Trong Nghị quyết 108/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương (ngày 10/7/2024), Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, toàn xã hội trong những tháng còn lại hãy nỗ lực phấn đấu để nền kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng GDP cả năm từ 6,5% đến 7%, giữ đà phát triển cho năm 2025.
Trong điều kiện khách quan và chủ quan đều khó khăn, vì vậy để thúc đẩy tăng trưởng GDP là điều không dễ dàng và chúng ta cần tận dụng mọi nguồn lực.
Trong số các nguồn lực của đất nước đang được huy động để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP thì công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc dân.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO ), công nghiệp văn hóa là lĩnh vực có sự kết hợp giữa tính sáng tạo với quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và được bảo vệ bởi các quyền sở hữu trí tuệ.
Các ngành công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội.
Trên thế giới, sự phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), 85% thu nhập có được là từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo.
Công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc, tạo ra gần 700.000 việc làm mỗi năm, doanh thu đạt khoảng 120 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu văn hóa lên tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng truyền thống như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị... Công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc còn đảm nhận vai trò sức mạnh mềm, giúp các ngành công nghiệp khác thâm nhập thị trường nước ngoài.
Nhật Bản đang thực hiện chiến dịch sức mạnh mềm (Cool Japan), tập trung quảng bá truyện tranh manga và các bộ phim hoạt hình anime, tạo nên trào lưu cosplay tại một số quốc gia. Năm 2020, thị trường anime Nhật Bản có trị giá khoảng 24 tỷ USD. Chiến dịch Cool Japan cũng chú ý đến việc đưa văn hóa ẩm thực Nhật Bản ra thế giới. Vào 2017 có 117.500 nhà hàng Nhật được đăng ký kinh doanh trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Chính phủ xác định: Công nghiệp văn hóa bao gồm 12 lĩnh vực, gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025-2035 đặt mục tiêu: Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, đến năm 2035 các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% vào GDP của cả nước.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 từng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và năm 2021 chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến năm 2022 và 2023, công nghiệp văn hóa bắt đầu phục hồi, đóng góp cho GDP cả nước khoảng hơn 4%.
Trong những năm gần đây các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta đã đạt được một số thành tựu nhất định. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả. Nhiều ca sỹ Việt đạt hàng trăm triệu lượt xem trên Youtube…
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng 7,4%/năm, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế.
Hiện tại, 6 trong tổng số 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có sự tăng trưởng rõ rệt.
Lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, người trẻ chiếm 80% thị phần khán giả xem phim và đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa. Trong năm 2023 tổng doanh thu hơn 25 phim Việt ra rạp đạt 1.563 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên thị phần phim nội địa chiếm hơn 42% thị trường tại Việt Nam.
Năm 2023, doanh thu từ du lịch lữ hành (du lịch văn hóa) đạt gần 38.000 tỷ đồng trong 672.000 tỷ đồng tổng thu từ du lịch.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí giai đoạn 2018-2022 có giá trị sản xuất tăng bình quân 5,59%. Cả nước hiện có 130 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm có giá trị sản xuất bình quân tăng 6,50%.
Năm 2022, doanh thu quảng cáo đạt khoảng 2,192 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2022 đạt 12,7%, đứng thứ 5 trong ASEAN.
Các chuyên gia nhận định rằng tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng của Việt Nam có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa, gồm cả các sáng tạo từ trí tuệ con người, sẽ là nguồn của cải vô tận nếu chúng ta khéo khai thác và phát huy giá trị.
Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất đa dạng và phong phú. Chúng ta có nguồn lực vật chất như các cảnh quan, danh lam thắng cảnh, di tích, lễ hội, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… và nguồn lực phi vật chất như bản sắc văn hóa, tính cách con người, năng lực sáng tạo, các di sản văn hóa phi vật thể…
Các nguồn lực văn hóa vật thể, phi vật thể ở nước ta là nền tảng để du lịch văn hóa phát triển mạnh mẽ. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong 40 tỷ USD của tổng thu du lịch.
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà khách muốn tìm hiểu và cảm nhận bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc của nước sở tại thông qua di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán, cách tổ chức cộng đồng, lối sống của một dân tộc…
Mặc dù vậy, trong các nguồn lực để nước ta phát triển công nghiệp văn hóa thì nguồn lực con người Việt Nam với tài trí thông minh và giàu khả năng sáng tạo là quan trọng nhất. Lý do là các ngành công nghiệp văn hóa đều mang nặng dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Khác với tài nguyên thiên nhiên có sự giới hạn hữu hình thì tài nguyên văn hóa, tài nguyên con người không bị bó chặt trong các ranh giới hạn hẹp đó. Vấn đề là sử dụng nguồn lực dường như vô tận này vào việc phát triển kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Tags