Không chỉ Mỹ, Bangladesh cũng bắt buộc phải học bơi. Còn Việt Nam?

Thứ Ba, 19/04/2016 20:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -  Đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em. Chưa vào hè mà đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, trong đó có nhiều vụ rất thương tâm.


Một lớp dạy bơi cho các em học sinh ở xã Hải Xuân. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Tại Quảng Ngãi, chỉ trong 2 ngày (15 và 16-4-2016), đã xảy ra tới 3 vụ tai nạn đuối nước, làm 12 em bị chết đuối đã làm bàng hoàng dư luận. Điều này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước mỗi khi hè về.

* Tai nạn đuối nước tiếp tục được cảnh báo

So với các nước phát triển, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trên 50% các trường hợp đuối nước xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.

Đặc biệt, tai nạn đuối nước gia tăng nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ. Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi ngày, cả nước có 9 trẻ em bị chết đuối và tỷ lệ chết đuối trong dịp hè tăng đột biến.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm gần đây, 3 tỉnh, thành phố có số trẻ chết đuối cao nhất nước là Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội. Trong đó, cao nhất là Thanh Hoá (180 em), Nghệ An (152 em). Sau đó là khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có từ 75-100 nạn nhân/năm. Và hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có người chết đuối, bất kể thành thị hay nông thôn...

Còn năm nay, mặc dù chưa đến hè, nhưng đã xảy ra một số vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm. Gần đây nhất, ngày 15-4-2016, tại khúc sông Trà Khúc chảy qua địa phận thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 9 học sinh nam tử nạn.

Tiếp đến, chiều 16-4-2016 cũng tại Quảng Ngãi, hai cháu Võ Tùng Lâm (5 tuổi) và cháu Võ Thị Linh Nhi (3 tuổi), chết đuối ở dưới hầm vệ sinh của một gia đình cùng thôn đang xây dựng. Cùng ngày tại xã Ba Động huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) tiếp tục xảy ra 1 vụ đuối nước khiến 1 học sinh 17 tuổi tử vong. Như vậy chỉ trong 2 ngày 15 và 16-4, trên địa bàn Quảng Ngãi đã xảy ra 3 vụ đuối nước làm 12 em tử vong.

* Từ Mỹ đến Bangladesh

Tại sao tình trạng đuối nước ở học sinh năm nào vẫn cứ liên tục xảy ra, và hầu như địa phương nào cũng có nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng đuối nước hiện nay.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Mặt khác, bơi lội chưa bao giờ được nhà trường, gia đình và xã hội chú trọng đúng mức, đưa vào dạy học sinh như một môn học chính thức. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều học sinh không biết bơi, dù ở nhiều nước trên thế giới coi đây là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Tại Mỹ hay ở nhiều quốc gia trên thế giới, dạy học bơi cho trẻ được các nhà trường và phụ huynh rất chú trọng giống như một điều bắt buộc, cũng như rèn luyện cho trẻ những kỹ năng khác như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tự lập… Bởi vậy, rất khó để có thể thấy một học sinh hay một thanh niên Mỹ đến tuổi trưởng thành mà không hề biết bơi lội.

Năm 2015, sau hàng loạt tai nạn chìm phà làm hàng nghìn người thiệt mạng Chính phủ Bangladesh cũng đã quyết định đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc tại tất cả các trường học.

Ngoài ra, các địa phương cũng chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là em học sinh để chủ động đề phòng các tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng; Chưa thực hiện tốt việc kiểm tra và cắm biển cảnh báo đuối nước ở các khu vực nguy hiểm như ao hồ, sông suối... để phòng tránh; Chưa thường xuyên kiểm tra và xử lý các công trình thi công không có biện pháp an toàn để ngăn ngừa tình trạng đuối nước.

* Tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.

Nâng cao năng lực cho cán bộ các ngành, địa phương về phòng chống đuối nước; trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em; cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em bị đuối nước, bao gồm cả dịch vụ tư vấn, y tế, đặc biệt là cấp cứu và chăm sóc.

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, thôn, buôn, khối phố, tổ dân phố và gia đình về việc thực hiện các tiêu chuẩn Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn; tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em… ./.

Đình Trung (tổng hợp)
Nguồn: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›