(Thethaovanhoa.vn) - Thành tích và đóng góp to lớn của ông thày người Đức với bóng đá Việt Nam thì ai cũng rõ, nhưng có những góc khuất mà chẳng thể tìm kiếm trên Google, bởi nó vẫn nằm lặng im trên các trang tài liệu ố vàng màu thời gian.
- Bóng đá Việt Nam tại AFF Cup: Từ Weigang đến Miura
- Nhớ ông Weigang
- Những ký ức về HLV Weigang
- HLV Weigang và Rainer Willfeld: Bài bản và cực kỳ kỷ luật
Đến Việt Nam trước cả... Tavarez!
Tavarez quả thật là HLV nước ngoài đầu tiên của bóng đá Việt Nam (tính từ sau năm 1975) với bản hợp đồng 1 năm được ký với VFF vào ngày 24/11/1994. Tuy nhiên, chỉ sau đúng 42 ngày, ông thày người Brazil rũ áo ra đi và Karl Heinz Weigang được mời thay thế cho chiến dịch SEA Games 18 (tại Chiang Mai, Thái Lan, năm 1995).
Tuy nhiên, Weigang chẳng hề là người cũ. Từng dẫn dắt đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka Cup 1966, HCĐ SEAP Games 1967, ông thày người Đức vẫn duy trì mối quan hệ riêng với các nhà quản lý bóng đá Việt Nam.
Trước Tavarez, vào tháng 6/1994, Weigang đã sớm trở lại mảnh đất hình chữ S để giảng dạy tại khóa bóng đá đoàn kết dành cho HLV bóng đá Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức tại Nhổn (Hà Nội).
Vậy nên việc Weigang nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam với bản hợp đồng 2 năm từ năm 1995 không hề là bất ngờ. Cũng cần phải nói thêm rằng, ở thập niên 90, Weigang - VFF và FAM (LĐBĐ Malaysia) có mối quan hệ rất khăng khít.
Trận đấu vẫn còn trên... Ebay!
Khác với người tiền nhiệm Tavarez thích "chơi võ" với những viên kẹo xanh - đỏ được "hô biến" thành "thuốc tăng lực" nhằm kích thích các cầu thủ Việt chơi như lên đồng ở Cúp Độc lập cuối năm 1994, Weigang khi đảm nhiệm chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chú trọng khâu tâm lý.
Cụ thể là trước SEA Games 1995, đội tuyển Việt Nam luôn có những chuyến tập huấn tại Đức và bằng mối quan hệ của mình, Weigang thu xếp các trận đấu giao hữu với những CLB hàng đầu của Bundeslia.
Khá thú vị và đến nay vẫn có 1 trận đấu của đội tuyển Việt Nam thời đó vẫn được lưu trên mạng bán hàng số 1 thế giới Ebay với cái giá chỉ... 2,69 Euro! Đó là tấm poster quảng cáo cho trận giao hữu của CLB Vfb Stuttgart với đội tuyển Việt Nam diễn ra vào lúc 18h30 (giờ địa phương) ngày 16/7/1996 tại SVĐ Gaggenau (Đức).
Điều đáng nói là Vfb Stuttgart khi ấy vừa kết thúc mùa giải 1995-1996 với hạng 10 Bundesliga cùng 1 suất dự Intertoto Cup đang sở hữu trong đội hình nhiều ngôi sao lớn, chẳng hạn như trung vệ Thomas Berthold, cặp đôi sát thủ trên hàng công Fredi Bobic - Giovane Elber...
2 tháng sau trận cầu đẳng cấp (mà chẳng nhiều người còn nhớ) này đội tuyển Việt Nam đã có được tấm HCĐ Tiger Cup đầu tiên.
Vì sao Weigang phải ra đi?
Cho đến giờ, tất cả thông tin về việc Weigang phải ra đi sau Tiger Cup 1996 vẫn chỉ gói gọn trong lý do rất chung chung - Bất đồng với VFF! Nhưng thực ra, chuyện ông thày người Đức phải chia tay bóng đá Việt Nam còn rắc rối hơn thế nhiều, khi liên quan đến cấp lãnh đạo Nhà nước.
Cụ thể, ngày 30/10/1996, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã ký công văn của Chính phủ gửi Tổng cục TDTT và cả Thanh tra truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc gấp rút củng cố LĐBĐ Việt Nam.
Trong công văn nêu rõ tình trạng mất đoàn kết của VFF và khuyết điểm trong công tác tổ chức giải đội mạnh 1995. Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục TDTT đình chỉ công tác các cán bộ liên quan đến khuyết điểm tổ chức giải đội mạnh và hoạt động của đội tuyển Việt Nam; tổ chức sớm Đại hội VFF...
Ngày 6/11/1996, Bộ trưởng phụ trách công tác Thanh niên - Thể thao Hà Quang Dự đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình bóng đá Việt Nam. Cùng lúc đó, VFF bị thanh tra, các ủy viên Thường vụ bị đình chỉ công tác để kiểm điểm.
Trong bối cảnh ấy, rõ ràng phải cần một ai đấy chịu trách nhiệm và không ai khác, đó chính là Weigang - HLV trưởng đội tuyển quốc gia, người đã lật tung những vấn đề của bóng đá Việt Nam với quyết định đòi đuổi 4 cầu thủ họ Nguyễn vì nghi bán độ tại Tiger Cup 1996.
Nên nhớ, thời đó, giải bóng đá vô địch quốc gia vẫn bao cấp và đang trở nên hỗn loạn với nạn combin (bắt tay dàn xếp tỷ số), thì đương nhiên ai nắm được đội tuyển quốc gia, người đó nắm trọn quyền lực.
Chuyện này, Thể thao & Văn hóa đề cập sau. Còn lúc này: Vĩnh biệt và cảm ơn Karl Heinz Weigang!
Vũ Minh
Tags