Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch kém tích cực, khi chỉ số VN-Index không bứt phá qua vùng 1.060-1.070 điểm trong hai phiên giao dịch đầu tuần và sau đó quay đầu giảm điểm mạnh.
Đặc biệt, khối ngoại đảo chiều bán ròng so với tuần trước đó. Tuần 24 - 28/10, trong khi một số công ty chứng khoán kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ được kích hoạt thì một số công ty khác khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng không dùng margin (vay giao dịch ký quỹ), ưu tiên bảo toàn vốn.
Áp lực tỷ giá chưa giảm
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới biên độ dao động tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, áp lực tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND tự do đã vượt mốc 25.000 đồng/USD, cùng đó tỷ giá ngân hàng cũng vượt mốc 24.700-24.800 đồng/USD. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc tỷ giá tăng đã khiến khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh với hơn 400 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần (21/10), kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm sâu.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giá bán ngoại tệ USD/VND từ 23.925 đồng (30/9/2022) lên 24.480 đồng tăng xấp xỉ 6% tính từ đầu năm. Tuy đã có bước điều chỉnh, nhưng tỷ giá giao dịch thị trường tự do và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại liên tục tăng cho thấy các áp lực lên tỷ giá.
Giai đoạn này xu hướng tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới vẫn đang tiếp diễn, xác suất cao về một đợt tăng lãi suất 75 điểm vào đầu tháng 11 và một lần tăng 50 điểm trong tháng 12.
Theo đó, giai đoạn này xu hướng giảm giá của VND tiếp diễn trong khi lãi suất chịu áp lực tăng. Với giai đoạn hiện nay, các rủi ro thanh khoản đối với an toàn hệ thống tài chính cũng sẽ tăng thêm nếu không có các biện pháp quản lý và theo dõi sát sao, VCBS nêu quan điểm.
Về diễn biến thị trường, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 4% trong cả tuần và lùi về mức 1.019,8 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 4,6% xuống 217,4 điểm và UPCOM-Index giảm 2% về 78,6 điểm.
Thanh khoản của thị trường tuần qua giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư duy trì sự thận trọng sau những biến động trên thị trường tài chính thời gian vừa qua.
Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm mạnh 31% so với tuần trước về mức 9.651 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu bán ròng 128 tỷ đồng trên sàn HOSE sau khi mua ròng 2.642 tỷ đồng trong tuần giao dịch trước đó.
Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HNX-INDEX với giá trị đạt 150 tỷ đồng (giảm 27,1% so với tuần trước) và mua ròng gần 3 tỷ đồng trên sàn UPCOM, trong khi tuần trước đó bán ròng 85 tỷ đồng.
Đà giảm điểm thị trường tuần qua chịu tác động từ sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu tài chính, bao gồm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Đặc biệt, các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản ở cả 2 phân khúc bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp đều giảm điểm mạnh bao gồm: VGC giảm 11,3%, KDH giảm 11,0%, DXG giảm 9,7%, VHM giảm 7,6%, NLG giảm 8,2%. KBC giảm 5,3%.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng quay đầu điều chỉnh sau nhịp phục hồi trước đó. Cụ thể, TCB giảm 10,9%, MBB và STB đều giảm 9,6%, VIB giảm 5%.
Ở chiều ngược lại, rất ít cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu được phát hành bởi các công ty lớn, với mức độ uy tín cao và tài chính dồi dào để chi trả cổ tức cho nhà đầu tư một cách minh bạch) duy trì sắc xanh trong tuần qua. Các cổ phiếu tăng giá chủ yếu thuộc ngành thực phẩm và đồ uống như: VNM tăng 4,1%, SAB tăng 2,5% và BHN tăng 3,8%, do đây được coi là nhóm phù hợp để trú ẩn trong giai đoạn hiện nay.
Nhận định thị trường tuần 24 - 28/10, VNDIRECT cho rằng, tâm lý nhà đầu tư chuyển biến tiêu cực trong phiên thứ 6 do ảnh hưởng từ việc khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh tại một số cổ phiếu trụ và những tin đồn lan truyền trên các hội nhóm đầu tư. Áp lực bán ra có thể tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số VN-Index có thể thử thách lại vùng hỗ trợ 990 - 1.000 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường và công ty chứng khoán này kỳ vọng dòng tiền bắt đáy được kích hoạt sẽ giúp thị trường giữ được hỗ trợ quan trọng này.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới trong tuần qua. Phiên giảm này khiến chỉ số VN-Index đánh mất gần như toàn bộ thành quả trong nhịp hồi vừa qua kể từ ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Về kỹ thuật, tuy VN-Index vẫn chưa để mất đáy ngắn hạn ở ngưỡng 1.000 điểm, nhưng rất nhiều cổ phiếu đã thủng mức đáy ngắn hạn, do vậy nguy cơ cắt lỗ vẫn còn tiếp diễn. Nhà đầu tư nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin (vay giao dịch ký quỹ), ưu tiên bảo toàn vốn, MBS khuyến nghị.
MBS cũng cho biết trên thế giới, các nhà đầu tư chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ sau khi đợt bán tháo khốc liệt trên thị trường tài chính “cuốn bay” hàng nghìn tỷ USD và làm xói mòn niềm tin vào các tài sản rủi ro cao. Đến nay, gần 140 tỷ USD rót vào các quỹ thị trường tiền tệ trong năm 2022. Quy mô của các quỹ này đã tăng lên 1,55 nghìn tỷ USD sau 10 tuần hút vốn liên tiếp.
Nỗi lo suy thoái phủ bóng chứng khoán châu Á
Thực tế diễn biến giảm mạnh phiên cuối tuần của chứng khoán Việt Nam khá tương đồng với các thị trường châu Á.
Lo ngại suy thoái kinh tế đẩy hầu hết các sàn chứng khoán châu Á đi xuống phiên 21/10.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ leo lên mức cao nhất nhiều năm qua và Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn không có dấu hiệu xoay chiều lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ, nguyên nhân khiến cổ phiếu đi xuống và đồng USD mạnh lên.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,43% xuống 26.890,58 điểm, do lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau các đợt tăng lãi suất mạnh tay. Đồng yen chạm mức thấp nhất trong 32 năm qua, gần chạm mức 150 yen/USD tại thị trường Tokyo.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp do số liệu xuất khẩu yếu làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Đóng cửa phiên, chỉ số Kospi mất 0,22% xuống 2.213,12 điểm. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 10 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu lượng hàng hóa xuất khẩu hàng tháng của nước này có thể hướng đến mức giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm.
- Chứng khoán 17/10: Cổ phiếu dầu khí ngược dòng tăng mạnh
- Thị trường chứng khoán đối diện xu hướng tăng lãi suất
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng với các app giao dịch
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt kết phiên trong "sắc đỏ". Chỉ số Hang Seng tiếp tục kết thúc tuần giao dịch đi xuống do đà bán tháo trên toàn cầu được thúc đẩy bởi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, khi các ngân hàng trung ương đua nhau tăng lãi suất để chống lạm phát. Khép phiên, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 0,42% và 0,13% xuống 16.211,12 điểm và 3.038,93 điểm.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,88% trong phiên này, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm vào phiên trước đó.
Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại AMP Capital nói: "Tất cả các yếu tố vĩ mô đều quá mong manh. Thị trường đang trong cuộc chiến giằng co giữa những nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội và những người tập trung vào bối cảnh khó khăn hiện tại".
Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất mạnh sẽ đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái trước khi lạm phát được chế ngự, dẫn đến kết quả là đồng USD mạnh hơn có thể "tàn phá" các thị trường mới nổi.
Văn Giáp/TTXVN
Tags