Không vì ca mắc Covid-19 gia tăng mà đóng cửa trường học

Thứ Sáu, 18/02/2022 19:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh đã trải qua một thời kỳ dài không thể đến trường để học trực tiếp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy mở cửa trường học an toàn.

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận Hà Nội chưa đi học từ ngày 21/2

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận Hà Nội chưa đi học từ ngày 21/2

Ngày 18/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 472/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận.

Đây là chủ trương được xã hội, các thầy cô giáo, chuyên gia, phụ huynh… ủng hộ, đồng tình. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, việc mở cửa trường học an toàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, đặc biệt là sự đồng thuận của phụ huynh trong việc sẵn sàng đồng hành của ngành Giáo dục đưa con em trở lại trường.  

Lo ngại khi ca mắc gia tăng trong trường học

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh. Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm, thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Chú thích ảnh
Các trường Tiểu học đều được bố trí phòng cách ly tạm thời. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Việc tổ chức bán trú, học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.

Cùng với đó, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 gia tăng khi quay trở lại trường gần đây đã khiến nhiều phụ huynh chuyển từ trạng thái mong ngóng, háo hức chờ ngày con được trở lại trường sang lo lắng, bất an, quyết định tiếp tục cho con học trực tuyến để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ trường học. Đặc biệt, với cấp học mầm non, tiểu học, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng tâm thế cho con quay trở lại trường, nên có tình trạng, lớp học vẫn mở cửa, cô giáo vẫn tới lớp nhưng chỉ có duy nhất một học sinh đến trường học trực tiếp, còn lại tham gia học trực tuyến tại nhà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Nhiều phụ huynh ý thức được những hậu quả về tâm lý, thể chất khi giữ con ở quá lâu trong nhà. Họ đã bắt đầu cho con đi chơi ở nơi công cộng, đi du lịch… để cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, việc đưa con đến trường học lại khiến phụ huynh e ngại. Sở dĩ có điều này do cha mẹ cảm thấy chưa kiểm soát được nguy cơ.

Bởi khi đưa con đi đến nơi công cộng, cha mẹ tham gia kiểm soát và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, họ sẽ là người chọn không gian công cộng phù hợp, chọn khung giờ phù hợp, kiểm soát được việc thực hành an toàn của con như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc... Nếu có tình huống nào nguy cơ xuất hiện, họ có thể can thiệp được ngay.

Tuy nhiên, khi đưa con quay trở lại trường, họ không có mặt ở đó. Việc kiểm soát nguy cơ và các tình huống bất thường giao hết lại cho nhà trường và giáo viên trong khi số ca F0 lại đang gia tăng trong trường học.

Chú thích ảnh
Máy đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đều được các trường rà soát, bổ sung. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Chuẩn bị tâm lý thích ứng với bối cảnh mới

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Thành Nam, thời điểm hiện tại, chúng ta cần xác định trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không chỉ là của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính con em mình, rộng hơn là của cộng đồng xã hội. Do vậy, sự sẵn sàng của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần sẵn sàng trên nhiều phương diện, trong đó, cần có trách nhiệm phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho học sinh, kể cả trong tình huống xấu nhất là có những ca nhiễm xuất hiện tại trường học.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cũng cho rằng: Việc đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường cần nhất ở 3 công đoạn, gồm ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng, chống dịch khác nhau. Do vậy, mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường.

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, cha mẹ có con đang tuổi đến trường phải có biện pháp phòng, chống dịch nhiều nhất, phòng cho cá nhân, cho con mình và cho lớp học. Ngoài ra, cần tích cực tiêm vaccine cho trẻ để trẻ an toàn đến trường. Cha mẹ cũng cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình và xem đây là cơ hội để thích ứng với bối cảnh mới.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Học trực tuyến chỉ thực sự có hiệu quả đối với học sinh có ý thức tự giác, năng lực tiếp thu tốt. Vì vậy, khi học sinh ở nhà quá lâu, hậu quả sẽ khó lường. Phụ huynh cần nhận thức đúng về việc cho học sinh trở lại trường học thời điểm này. Nếu cứ lo sợ mãi thì không biết đến bao giờ cuộc sống mới được trở lại trạng thái bình thường.

Mới đây, trong ngày Quốc tế Giáo dục và nhân dịp gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF cho biết: Đến tháng 3 này, chúng ta sẽ đánh dấu hai năm từ khi nền giáo dục toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em.

Trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn giáo dục đã khiến hàng triệu trẻ em bỏ lỡ đáng kể các hoạt động học tập mà các em đã có thể tham gia nếu các em được học trong lớp học. Tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, lỗ hổng giáo dục vì trường học đóng cửa đã khiến tới 70% trẻ em trong độ tuổi 10 tuổi không thể đọc hoặc hiểu một đoạn viết đơn giản, tăng từ 53% so với trước khi đại dịch xảy ra.

Do vậy, UNICEF khuyến cáo: Trong nỗ lực chấm dứt tình trạng gián đoạn học tập, việc chỉ mở cửa lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục những nội dung bị hổng kiến thức. Các trường học cũng cần vượt ra khỏi phạm vi học tập để giúp phục hồi sức khỏe tâm thần và thể chất, sự phát triển về mặt xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em.

Việt Hà/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›