'Không thể đòi hỏi lễ hội ngay ngắn như hội nghị'

Thứ Bảy, 26/01/2019 08:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc cho rằng, không thể tuyệt đối hóa hoạt động lễ hội bởi với đặc thù là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, quản lý lễ hội luôn tồn tại sự phức tạp.

Bộ VHTT&DL: Không lợi dụng lễ hội để trục lợi, tránh hiện tượng tranh cướp bạo lực

Bộ VHTT&DL: Không lợi dụng lễ hội để trục lợi, tránh hiện tượng tranh cướp bạo lực

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy vừa ký công văn số 323/ BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.

“Công tác thanh, kiểm tra, xử lý những hạn chế, bất cập nảy sinh đã góp phần quan trọng mang lại chuyển biến tích cực cho bức tranh lễ hội cả nước trong thời gian qua ...”, ông Phúc nhấn mạnh.

* Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2018 do Bộ VHTTDL tổ chức, ông đã khẳng định mùa lễ hội 2018 là một mùa lễ hội an toàn và có thể hài lòng. Ông có thể nói rõ hơn nhận định này?

- Ông Phạm Xuân Phúc: Cùng với các đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ VHTTDL và Cục Văn hóa cơ sở, trong năm 2018, Thanh tra Bộ đã có nhiều đoàn kiểm tra tại các điểm “nóng” lễ hội. Có thể nhận thấy rõ chuyển biến tích cực trong hoạt động lễ hội tại các địa phương. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được chú trọng. Những hiện tượng như đặt tiền lẻ, tiền lễ bừa bãi; dâng và đốt đồ mã số lượng lớn; chèo kéo, “chặt chém”... đã giảm đáng kể. Đáng chú ý, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn đều được các BTC lễ hội đề cao. Những lễ hội xuất hiện nhiều hình ảnh bạo lực, phản cảm, xô đẩy chen lấn... trước đây đã không còn phổ biến…

* Nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại bức xúc trước những hình ảnh xấu xí của lễ hội, thưa ông?

- Tham gia lễ hội là các đối tượng đa dạng về trình độ, nhận thức và cả mục đích. Do đó, công tác quản lý luôn đối diện những phức tạp, tiêu cực cũng khó đẩy lùi triệt để. Ví dụ, lễ khai ấn Đền Trần ở Nam Định sau 6 năm thực hiện theo đề án đã được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đã không còn tồn tại những hình ảnh xấu trong đêm khai ấn như trước. Nhưng trong tổng kết năm 2018, BTC lễ hội vẫn đánh giá một số tồn tại như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, móc túi, ném tiền lên kiệu ấn… Tại di tích Kiếp Bạc, BTC lễ hội cũng đánh giá còn tồn tại như tình trạng xe ôm chèo kéo khách, hàng quán bày bán không đảm bảo mỹ quan…

Nhưng chắc chắn quản lý lễ hội không thể cầu toàn tuyệt đối. Làm sao có thể đòi hỏi dự lễ hội mà ngay ngắn như một hội nghị được. Có điều, chúng ta cố gắng để càng ngày hoạt động lễ hội càng đi vào nề nếp, giảm thiểu những hạn chế hơn mà thôi.

Chú thích ảnh
Trong những năm gần đây, Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) đã có nhiều chuyển biến tích cực Ảnh: XUÂN TRẦN

* Hằng năm Thanh tra Bộ VHTTDL vẫn đều có nhiều cuộc thanh, kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm tại các điểm di tích, lễ hội?

- Chúng tôi thường xuyên có các đoàn thanh tra đến các điểm di tích, lễ hội trọng điểm. Việc tổ chức các đoàn cũng được tính toán cho phù hợp với diễn biến của hoạt động lễ hội trong năm. Các điểm di tích trọng điểm được tập trung kiểm tra thường thu hút đông du khách.

Hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng trong việc mang lại chuyển biến tích cực cho các lễ hội. Đối với từng mặt hạn chế như rác thải ùn ứ, đổi tiền hưởng chênh lệch, phương án an ninh chưa phù hợp..., Thanh tra Bộ đều chỉ rõ và yêu cầu chính quyền địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội có biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng thường xuyên có những văn bản yêu cầu Thanh tra các Sở VHTTDL, Sở VHTT tăng cường thanh, kiểm tra. Có thể khẳng định, với sự vào cuộc đồng bộ của Thanh tra Bộ và Thanh tra các Sở đã giúp cho hoạt động lễ hội ngày càng chuyển biến tích cực.

* Công tác kiểm tra, thanh tra quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra mà Bộ VHTTDL đã ban hành, ngay trong tháng 1.2019, Thanh tra Bộ đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019 tại một số địa phương. Năm nay, các cấp ủy chính quyền tại các địa phương đều đã nghiên cứu và quán triệt Nghị định 110 để xây dựng các chương trình, kế hoạch, thành lập BTC, các tiểu ban có phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Thanh tra Bộ cũng tiếp tục có những đoàn kiểm tra tại một số lễ hội lớn, thu hút đông du khách.

* Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội. Đây chính là cây gậy pháp lý hữu hiệu để đẩy lùi những tiêu cực trong nhiều lễ hội, thưa ông?

- Nghị định 110 đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của các địa phương, nếu để xảy ra tiêu cực trong lễ hội thì UBND các cấp phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, một số lễ hội còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Ví như lễ khai ấn Đền Trần sau nhiều năm thực hiện đề án không phát ấn trong đêm thì đến nay lại xuất hiện ý kiến mong quay trở lại hình thức như cũ. Hội Phết Hiền Quan mấy năm trước vẫn tồn tại hình thức tổ chức bất cập, dẫn đến xuất hiện nhiều hình ảnh bạo lực, phản cảm...

Tuy nhiên, áp dụng theo những quy định mới của Nghị định 110 thì chắc chắn những phản cảm, hạn chế nêu trên sẽ được đẩy lùi. Ví như Hiền Quan, nếu còn để cướp phết tự do, dẫn đến hỗn loạn, ẩu đả thì đương nhiên Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Hay như các lễ hội chọi trâu, cứ bán vé thu tiền vào xem lễ hội, giết trâu bán thịt giá cao... là vi phạm Nghị định rồi. Bởi vậy, các địa phương cần nghiên cứu kỹ Nghị định để triển khai thực hiện.

* Có ý kiến cho rằng, lễ hội là của cộng đồng và có quyền được thăng hoa, không nên áp dụng quá nhiều biện pháp quản lý cứng nhắc. Ông có ý kiến gì?

- Tôi lại lấy ví dụ về cướp phết, so với xa xưa thì số lượng người tham gia lễ hội này đã đông gấp trăm, gấp ngàn lần. Do đó không thể để cướp tự do được. Nếu vẫn cứ tư duy lễ hội là của cộng đồng, trong khi các yếu tố hiện nay đã thay đổi quá nhiều thì chắc chắn sẽ dẫn đến tiêu cực. Nghị định 110 đã nói rõ, nếu không đảm bảo các yếu tố về an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường... thì lễ hội sẽ bị tạm dừng.

* Xin cảm ơn ông!

Không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực trong lễ hội

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại văn bản số 323/ BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019; Công văn số 5709-CV/BTGTW ngày 25.12.2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổchức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Công văn cũng nêu rõ nội dung thực hiện yêu cầu về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Báo Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›