Không quân Trung Quốc lộ nhiều 'lỗ hổng' khi vươn ra Thái Bình Dương

Thứ Tư, 02/11/2016 20:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những cuộc tuần tra trên không ở Thái Bình Dương của Trung Quốc nhằm thể hiện quyết tâm trước các nước láng giềng và là một phần quan trọng trong kế hoạch huấn luyện, nhưng nó cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Tân Hoa xã hôm 25/9 cho hay cùng ngày, Không quân Trung Quốc đã thực hiện một loạt các cuộc tuần tra tầm xa qua eo biển Miyako và trong vùng Tây Thái Bình Dương với sự tham gia của hơn 40 máy bay. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa đã nhấn mạnh tính chất thường xuyên của các cuộc tuần tra này và vai trò của chúng trong việc thực thi Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh tuyên bố trên Biển Hoa Đông hồi năm 2014.


2 máy bay Su-30 của Trung Quốc cất cánh tuần tra trong khu vực Biển Đông. Ảnh: CCTV.com

Theo chuyên gia phân tích quốc tế Peter Wood, những bài tập này, giống như của các nước khác, nhằm thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trước các nước láng giềng và là một phần quan trọng trong kế hoạch huấn luyện của họ. Hiểu rõ bối cảnh và vai trò của những bài tập này là quan trọng khi quân đội Trung Quốc đang có sự tự tin, tăng khả năng thực tế cũng như tiến độ huấn luyện, và sử dụng hành động đó để hỗ trợ chính sách đối ngoại vốn thách thức sự nguyên trạng ở Đông Á.

Mặc dù thông tin cụ thể về các chuyến bay đó vẫn chưa rõ ràng, thông qua việc xem xét số lượng máy bay tham gia, những căn cứ của chúng và những gì được thể hiện bằng các lịch trình và tuyến đường bay, chúng có thể gợi mở những khía cạnh quan trọng về học thuyết và nhiệm vụ chiến đấu tương lai đồng thời là những bước quan trọng hướng tới việc xây dựng một bức tranh rõ ràng hơn về những gì Trung Quốc muốn thực hiện đối với Lực lượng Không quân và Không quân Hải quân của nước này.

Đối với Mỹ và Nga, những chuyến bay như vậy là thường lệ. Nhưng với Trung Quốc, các cuộc tuần tra tầm xa là một sự kiện quan trọng và là vấn đề tự hào dân tộc. Trong những khía cạnh khác, chẳng hạn như sự nhấn mạnh vào các hoạt động ban đêm (điều đã là thói quen của Mỹ) cho thấy có sự cải thiện so với những năm trước, khi máy bay Trung Quốc chỉ được huấn luyện vào ban ngày.


Một chiếc máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đang tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: THX/AP

Đáng chú ý, các nhà quan sát cho rằng, điểm xuất phát và tần suất của các chuyến bay có thể cho thấy nhiều điều về vấn đề huấn luyện và bảo trì của Trung Quốc. Bắc Kinh đang từng bước cải thiện khả năng của mình để giám sát hiệu quả và kiểm soát không phận và biên giới trên biển mà họ tự vạch ra. Nhiệm vụ này đặt ra những thách thức đáng kể cho Trung Quốc, đòi hỏi có các hệ thống radar điều khiển và cảnh báo sớm đan xen, hiện đại cũng như có đủ máy bay chiến đấu và giám sát.

Ông Peter Wood cho rằng trong khi phạm vi và tần suất tuần tra trong khu vực Biển Đông và rộng hơn là ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đang tăng lên một cách rõ ràng, số lượng tổng thể của máy bay ném bom chiến lược và máy bay chuyên dụng vẫn còn hạn chế. Nhưng sự đa năng của các máy bay tham gia tuần tra cũng là điều đáng chú ý, với những hệ thống cảnh báo sớm trên không, tác chiến điện tử, giám sát hàng hải… Tuy nhiên, chương trình hiện đại hóa hàng không của Trung Quốc, trong khi đã đạt được bước tiến đáng kể, vẫn còn phải đối mặt với một số trở ngại liên quan đến nhân sự và thậm chí là trang thiết bị cơ bản.

Trung Quốc: Máy bay Made in China lao xuống ruộng, cả đội bay tử nạn

Trung Quốc: Máy bay Made in China lao xuống ruộng, cả đội bay tử nạn

Sau khi kết thúc bay biểu diễn tại Triển lãm Hàng không dân dụng Thạch Gia Trang 2016, chiếc máy bay do Trung Quốc thiết kế chế tạo đã lao xuống ruộng gần đường băng khiến cả đội bay tử nạn.

Một ví dụ là làm thế nào để Trung Quốc giải quyết vấn đề bảo dưỡng máy bay tuần tra trên biển. Việc làm sạch máy bay hoạt động trên biển phải gánh chịu chi phí bảo dưỡng lớn. Nước biển sẽ ăn mòn và có thể làm hỏng lớp vỏ của máy bay và xâm nhập vào các thiết bị nhạy cảm. Điều này đòi hỏi các căn cứ với những đơn vị thường xuyên bay trên biển phải có những thùng phun nước cỡ lớn để rửa máy bay ("kệ rửa"), giống như quá trình rửa xe ô tô.

Các quy trình vận hành tiêu chuẩn của Mỹ đối với máy bay hải quân (NAVAIR 01-1A-509-2) đòi hỏi phải rửa sạch toàn bộ bằng nước sạch và các dung môi 7 ngày một lần cho máy bay hoạt động trên biển. Tuy nhiên, xem xét lại các hình ảnh vệ tinh về các căn cứ không quân Trung Quốc cũng như các căn cứ không quân của Hải quân Trung Quốc đều không thấy có thiết bị tương tự.

Qua theo dõi việc đầu tư cho máy bay chiến đấu tầm xa mới (như Su-35), máy bay ném bom chiến lược và máy bay chuyên dụng như cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu cho thấy một dấu hiệu rằng Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng không quân có khả năng hoạt động tầm xa đáng tin cậy.

Máy bay thương mại ‘made in China’ sẽ ‘đấu’ với Airbus 320 và Boeing 737

Máy bay thương mại ‘made in China’ sẽ ‘đấu’ với Airbus 320 và Boeing 737

Chiếc máy bay 158 ghế ngồi mang tên C919 được cho là sẽ cạnh tranh với các dòng máy bay Airbus 320 và Boeing 737 thế hệ mới.

Nhưng những nền tảng này chỉ có thể hoạt động ở mức độ hiệu quả nếu việc huấn luyện phi công và công tác bảo trì được đầu tư lớn. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ đặc biệt, chẳng hạn như "kệ rửa" được mô tả ở trên, sẽ là một dấu hiệu dễ dàng phát hiện rằng Trung Quốc sẽ tăng cường độ của các chuyến bay quân sự ra ngoài nước.

Sắp tới, việc tiếp tục chú ý đến những cuộc tuần tra này của Trung Quốc ở Biển Đông và cả Biển Hoa Đông, về các khả năng huấn luyện, trang thiết bị và bảo trì có thể cung cấp cho các nước láng giềng và Mỹ một thước đo hữu ích để đánh giá sự tiến bộ Bắc Kinh khi Trung Quốc tiếp tục chương trình hiện đại hóa và tìm cách thực thi yêu sách chủ quyền hàng hải và hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Công Thuận - Tin tức/J.F

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›