(Thethaovanhoa.vn) - Vòng chung kết EURO 2016 đang dần khép lại, như vậy người hâm mộ sẽ chỉ còn được "ăn, ngủ" với bóng đá vài đêm nữa, với ít trận đấu hơn.
Song để bù lấp vào khoảng thời gian "hẫng hụt" khi không có bóng đá, các "tín đồ" của môn thể thao Vua có thể tìm đến với điện ảnh, xem những bộ phim hay và đầy thú vị về môn thể thao này.
Từ hooligan đến giấc mơ thế giới
Năm 1971, nhà làm phim Đức Wim Wenders đã tung ra bộ phim The Goalie's Anxiety at the Penalty Kick. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Wenders, song nó đã tạo nên bước đột phá trong sự nghiệp làm phim của ông.
Phim là một câu chuyện buồn, kể về một thủ môn bị đuổi ra khỏi sân cỏ sau khi mắc lỗi, anh đã đi lang thang khắp thành phố Vienna (Áo) và quẫn trí tới mức đã phạm tội giết người. Phim đã thu hút khán giả với cốt truyện súc tích và cách mô tả điềm đạm.
Có 2 bộ phim đặc biệt mô tả về các cổ động viên bóng đá mà người hâm mộ túc cầu không nên bỏ qua, đó là Ultra (1990) của nhà làm phim Italy, Ricky Tognazzi và Nordkurve (1993) của đạo diễn Đức Adolf Winkelmann.
Hầu như trong giải bóng đá thế giới nào, chuyện của các hooligan luôn là vấn đề nổi cộm và năm nay cũng vậy. Trong phim Ultra, đạo diễn Tognazzi mô tả những cổ động viên quá khích của câu lạc bộ AS Roma đã đánh cổ động viên của câu lạc bộ Juventus tàn bạo như thế nào.
Tại LHP Quốc tế Berlin năm 1991, phim Ultra đã đem về cho nhà làm phim Tognazzi giải Gấu Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất. 2 năm sau, cũng tại LHP Berlin, nhà làm phim Adolf Winkelmann đã được trao giải Gấu Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Nordkurve, là cái nhìn phê phán vào khung cảnh bóng đá ở vùng Ruhr của Đức, trong đó có cả cổ động viên, nhà quản lý, cầu thủ và vợ của họ.
Đáng kể nữa là phim Fimpen (1973) của nhà làm phim Thụy Điển Bo Widerberg và Gregory's Girl (1981) của đạo diễn Anh Bill Forsyth. Cả hai phim đều mang tính giải trí nhẹ nhàng.
Trong phim Fimpen, một cậu bé đã kích thích đội tuyển quốc gia Thụy Điển khiến các cầu thủ thi đấu đầy phấn chấn và gặt hái thành công hơn cả những gì tiền đạo Zlatan Ibrahimovic mang về cho đội tuyển Thụy Điển ở Pháp năm nay.
Còn trong phim Gregory's Girl của đạo diễn Bill Forsyth, một cậu bé tuổi vị thành niên đã gặt hái được thành công vừa phải trong bóng đá, tuy nhiên cậu bé không chỉ mong muốn có vậy mà còn mơ tạo dựng được tên tuổi và có nhiều cô gái ngưỡng mộ. Có điều, bóng đá và tình yêu không phải lúc nào cũng song hành với nhau.
Ngôi sao, chiến tranh và chính trị
Phim Escape to Victory (1981) hay đơn giản là Victory của nhà làm phim Mỹ John Huston có bối cảnh ở Pháp trong thời kỳ bị phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến II. Trong một trại tập trung của phát xít Đức đã diễn ra một trận đấu bóng giữa lính Đức và các tù nhân chiến tranh của Anh và Mỹ.
Thực tế, phim Victory không phải là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp điện ảnh xuất chúng của đạo diễn John Huston, tuy nhiên phim thu hút sự quan tâm của công chúng bởi huyền thoại bóng đá Pele là một trong những ngôi sao của bộ phim.
Trong khi đó, phim Maradona (2008) của đạo diễn Serbia Emir Kusturica lại tôn vinh biểu tượng bóng đá Argentina Diego Maradona, mô tả lối dẫn bóng vô cùng khéo léo và "thần tốc" của ông, dễ dàng "qua mặt" được cả đội bóng đối thủ.
Không có sự xuất hiện của các huyền thoại bóng đá Pele và Maradona, bởi vậy phim The Other Final (2003) của nhà làm phim Hà Lan Johan Kramer lại khá trầm lặng khi mô tả 2 đội bóng quốc gia ít tiếng tăm của Bhutan và Montserrat. Hai đội này đã thi đấu nhau vào ngày 30/6/2002, cùng ngày Đức đấu với Brazil trong giải World Cup ở Brazil. Kết quả là Bhutan đã chiến thắng với tỷ số 4-0. Song đáng kể hơn, trận đấu bóng này đã góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Bhutan và Montserrat.
Năm 2006, nhà làm phim Iran Jafar Panahi đã tung ra bộ phim Offside (Việt vị). Tuy nhiên, bộ phim này đã bị cấm chiếu ở Iran, bởi trong phim đạo diễn Panahi mô tả nhiều người phụ nữ và các cô gái đã cố gắng như thế nào để vào được sân vận động xem một trận đấu trong giải World Cup. Do sự phân biệt giới tính, "trọng nam khinh nữ", nên đây là điều tối kỵ ở đất nước Hồi giáo này. Phim là sự phê phán vô cùng sắc sảo về xã hội đầy bảo thủ ở Iran.
Trong phim The Cup (1999) của Khyentse Norbu, một lần nữa đội tuyển bóng đá Bhutan lại trở thành "nhân vật" chính. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Bhutan và Australia. Norbu không chỉ là một đạo diễn, mà còn là một nhà sư. Trong phim của mình, Norbu muốn nêu rõ bóng đá và tâm linh luôn tương hợp nhau. Nhân vật chính trong phim mặc chiếc áo len có chữ Ronaldo bên trong áo cà sa.
Bộ phim "The Cup"
Còn trong phim Hothead (1979) của nhà làm phim Pháp Jean-Jacques Annaud, nam diễn viên Patrick Dewaere hóa thân thành cầu thủ bóng đá Francois Perrin rủi ro. Anh bị dính vào những âm mưu tội ác của một câu lạc bộ bóng đá tỉnh. Song phim đã có phần kết hậu khi Perrin 2 lần sút tung lưới đối phương và anh đã giải thoát được mình khỏi những giao kèo của các nhà quản lý.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags