(Thethavanhoa.vn) - Chiều 5/7, Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM tiếp tục phiên thảo luận về chủ đề an toàn thực phẩm (ATTP), ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho biết, mới chỉ khoảng 50% thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn đảm bảo an toàn, số còn lại chưa thể kiểm soát được.
- 110 học sinh tiểu học nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
- Thủ tướng đồng ý thành lập lực lượng phản ứng nhanh về xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong 2 năm 2015 – 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cả 3 cấp đã kiểm tra hơn 98.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và phát hiện hơn 14.000 cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ 15%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận, vấn đề kiểm soát ATTP vẫn còn khó khăn, việc xử phạt vẫn còn khiêm tốn và còn nhiều cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố nhỏ lẻ, chưa đăng ký, chưa thể xử phạt vi phạm…Do đó, vẫn còn khoảng 50% thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn là chưa an toàn.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, người dân rất hoang mang trước “ma trận” thực phẩm không an toàn bởi từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến vận chuyển, chế biến, kinh doanh đều có vấn đề. Do vậy, câu hỏi mà đại biểu này đặt ra là Thành phố đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm lượng thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn? Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã thực hiện rốt ráo, triệt để hay chưa?
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay của Thành phố mới chỉ kiểm soát được từ khâu giết mổ đến tiêu dùng, trong khi đó quá trình trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng thức ăn gì, chất kích thích gì thì vẫn chưa quản lý được.
Bên cạnh đó, một số đại biểu lo ngại tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi, hơn 50% cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa kiểm soát được. Hay việc trong khi chờ kiểm nghiệm thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết cũng là vấn đề mà các đại biểu lo ngại.
Do vậy, đại biểu Đặng Thị Phương Linh đề xuất nên có chế tài xử phạt mạnh tay, thậm chí là xử lý hình sự để tạo tính răn đe, như việc phạt tù những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thời gian vừa qua là ví dụ điển hình.
Ngoài ra, theo đại biểu này, hiện Thành phố vẫn chưa phát huy, tận dụng hết lợi thế ứng dụng khoa học kỹ thuật vào kiểm soát An toàn thực phẩm.
“Thực tế nhà khoa học có thể tham gia vào việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ trong thực phẩm để giúp cho hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Do vậy, Thành phố cần “xoáy sâu” vào câu chuyện liên kết nhà khoa học – nhà kinh doanh để tạo điểm tựa, xây dựng định hướng bài bản phát triển bên vững khoa học ứng dụng ngành thực phẩm của Thành phố”, đại biểu Đặng Thị Phương Linh đề xuất.
Trước tình hình đó, Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và đặc biệt là Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phải bàn kỹ các giải pháp, quy trách nhiệm cho từng bộ phận, tránh tình trạng Hội đồng nhân dân giám sát xong rồi vấn đề lại rơi vào quên lãng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Quan trọng là biện pháp chứ lực lượng, phương tiện, điều kiện kỹ thuật để kiểm soát an toàn thực phẩm của Thành phố không thiếu. Đó là nhiệm vụ của các sở, ngành và đặc biệt là các địa phương”.
Trong thời gian tới, Hội đồng Nhân dân Thành phố ra nghị quyết yêu cầu các sở, ngành, các địa phương xử lý một cách rốt ráo vấn đề an toàn thực phẩm: quản lý tốt thực phẩm từ các chợ đầu mối, giải quyết các chợ tự phát, kiểm soát thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; đồng thời phát triển, nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, các mô hình thực phẩm an toàn để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn thực phẩm an toàn.
Đinh Hằng
Tags