Không bỏ thủ tục làm hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ

Thứ Năm, 22/11/2018 11:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã chia sẻ những điểm mới mà cơ quan quản lý nhà nước đề xuất trong dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Hai năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ, những người góp phần bảo tồn, xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc.

Chú thích ảnh
 NSND Nguyễn Quang Vinh

* Có thông tin phản ánh, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa đề xuất đưa vào dự thảo Nghị định mới, theo đó nghệ sĩ sẽ không phải làm hồ sơ xin xét danh hiệu. Thực hư là thế nào, thưa ông?

-Cần phải khẳng định, đây là thông tin chưa chính xác. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn đang phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến để giúp cho công tác quản lý nhà nước. Và việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến này cũng sẽ giúp cho các nghệ sĩ ít gặp khó khăn hơn khi làm các thủ tục xét danh hiệu, ví như xác nhận những giải thưởng của mình do bị thất lạc, mất mát hồ sơ. Theo đó, Cục sẽ thay mặt các nghệ sĩ xây dựng hồ sơ dữ liệu của từng nghệ sĩ. Khi cần họ có thể tra cứu dữ liệu cá nhân như tên tuổi, đơn vị công tác, giải thưởng đã đạt được, kèm theo có thể cả clip và audio…

Nói cách khác, Cục đang giúp cho các nghệ sĩ quản lý tốt hơn về hồ sơ của mình chứ Cục không đề xuất bỏ thủ tục làm hồ sơ xin xét danh hiệu nghệ sĩ, vì đây là vấn đề tự nguyện của cá nhân nghệ sĩ.

* Đối với giải thưởng do các Hội nghề nghiệp trao tặng hay đối với việc cập nhật dữ liệu của các nghệ sĩ thuộc sân khấu xã hội hoá dường như đang ở ngoài tầm tay của cơ quan quản lý là Cục Nghệ thuật biểu diễn?

- Đúng vậy. Trước tiên, chúng tôi sẽ xây dựng dữ liệu của các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập đồng thời cũng khuyến khích các nghệ sĩ xã hội hoá cùng tham gia. Chúng tôi chỉ cập nhật được giải thưởng trong hệ thống các cuộc thi do Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức.

Để có một hồ sơ dữ liệu đầy đủ, Cục sẽ gửi văn bản đến các Hội nghề nghiệp đề nghị cùng phối hợp. Việc làm này sẽ giúp cho nghệ sĩ thuận tiện khi xây dựng và lưu lại hồ sơ thành tích của cá nhân. Tôi tin rằng các Hội nghề nghiệp nói chung và cá nhân nghệ sĩ sẽ rất ủng hộ. Bởi công việc này trước hết giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này giải quyết nhanh hơn khi xác minh nhân thân hay xét hồ sơ phong tặng danh hiệu của nghệ sĩ, thay vì sẽ phải tìm lại trích lục từ hồ sơ giấy tờ qua nhiều năm…

Chú thích ảnh
 Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, dự thảo Nghị định mới sẽ quy định theo hướng cấp phép trực tiếp cho ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, không thông qua tổ chức, đơn vị nào. Trong ảnh: Ca sĩ Chế Linh trong lần về nước biểu diễn

* Ngoài ra, có ý kiến cho rằng những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn đã khiến các thành viên ban soạn thảo phải “đau đầu” nên vẫn chưa có sự ngã ngũ chính thức trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quan trọng này?

- Không hẳn là như vậy. Hiện Ban soạn thảo đang xoáy vào những vấn đề còn bất cập, nổi cộm nảy sinh từ thực tiễn như việc cấp giấy phép cho ca khúc hay cấp phép cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Cho đến thời điểm này, những vấn đề đặt ra đã được Ban soạn thảo tiếp thu trong đó có các ý kiến góp ý từ các cuộc hội thảo, những cuộc làm việc với đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan để ban soạn thảo đưa ra những quy định.

Đơn cử, việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài đã, đang gây nhiều dư luận. Trong dự thảo Nghị định mới, chúng tôi đã đề xuất bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975. Đã là người Việt Nam thì không nên khắc sâu ranh giới các thời kỳ, ca khúc trước hay sau 1975, trong nước hay hải ngoại, người Việt Nam hay nhạc sĩ nước ngoài sáng tác đều là sáng tác đáng trân trọng nếu có giá trị. Chúng tôi muốn loại bỏ cấp phép ca khúc bởi đó là sở hữu cá nhân. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp, ngăn chặn những sáng tác mang nội dung phản động, chống phá Nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, vi phạm thuần phong mỹ tục…

Bên cạnh đó, nhiều quy định mới sẽ thông thoáng hơn trước như các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn sẽ trực tiếp được cấp phép biểu diễn mà không cần thông qua tổ chức nào. Để tránh cho nghệ sĩ khi biểu diễn ở nhiều địa điểm, nhiều chương trình khác nhau dẫn đến phải làm nhiều lần thủ tục, chúng tôi đề xuất cấp phép trực tiếp cho ca sĩ trong một thời gian nhất định. Chúng tôi cũng đề nghị mở rộng phạm vi để mọi thí sinh đều có cơ hội dự thi tại đấu trường nhan sắc quốc tế. Thí sinh dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế không nhất thiết phải có danh hiệu miễn là đủ điều kiện theo tiêu chí của cuộc thi vì trên thực tế có cả những cuộc thi có tiêu chí riêng như dành cho người béo hay người gầy…

Mục tiêu của dự thảo Nghị định nhằm cải cách hành chính thông thoáng hơn, tăng quyền quản lý về các địa phương, mở rộng hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạo môi trường thông thoáng hơn cho nghệ sĩ.

* Xin cảm ơn ông!

 Theo Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›