Đi bộ 500m là có xe công cộng
- Kiểm tra thông tin '1 Sở có 6 Phó giám đốc', 'dùng xe công đi lễ chùa'
Từ 1/5, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa phương mới nhất triển khai thí điểm việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công. Theo quyết định của UBND Thành phố, việc thí điểm được triển khai tại 5 sở ngành, quận huyện gồm Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Sở Tài chính sẽ đề xuất để UBND Thành phố xem xét, quyết định thực hiện khoán tại các cơ quan, đơn vị khác; thời gian dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Như vậy, chủ trương khoán xe công đang tiếp tục được mở rộng ra các bộ ngành và địa phương, với sự góp mặt của một thành phố có quy mô dân số và kinh tế đứng đầu cả nước. Trước đó, vào tháng 10/2016, Bộ Tài chính – cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chi tiêu công và tài sản công - đã tiên phong thực hiện khoán kinh phí xe công sử dụng từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các cán bộ trong diện được hưởng tiêu chuẩn. Tiếp đó, tháng 3/2017, Hà Nội cũng thực hiện thí điểm ở bốn sở và bốn quận huyện. Hy vọng rằng, việc Bộ Tài chính cùng hai thành phố quan trọng nhất cả nước gương mẫu, đi đầu thực hiện sẽ tạo động lực cho các bộ ngành và địa phương khác noi theo.
Trước đây, việc khoán xe công đã từng được đưa ra thí điểm nhưng trên tinh thần tự nguyện, do đó trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn và đi vào bế tắc. Lý do là cơ chế khoán không chỉ tác động tới người đứng đầu đơn vị thuộc diện được xe công phục vụ, mà còn ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của một số bộ phận tham mưu. Xe công sẽ không còn được tự do điều động cho những công việc cá nhân hoặc công việc chung nhưng không cần thiết. Một số lái xe cũng sẽ bị thừa ra khỏi biên chế. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì cơ chế khoán đã trở thành bắt buộc. Tính chất của chủ trương đã khác. Các cơ quan, đơn vị dù không muốn cũng không thể chần chừ, lần lữa lâu hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc đưa ra các chế tài bắt buộc, một chủ trương rất cần sự gương mẫu đi đầu thực hiện nghiêm túc tại các bộ ngành, địa phương quan trọng nói chung và tại từng đơn vị nói riêng. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không chủ động chỉ đạo cấp dưới tính toán, lên phương án thực hiện, sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng e ngại, nể nang từ phía cấp dưới. Chủ trương tốt sẽ bị trì hoãn hoặc khi đi vào thực hiện sẽ gặp rất nhiều trở ngại, nhất là trở ngại về tư duy, nhận thức và khi động chạm đến quyền lợi của người thực hiện.
Xe công đang ngốn rất nhiều ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 34.000 chiếc xe ô tô phục vụ các hoạt động chung tại các cơ quan đơn vị, với kinh phí 'nuôi' xe công trung bình lên tới 223 triệu đồng/xe/năm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến năm 2020, số xe công phải giảm 30-50% so với mức hiện hành. Nếu việc khoán kinh phí được thực hiện đầy đủ thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng (có ước tính lên đến 3.400 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, trên thực tế sau 6 tháng thực hiện, chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 của 8 đơn vị tại Hà Nội chỉ mới tiết kiệm được 1,7 tỷ đồng so với chi phí thực tế trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016. Còn theo đề án thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố cũng chỉ tiết tiệm được 1,2 tỷ đồng từ việc khoán kinh phí sử dụng xe công. Con số này rõ ràng là nhỏ so với mục tiêu chung đặt ra.
Khoán chi có nhiều cái lợi. Nó kích thích sự chủ động, sáng tạo của đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, biên chế; xóa bỏ tính bình quân chủ nghĩa trong phân bổ ngân sách và quan trọng nhất sẽ giúp tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn. Phần ngân sách tiết kiệm sẽ được tái sử dụng để tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên ngay tại cơ quan.
Vì vậy, chủ trương khoán xe công ngay từ khi được đưa ra để thăm dò đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của dư luận. Tuy nhiên, người dân còn trông chờ chủ trương này được thực hiện nhanh chóng và đại trà hơn nữa, người đứng đầu phải gương mẫu hơn nữa, để Nhà nước tiết kiệm được nhiều hơn ngân sách, cũng là tiền thuế do các doanh nghiệp và người dân đóng góp.
Vũ Hội/TTXVN
Tags