(Thethaovanhoa.vn) - Quyên (ĐD: Nguyễn Phan Quang Bình) công chiếu từ ngày 19/6 có lẽ là một trong số ít “phim nhà giàu” của Việt Nam, nếu nhìn ở khía cạnh đầu tư. Nhà sản xuất không công bố con số, nhưng phim có 9 tháng quay tại Việt Nam và châu Âu, rồi bối cảnh băng tuyết nữa. Kinh phí cho việc truyền thông và ra mắt tại Đức, tại Việt Nam cũng không nhỏ, thế nhưng hiệu quả của tác phẩm thì có vẻ chưa tương xứng.
Khía cạnh khác của “nhà giàu” là chủ đề mà phim này hướng đến: bi kịch của người phụ nữ Việt Nam dưới thời Liên Xô tan rã và bức tường Berlin sụp đổ. Với bối cảnh rộng lớn như vậy sẽ cần mức đầu tư lớn, nhưng tính hấp dẫn thị trường thì rất khó, do bản chất câu chuyện không phải để giải trí. Thông thường thì các nhà sản xuất sẽ né đầu tư, sợ khó thu hồi vốn. Nguyễn Phan Quang Bình có ưu thế hơn chút xíu, bởi anh là đồng chủ nhân của Công ty BHD, đơn vị sản xuất phim, nên có thể chi mạnh hơn.
Một thuận lợi khác là sự chờ đợi của khán giả bấy lâu này, bởi gần đây phim Việt ra rạp nhiều, nhưng phim có nhiều chất điện ảnh và kịch bản có chiều sâu thì quá ít. Khán giả chờ đợi phim Quyên cũng giống như từng chờ đợi Đập cánh giữa không trung (ĐD: Nguyễn Hoàng Điệp) trước đây, và Nước 2030 (ĐD: Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD: Victor Vũ)… sau này.
Cũng như phim trước chuyển thể từ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, thuận lợi và thách thức của phim Quyên chính là kịch bản, vốn chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ, nên cái nền câu chuyện đã có sẵn chiều sâu, sự lôi cuốn. Với các kịch bản chuyển thể, khán giả thường soi kĩ hơn, làm sao phải có tính trung thành với nguyên tác, lại bảo đảm tính sáng tạo, hấp dẫn. Thế nhưng, nếu như phim trước - một bi kịch gia đình - có vẻ còn vừa sức với Nguyễn Phan Quang Bình, với phim này - một bi kịch thời đại - thì hoàn toàn quá sức. Từ đầu chí cuối phim, đạo diễn dường như chỉ chạy theo tiểu thuyết, hiếm khi thể hiện mình như là chủ thể sáng tạo, nên không làm chủ được câu chuyện.
Với tiểu thuyết, sự trừu tượng của ngôn ngữ văn chương thuận lợi hơn trong việc miêu tả bối cảnh lịch sử đã qua, trong khi đó, việc chuyển nó thành hình ảnh sẽ vô cùng nhiêu khê, nhất là sau hơn 20 năm, Đông Âu và nước Đức đã thay đổi chóng mặt, phục dựng lại không hề đơn giản. Chính vì vậy mà nhiều cảnh quay của Quyên chỉ có tính minh họa sơ sài, lướt qua cho có, mà thiếu biểu cảm, thiếu chiều sâu.
Và cũng vì “tham hình”, tham sự kiện nên phim đã đánh mất trục của câu chuyện, nơi đáng lý Quyên (Vũ Ngọc Anh thủ vai) phải là nhân vật chính, thế nhưng đôi lúc người xem cứ tưởng là Hùng (Trần Bảo Sơn). Bởi vậy, người làm phim chưa cho thấy mình kể về cuộc đời Quyên để làm gì? Đành rằng Quyên đã trải qua một cuộc tình và đoạn đời rất lận đận, nhưng lận đận có ý nghĩa gì thì cũng không biết, như vậy chưa đủ để làm nên một phim có tính bi kịch.
Văn Bảy
Tags