(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng chống dịch, ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân nhằm sớm trở lại trạng thái bình thường mới, lại xuất hiện những sự việc khiến dư luận bức xúc, bất bình trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Dư luận những ngày qua đang nóng lên bởi câu chuyện vị Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhận thức không đầy đủ, dẫn tới xử lý cứng nhắc, không đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi làm nhiệm vụ kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19, cũng như thái độ vô cảm, ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong thực thi công vụ. Trước sự việc trên, ngày 20/7, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu xác minh làm rõ vụ việc, kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ có liên quan theo đúng quy định. Cùng với việc Phó Chủ tịch UBND phường nêu trên bị điều chuyển công tác, người đứng đầu chính quyền thành phố đã gửi thư xin lỗi và nhận khuyết điểm với công dân khi để xảy ra vụ việc.
Ở một chiều khác trong công tác phòng, chống dịch, dư luận lại nhức nhối với câu chuyện ngày 20/7, Công an huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, tạm giữ hình sự Trần Văn Hùng, sinh năm 1973, ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, về hành vi chống người thi hành công vụ. Hùng là đối tượng không đeo khẩu trang, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về kiểm soát dịch bệnh, điều khiển xe mô tô vượt chốt kiểm soát dịch Covid-19 và đe dọa, nhục mạ, thậm chí là hành hung các thành viên Tổ tuần tra lưu động của Công an xã An Thạnh 3.
Mới đây, sáng 16/7, Công an huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết đã truy bắt được Nguyễn Quốc Bảo là đối tượng vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 ở xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), chém trọng thương Thượng úy Hoàng Văn Dương (Công an xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) đang thi hành nhiệm vụ.
Hay trước đó, trưa 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ một số thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội, như Thành phố sẽ thực hiện đóng cửa (lock down) dẫn đến khan hiếm thực phẩm, kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa, thông tin cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19... Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, những "tin đồn" như vậy không chỉ gây hoang mang trong xã hội, mà còn dẫn đến rất đông người dân đã đổ về các điểm bán hàng, siêu thị để mua hàng hóa tích trữ, nhiều điểm người dân xếp hàng dài, bất chấp các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trước những tác động tiêu cực đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời lên tiếng, đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác; cập nhật thông tin từ báo chí chính thống; đồng thời khẳng định, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Phạm vi bài viết này xin không nói sâu đến việc cơ quan chức năng xử lý các vụ việc, cũng như việc người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chỉ xin nhấn mạnh rằng, Chính phủ và người dân cả nước đang chung sức đồng lòng thực hiện mọi biện pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân, sớm đưa đất nước quay lại cuộc sống bình thường mới.
Tại cuộc họp đột xuất của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19”, “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân”.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Hiện nay, cả hệ thống chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung hằng ngày, hằng giờ vào công tác phòng, chống dịch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân"; đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước nhân dân.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho rằng: Công tác phòng, chống dịch cần sự phối hợp hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương và sự tuân thủ của người dân. Đến nay, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xử lý các ổ dịch hiện tại trong nước. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện nay đang có nhiều thách thức, cần nhiều thời gian để kiểm soát, đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ của tập thể, theo cách tiếp cận toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó càng thấy rõ, chính quyền xã, phường và người cán bộ cơ sở chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, trực tiếp đưa chính sách vào cuộc sống. Mọi đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có thể thành hiện thực hay không, nhất thiết phải thông qua cấp cơ sở. Việc đất nước vững vàng vượt qua ba làn sóng dịch Covid-19 trước đây và đang nỗ lực đẩy lùi làn sóng dịch thứ tư để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, đòi hỏi toàn dân tin tưởng, đoàn kết, chung sức cùng Chính phủ trong cuộc chiến cam go này.
- Chiến lược tháp 4 tầng giúp TPHCM 'chặn đánh từ xa' dịch Covid-19
- Đã có 4.336.833 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm tại Việt Nam
- 'Á hậu được người anh cho tiêm vắc xin Covid-19': Hà Nội yêu cầu Sở Y tế giải trình
Quay trở lại những sự việc nêu trên, có thể thấy sự vô cảm của một cán bộ cơ sở, hành vi côn đồ của đối tượng không chấp hành các biện pháp phòng dịch, hay việc lan truyền những thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng, dù chỉ là hành vi đơn lẻ, hiện tượng cá biệt, xuất phát từ hạn chế của một vài cá nhân và đã được cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý, nhưng tác hại của nó có thể là không nhỏ.
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang tấn công vào các đô thị lớn, khu công nghiệp - những nơi tập trung đông người, tình hình dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện tiếp các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh, mạnh hơn, gây quan ngại sâu sắc đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Mỗi hành vi sai phạm, hay những thông tin “đồn thổi”, không chuẩn xác, liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đều có thể ảnh hưởng tiêu cực, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Những hiện tượng cá biệt, hành vi đơn lẻ đó cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến xu hướng tích cực và mục tiêu tốt đẹp, nhân văn của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân ta đang đồng lòng, dốc sức thực hiện.
Hạnh Quỳnh/ TTXVN
Tags