Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205 ha, đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú kho tàng di sản Việt Nam. Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê. Các di tích đã được bảo tồn và tôn tạo tại Khu di tích Kim Liên gồm 2 cụm di tích chính và hàng chục di tích thành phần.
Cụm di tích Làng Sen – quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: Nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Sân vận động Làng Sen. Cụm di tích Hoàng Trù – quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: Nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ), Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân... Ngoài 2 cụm du tích chính trên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Chí Minh còn có di tích mộ bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để tưởng nhớ công lao của Lãnh tụ kính yêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định trưng bày chuyên đề về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê. Thể theo nguyện vọng của đồng bào, đồng chí, ngôi nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng để đồng bào trong nước và quốc tế có thể dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Người.
Từ khi mở cửa đón khách tham quan, Khu di tích Kim Liên đã đón tiếp trên 30 triệu lượt người. Trung bình hàng năm số lượng khách tới thăm viếng, báo công với Bác ngày một tăng cao từ 1,5 – 1,8 triệu lượt người. Về đây, du khách được tham quan quê nội và quê ngoại của Bác Hồ, nơi lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị hàng ngày của Người thời thơ ấu. Ngôi nhà tranh đơn sơ lợp bằng mái lá, khu vườn yên tĩnh có trồng các cây ăn quả như ổi, cam...; có hàng rào dâm bụt và tất cả được bao bọc bởi những lũy tre làng êm đềm tạo cho du khách có cảm giác gần gũi, thân thương.
Ngoài ra, các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại nguyên vẹn: Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai người con trai, chiếc giường của cô Thanh; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn để đựng đồ; chiếc mâm sơn bằng gỗ sơn đen... Trực tiếp chiêm ngưỡng những kỷ vật vô giá ở nơi đây, mọi người càng hiểu sâu sắc hơn về quê hương, gia đình và nhất là cuộc đời cách mạng cao đẹp của Hồ Chí Minh. Đó là một tấm gương lớn để mọi người soi và tự sửa mình, đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Chị Trần Thị Hiền quê ở tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ: Về thăm quê Bác là ước muốn của gia đình tôi từ lâu. Về quê Bác, tận mắt nhìn thấy ngôi nhà tranh mà Bác đã sinh ra và lớn lên cũng như các đồ dùng đơn sơ hàng ngày mà Bác đã sử dụng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đơn sơ, giản dị trong cuộc sống hàng ngày của Bác. Qua chuyến tham quan lần này, tôi hy vọng các con tôi sẽ học được đức tính giản dị từ Bác, hiểu rõ hơn những công lao đóng góp của Bác đối với nền độc lập dân tộc nước nhà, từ đó cố gắng học hành thành đạt nên người.
Tới Khu di tích Kim Liên, bản thân di tích gồm tài liệu và hiện vật đã có sức truyền cảm, giáo dục sâu sắc bởi tính trực quan sinh động của nó. Nhưng để truyền tải nội dung thông tin đến khách tham quan một cách sâu sắc nhất, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thuyết minh được xem như một trong những khâu quan trọng tại Khu di tích Kim Liên. Chị Trần Thị Thao , cán bộ thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên chia sẻ: Chị làm thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên đã được 26 năm. Được làm việc tại đây chị thấy rất vinh dự và tự hào, nhưng trách nhiệm cũng thật lớn. Chị không nhớ đã thuyết minh cho bao nhiêu đoàn khách trong nước và quốc tế nghe về tuổi ấu thơ của Bác, về gia đình Bác, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, nhưng mỗi lần thuyết mình chị đều cảm thấy rất xúc động. Chị rất tự hào khi đã góp một phần nhỏ bé vào việc giới thiệu hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quê hương Nghệ An đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Chị tâm niệm phải luôn rèn luyện giọng đọc của mình, cũng như tìm hiểu qua sách vở, tài liệu, để có những câu chuyện vừa chân thực, vừa sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; về con người Bác để phục vụ khách tham quan.
Không chỉ bảo tồn, tôn tạo và phát huy tích cực những giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, hiện nay tỉnh Nghệ An đang tập trung xây dựng Khu di tích Kim Liên trở thành một trọng điểm du lịch – dịch vụ của ngành du lịch Nghệ An. Đây không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng cho thế hế trẻ, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Nghệ An thân thiện và mến khách, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết: Không chỉ phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế, hàng năm Khu di tích Kim Liên còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Lễ kết nạp đảng viên, lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến, tổ chức các triển lãm về Bác, về Đảng Cộng Sản Việt Nam... như để báo công với Bác. Trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công nhân viên trong Khu di tích Kim Liên tiếp tục tăng cường ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nêu cao trách nhiệm cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao phó; đồng thời gắn với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần người về thăm quê; khai thác tiềm năng lịch sử, văn hóa, du lịch để xây dựng Khu di tích Kim Liên trở thành trung tâm giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ, là nơi hội tụ trái tim, tình cảm của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế.
Tags