Các nhà bảo tồn tại Persepolis, khu di tích cổ đại nổi tiếng nhất của Iran đang tìm cách loại bỏ các loài địa y được cho là đang làm xói mòn công trình hàng nghìn năm tuổi này.
Hoạt động trên bắt đầu diễn ra từ nhiều năm trước, nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với cấu trúc và những bức tranh điêu khắc tinh xảo tại khu di tích trên từ các loài địa y, các sinh vật phát triển trên những bề mặt như đá và có thể dần dần phá hủy chúng theo thời gian.
Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1979, tại Persepolis có những tác phẩm điêu khắc khổng lồ và những bức tranh đá chạm nổi tinh xảo về các vị hoang đế, các nhà quý tộc và những vị thần cổ đại, song trong nhiều năm qua, những tác phẩm này đã bị hư hại do các loài tảo và nấm. Những loài địa y đỏ hiện đã mọc lên và ăn sâu vào những tác phẩm trên.
Theo ông Shahram Rahbar, một nhà bảo tồn tại Persepolis, đây là vấn đề nghiêm trọng nhất, đặc biệt là đối với những bức tranh điêu khắc trên đá. Nếu không ngăn chặn, những sinh vật trên có thể phá hủy hoàn toàn những tác phẩm trên trong vòng từ 50 đến 100 năm tới.
Cũng về vấn đề này, nhà nghiên cứu về địa y Mohammad Sohrabi cho hay Iran là quê hương của hơn 3.000 loài địa y, trong đó có từ 500 đến 700 loại mọc trên các di tích lịch sử. Nhiều tác phẩm tinh xảo của Persepolis đã bị mất do loài sinh vật trên. Ngoài khu di tích này, các di tích khác tại Iran như bia đá có khắc chữ Bisotun ở tỉnh Kermanshah cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do địa y.
Theo Thứ trưởng văn hóa Iran Ali Darabi, ngân sách hàng năm để phục hồi mỗi một di tích như vậy chỉ vào khoảng 130 triệu rial (220 USD), trong khi việc bảo các khu di tích lịch sử được đăng ký sẽ đòi hỏi khoản chi phí gần 84 triệu USD mỗi năm.
Được Hoàng đế Ba Tư Darius I (Darius Đại đế) xây dựng vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, Persepolis đã chịu đựng sự phá hủy, các vụ cướp bóc, động đất, hỏa hoạn và thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên khu di tịch này vẫn là niềm tự hào của người Iran và là điểm đến du lịch quan trọng.
Tags