(Thethaovanhoa.vn) - 108 năm sau sự kiện "Hà thành đầu độc", một khu tưởng niệm với bia ghi công và danh vị các nghĩa sĩ đã được dựng lên tại chính nơi họ từng thọ hình.
Kết quả nhiều năm tìm kiếm
Rộng khoảng 100 mét vuông, khu tưởng niệm gồm bia và phần chân đế làm bằng đá nguyên khối. Trên bia tưởng niệm là lời tri ân 13 nghĩa sĩ trong vụ Hà Thành đầu độc, với những cái tên cụ thể như Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Hiên, Cai Ngà...Tại dãy tường phía sau, là những bức ảnh tư liệu được in lại trên gạch men, với hình ảnh một số nghĩa sĩ trong các phiên xử năm 1908.
Bia tưởng niệm vụ Hà Thành đầu độc
Trước đó, như các tư liệu được ghi lại, vụ Hà thành đầu độc nổ ra vào 27/6/1908. Dưới sự chỉ huy của bếp Hiên (Nguyễn Văn Hiên), đội Bình (Nguyễn Trí Bình), đội Nhân (Đặng Đình Nhân), một số quân nhân và đầu bếp người Việt trong quân đội Pháp đã lên kế hoạch tổ chức binh biến để phối hợp cùng nghĩa quân Hoàng Hoa Thám phá thành Hà Nội. Tuy nhiên, bị phát hiện sớm, cuộc nổi dậy chỉ dừng lại ở vụ đầu độc hơn 200 lính Pháp tại Hà Nội và sớm bị dập tắt.
Tùy vào các số liệu, có khoảng 13 - 18 quân nhân và đầu bếp người Việt bị Hội đồng Đề hình kết án xử chém vào năm 1908. Trong đó, đội Nhân, đội Bình và đội Cốc thụ hình đầu tiên tại khu vực Cột cờ Hà Nội hiện nay. Những trường hợp còn lại bị chém rải rác trong nhiều đợt tại vùng Bãi Bàng. 40 trường hợp khác bị kết án khổ sai, một số người cũng mất trong tù.
Sau nhiều đợt tìm kiếm, năm 1988, hậu duệ của một số gia đình đã xác định được một ngôi mộ chung nằm trong vườn của một hộ dân tại Nghĩa Đô là nơi an táng 9 trong số các nghĩa sĩ bị chém ở Bãi Bàng. Riêng thủ cấp 3 quân nhân bị chém đầu tiên (đội Bình, đội Nhân, đội Cốc) cũng được xác định nằm tại một khu đất ở làng Bạch Mai, Hà Nội.
100 năm vô lý
Không chỉ với hậu duệ của các nghĩa sĩ tham gia vụ Hà thành đầu độc, vấn đề xây dựng một khu tưởng niệm xứng đáng với sự kiện này cũng là yêu cầu được giới sử học đặt ra từ lâu. Như chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử, việc cho tới năm 2008, Hà Nội thiếu vắng khu tưởng niệm này là câu chuyện "100 năm vô lý".
"Bây giờ, sau 28 năm kể từ khi tìm thấy mộ, ước nguyện của chúng tôi đã thành sự thật. Tôi muốn được gửi lời tri ân tới nhân dân Nghĩa Đô, những người vẫn tự nguyện chăm nom, hương khói cho ông tôi và các nghĩa sĩ trong suốt bao năm ròng kể từ khi họ đền nợ nước" – ông Đoàn Văn Tiến, cháu 3 đời của bếp Hiên, nghẹn ngào nói.
Khu tưởng niệm Hà Thành đầu độc được quận Cầu Giấy khởi công xây dựng từ giữa 2016 sau nhiều cuộc họp. Trước đó, đã có những ý kiến đề nghị đưa hài cốt các nghĩa sĩ vào an táng tại một khu vực trong nghĩa trang Mai Dịch và xây kèm một miếu thờ nhỏ, nhưng không thành.
"Chúng tôi cũng được đề nghị đưa hài cốt các cụ lên an táng tại Thanh Tước là nơi rộng rãi, thoáng mát và có thể xây một quần thể xứng tầm. Tuy nhiên, mong mỏi của nhiều gia đình vẫn là đặt khu lưu niệm tại Nghĩa Đô, gần với pháp trường Bãi Bàng cũ, bởi đây cũng là mảnh đất lịch sử mà các cụ nằm xuống"– ông Tiến cho biết.
Hiện tại, nấm mộ chung của cụ bếp Hiên và 8 đồng chí đang nằm trong khuôn viên một gia đình cách khu tưởng niệm khoảng 200 mét. Chủ nhà cũng thường xuyên tạo điều kiện cho hậu duệ của họ tới đây thắp hương hằng năm.
Riêng nơi an táng 3 nghĩa sĩ tại làng Bạch Mai, theo lời ông Tiến, hậu duệ của gia đình Đội Nhân và Đội Bình từ vài chục năm trước đã đưa di thể của 2 nghĩa sĩ này về an táng tại Thanh Tước và Ứng Hòa (Hà Nội). Đặc biệt, cụ Đội Bình đã được chính quyền địa phương đặt tên cho một xã và xây miếu thờ.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags