Bàn thắng mở tỷ số cho U22 Việt Nam trước U22 Lào mang dáng dấp của pha ghi bàn đem về chức vô địch SEA Games 31 của Nhâm Mạnh Dũng. Song tổng thể đội bóng lại quá khác biệt.
Sau thất bại thảm hại ở Doha Cup, không ít người hâm mộ và giới chuyên môn nhận định sở dĩ thầy trò HLV Troussier gây thất vọng là bởi ông thầy người Pháp muốn triển khai lối chơi tấn công để "bắt nhịp" cho SEA Games 32 - đấu trường mà các đối thủ của U22 Việt Nam "nhẹ ký" hơn rất nhiều. Song nhìn những gì các học trò của HLV Troussier thể hiện trước U22 Lào, có lẽ cách tiếp cận ấy là sai lầm trầm trọng.
Trước sức ép của việc U22 Thái Lan có trận thắng đậm đà ngay trước giờ U22 Việt Nam ra sân, đồng thời triển khai lối chơi cực kỳ lấn áp đối thủ ngay sau khi có bàn thắng sớm, rốt cuộc các học trò của HLV Troussier cũng làm được điều mà ông thầy người Pháp mong muốn - có bàn thắng sớm.
Công bằng mà nói, bàn thắng ở ngay phút thứ hai của trận đấu do công của Văn Tùng mang dáng dấp pha ghi bàn đem về chiếc HCV SEA Games 31 của Nhâm Mạnh Dũng, song đến khá may mắn khi pha đánh đầu trong tư thế khó của tiền đạo U22 Việt Nam lại đi quá hiểm hóc, trong khi thủ thành đội bạn dâng cao.
Những tưởng sau bàn thắng sớm, U22 Việt Nam sẽ giống như U22 Thái Lan kiểm soát trận đấu, bóp nghẹt đối thủ được đánh giá yếu hơn nhiều, song diễn biến sau đó khiến không ít cổ động viên đội nhà phải ngao ngán. U22 Lào đáng lý ra phải là đội chơi bóng dài từ phần sân nhà để giải tỏa áp lực pressing của đối phương, nhưng thay vào đó, đội áp dụng lối chơi này lại là U22 Việt Nam, và đó là lựa chọn cực kỳ sai lầm.
Hậu quả là hầu hết các pha tấn công của U22 Việt Nam đều thiếu sức sống và sự nguy hiểm. Hầu như tất cả các đường chuyền phát động tấn công của các cầu thủ trẻ Việt Nam đều tỏ ra vô hại khi khoảng cách giữa các tuyến quá xa, sự liên kết hầu như không có, các pha phối hợp cực kỳ rời rạc.
Thầy trò HLV Troussier đã có được trận thắng đầu tay với tỷ số 2-0, song đây là một trận thắng đầy may mắn. Nói một cách công tâm, U22 Lào xứng đáng có được một trận hòa với lối chơi khoét sâu vào hai cánh của U22 Việt Nam cực kỳ hiệu quả. Ở phút thi đấu áp chót của giờ thi đấu chính thức, nếu pha dứt điểm cận thành trong tư thế cực kỳ thoải mái của Xaypanya hiểm hóc hơn, rất có thể U22 Lào đã cầm về 1 điểm, đưa U22 Việt Nam vào thế cực khó khi đứng chung bảng với U22 Malaysia và Thái Lan.
Sau trận đấu, rất nhiều lời ngợi khen được dành cho thủ môn Quan Văn Chuẩn. Song đấy cũng là lời cảnh báo đầy sức nặng cho HLV Troussier với màn thể hiện của mình ở giải đấu chính thức đầu tiên của U22 Việt Nam. Rõ ràng ông đã có sự lựa chọn sai lầm, đặt thủ thành đội nhà vào tình thế nguy hiểm. Nếu hàng thủ U22 Việt Nam không mắc quá nhiều lỗi trước đối thủ yếu như U22 Lào, Quan Văn Chuẩn đã không phải thể hiện nhiều đến thế.
Sau trận đấu, ông thầy người Pháp đã tự tin phát biểu: "Muốn tiếp cận châu lục, chúng ta phải vượt qua ranh giới trong cách chơi. Các cầu thủ cần kiểm soát bóng nhiều hơn, chơi chủ động hơn trong trận đấu. Đó là điều hoàn toàn mới".
Quả tình, phát biểu của HLV Troussier hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trên sân. Kiểm soát bóng không nổi trước U22 Lào, thì còn mơ mộng gì "tiếp cận châu lục".
Trong kỷ nguyên thành công cùng bóng đá Việt Nam, điều mà HLV Park Hang-seo làm tốt nhất chính là "liệu cơm gắp mắm". Ông thầy người Hàn Quốc luôn biết cách giúp các học trò đè bẹp các đối thủ yếu, đồng thời chọn lối chơi phòng ngự kiên cường trước các đối thủ mạnh hơn, đồng thời luôn biết cách tung ra những "đòn độc" với các đối thủ ngang tầm. Những điều này, người hâm mộ và giới chuyên môn hoàn toàn chưa thấy ở ông thầy người Pháp.
Trước U22 Lào, những sự thay đổi người chiến thuật như Quốc Việt, Khuất Văn Khang hay Xuân Tiến không giúp gì nhiều cho việc "gỡ rối" trước đối thủ "lót đường", trong thế đã có bàn dẫn trước. Quốc Việt chính là người ghi bàn thắng quyết định đem về chiến thắng đầu tay cho U22 Việt Nam, trước đó, nếu U22 Lào may mắn hơn, có thể các học trò của HLV Troussier đã không còn cơ hội kiếm trọn 3 điểm.
Thành công của HLV Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam, ngoài sự trợ giúp rất lớn đến từ lứa cầu thủ "thế hệ vàng", còn là cách thích nghi rất linh hoạt của ông thầy người Hàn Quốc với mỗi giải đấu, mỗi trận đấu, thậm chí trong từng tình huống trên sân với những "biến số" mang tính đột biến. Còn ở HLV Troussier, tất cả mới chỉ gói gọn trong những câu từ lý thuyết suông.
Đá với U22 Lào mà phải chật vật đến mức thót tim, thì đi tiếp ở SEA Games 32 thế nào đây, ông Troussier?
Tags