(Thethaovanhoa.vn) - Kịch cùng Bolero đã mở màn chủ đề mới mang tên "Bão táp cuộc đời" vào tối ngày 3/7 bằng đêm tranh tài gay cấn của 2 đạo diễn: Ngọc Duyên và Xuân Trang.
- Rơi nước mắt với ‘Làm đĩ’ và 'Hiu hiu gió bấc' của Nguyễn Ngọc Tư trên sân khấu 'Kịch cùng Bolero'
- Hai sắc hoa ti gôn và Cuối mùa nhan sắc thành kịch bolero ngang tài đạo diễn
Cả hai đạo diễn đều mượn những điển tích văn học quen thuộc, nhưng dàn dựng mới mẻ, cũng như có những đổi mới về nội dung để thể hiện góc nhìn riêng của mình.
Hai tác phẩm của Ngọc Duyên và Xuân Trang tạo xúc động nhưng cũng có một vài điểm gây tranh cãi với bộ ba giám khảo, gồm: NSƯT Công Ninh, NSƯT Thanh Điền và đạo diễn Việt Trinh. Để bảo vệ những quan điểm nghệ thuật của mình, 2 đạo diễn đã không ngần ngại đưa ra những phản hồi trái chiều với các giám khảo.
Chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương thành “Giấc mơ hạc trắng”
Tác phẩm của đạo diễn Ngọc Duyên mang tên “Giấc mơ hạc trắng” dựa trên câu chuyện cổ Trương Chi, Mỵ Nương. Trong truyện gốc, tình yêu của Trương Chi và Mỵ Nương tan vỡ bởi vì Mỵ Nương không chấp nhận được diện mạo xấu xí của Trương Chi nhưng đạo diễn Ngọc Duyên muốn làm khác đi so với truyện. Trước khi dàn dựng, chị đã đặt ra câu hỏi rằng với một người tài hoa và một người biết yêu tài hoa thì câu chuyện tình của họ sẽ như thế nào? Vở kịch có sự tham gia của NSƯT Tuyết Thu, diễn viên Quang Thảo, diễn viên Thanh Tuấn và diễn viên Hồng Đào.
NSƯT Tuyết Thu vào vai Mỵ Nương, một cô gái xinh đẹp, con gái của Quan Tổng trấn. Nàng ở cấm cung trong ngôi lầu cạnh bờ sông. Lúc bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi (Quang Thảo), ngày ngày đến thả lưới trên khúc sông đó. Chàng thường buông lưới và cất giọng hát. Tiếng hát rất hay, khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu xao xuyến say mê. Mỵ Nương muốn được kết duyên cùng Trương Chi nên xin với cha mình nhưng ông không chấp nhận vì đã hứa gả Mỵ Nương cho một gia đình giàu có.
Để Mỵ Nương thôi ý định, ông đã sai gia nhân bắt Trương Chi về để Mỵ Nương thấy diện mạo xấu xí của Trương Chi mà ghê tởm, tránh xa. Song, Mỵ Nương chẳng những không sợ hãi mà còn ước muốn được nên duyên cùng Trương Chi. Quá tức giận, cha của Mỵ Nương đã cho người xua đuổi Trương Chi. Vì quá đau lòng, căn bệnh tim của Mỵ Nương tái phát và cô ngất xỉu, buộc lòng cha của cô phải hứa chấp chận cho cô được nên duyên cùng với Trương Chi.
Nói về Trương Chi, sau khi bị cha của Mỵ Nương sỉ nhục, anh ngày ngày thẫn thờ trên bến sông với nỗi thống khổ trong lòng. Tuy nhiên, trong lúc đang đau khổ thì Mỵ Nương xuất hiện và báo tin vui rằng cha của cô đã chấp nhận cho cuộc tình của cả hai với điều kiện Trương Chi phải chịu khó trị bệnh. Nghe lời người yêu, Trương Chi đã uống hết chén thuốc do chính Mỵ Nương đem đến. Tuy nhiên, chén thuốc đã bị cha của Mỵ Nương hạ độc.
Trương Chi chết trên chiếc thuyền cô đơn của mình. Đau khổ vì có người cha nhẫn tâm và dằn vặt vì chính mình đã dâng thuốc độc giết chết Trương Chi nên Mỵ Nương uống luôn chén thuốc còn lại để được chết cùng người cô yêu. Sau khi chết, cả hai hóa thành 2 chú hạc trắng bay về trời. Trong tiết mục, đạo diễn Ngọc Duyên đã sử dụng khá nhiều ca khúc như: Biển tình (Tuyết Thu và Quang Thảo song ca), Tình lỡ (Quang Thảo), Nếu hai đứa mình (Tuyết Thu), Về đâu mái tóc người thương (Quang Thảo), Tiếng sáo thiên thai (Tuyết Thu, Quang Thảo).
Nhận xét về tiết mục, NSƯT Thanh Điền khen đạo diễn Ngọc Duyên đã biết khai thác sở trường múa rất đẹp của NSƯT Tuyết Thu, từng chi tiết nhỏ đều được đạo diễn chú trọng. Ông rất thích tác phẩm này.
Đạo diễn Việt Trinh nhận xét Ngọc Duyên có vẻ ngoài rất mỏng manh nhưng nội lực bên trong rất mạnh mẽ. Chị cho biết mình thích nhất cảnh Trương Chi bối rối khi bị lộ gương mặt xấu xí trước mặt Mỵ Nương và loay hoay tìm chiếc nón lá để che lại thì bị Quan Tổng trấn đá chiếc nón đi. Chị cũng thích cảnh Mỵ Nương nhặt cây sáo đưa lại cho Trương Chi và bài hát Nếu hai đứa mình vang lên… Diễn xuất của Quang Thảo trong vai Trương Chi đã khiến cho chị không cầm được nước mắt.
NSƯT Công Ninh có 2 câu hỏi dành cho đạo diễn Ngọc Duyên. Câu hỏi đầu tiên là tại sao khi chiếc nón lá bị rơi xuống để lộ gương mặt của Trương Chi, đạo diễn Ngọc Duyên không để cho Mỵ Nương hát trước mà để cho Trương Chi hát trước? Đạo diễn Ngọc Duyên cho biết mình muốn đánh lừa khán giả, để khán giả cũng tưởng là Mỵ Nương sợ hãi mà xa lánh Trương Chi hoặc tò mò không biết cô sẽ quyết định như thế nào. Sau đó, 4 câu hát của Mỵ Nương vang lên cũng chính là câu trả lời của cô. Lời chia sẻ của Ngọc Duyên được NSƯT Công Ninh đánh giá là xuất sắc.
Câu hỏi thứ 2 ông dành cho nữ đạo diễn là lúc cả hai gặp nhau trên ghe sau khi được cha của cô đồng ý chấp nhận, tại sao không sử dụng ca khúc vui tươi và song ca? Đạo diễn Ngọc Duyên cho rằng lúc này tình yêu của 2 nhân vật chỉ mới vừa chớm thôi và cô cũng cho rằng cả 2 cũng đã có phần song ca ở cuối của vở kịch, lúc cả 2 uống thuốc độc chết và hóa thân thành 2 chú hạc.
NSƯT Công Ninh cho rằng nếu là ông, ông sẽ xử lý đoạn cả hai gặp nhau trên ghe bằng phần song ca bolero vui tươi hơn để chuẩn bị cho đoạn kết bi thảm. Đạo diễn Ngọc Duyên vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Điểm số mà NSƯT Công Ninh dành cho đạo diễn Ngọc Duyên là 9,5 điểm, của NSƯT Thanh Điền là 9,75 điểm. Số điểm của đạo diễn Việt Trinh được dành lại cuối chương trình.
Sự tích Hòn vọng phu thành câu chuyện “Biển, anh và em”
Tác phẩm của đạo diễn Vũ Xuân Trang mang tên “Biển, anh và em”, được chuyển thể từ sự tích “Hòn vọng phu”. Tiết mục có sự tham gia của diễn viên Minh Luân vai Tình, Diễm Phương vai Lam, Lê Tín vai ông Ba - cha của Lam. Nhiều năm trước, Tình bị đắm tàu và trôi dạt vào một cù lao, may mắn được cha của Lam cứu. Giữa Tình và Lam nảy sinh tình cảm và cả hai cưới nhau, sinh được 1 đứa con. Tình làm nghề đánh cá, thường xuyên phải đi biển nên mỗi lần được về nhà là 2 vợ chồng lại quấn quýt bên nhau.
Trong một lần về thăm vợ, Tình mua tặng cho vợ một chiếc lược và tự tay anh chải tóc cho vợ. Trong lúc chải, Tình phát hiện trên đầu của Lam có một vết sẹo lớn. Hỏi ra mới biết vết sẹo này do chính người anh trai hiện đang lưu lạc của Lam gây ra lúc cả hai còn nhỏ. Lúc đó Lam 4 tuổi, vì muốn ăn mía nên đã năn nỉ anh trai đi chặt, trong lúc chặt lưỡi dao bỗng bị văng ra và trúng đầu của Lam, máu chảy rất nhiều và để lại một vết sẹo lớn.
Năm Lam lên 6 tuổi, người cha qua đời, gia đình của hai anh em ngày càng khó khăn, vì không thể cùng lúc nuôi được 2 người con nên mẹ của Lam định bán cô đi nhưng người anh đã quyết định ra đi thay cho em gái. Một thời gian sau đó, người mẹ cũng qua đời. Một mình Lam bơ vơ lạc lõng, may nhờ có ông Ba thương tình đưa về nuôi đến bây giờ.
Nghe những lời vợ kể, Tình như chết điếng bởi anh nhận ra Lam chính là bé Ngò – là em gái ruột mà mình tìm kiếm bấy lâu nay. Mặc cảm vì tình yêu oan trái và nghiệt ngã, Tình dày vò mình trong đau khổ và tìm mọi cách để xa lánh Lam. Ông Ba rất tức giận khi thấy con rể đâm ra hư đốn, suốt ngày vùi đầu vào rượu chè, bỏ bê vợ con.
Trong lúc tức giận định lấy dao chém chết Tình, ông nhận thấy những giọt nước mắt và vẻ mặt đau khổ của Tình. Ông gặng hỏi và được Tình cho biết sự thật phũ phàng mà ông không ngờ tới. Không muốn Lam và đứa trẻ biết được sự thật tàn nhẫn này, ông đã khuyên Tình bỏ đi thật xa để sám hối những lỗi lầm của mình và không bao giờ được trở về. Ông sợ khi Lam biết được sự thật này, cô sẽ không thể sống nổi và đứa trẻ sẽ lớn lên trong nỗi mặc cảm khốn cùng.
Trong cơn mưa gió bão bùng, Tình đã bỏ chạy thật xa, mặc cho sấm chớp, mặc cho mưa giông. Anh chạy như thể đang trốn tránh khỏi bão táp cuộc đời của mình. Khi vở kịch đến phân cảnh này, khán giả những tưởng phần kết sẽ như trong truyện nhưng Đạo diễn Xuân Trang đã có 1 cách xử lý vô cùng bất ngờ và khéo léo đó là trên nền của sấm chớp, mưa giông, Tình bị sóng đánh và trôi dạt trở lại cù lao và được một ngư dân cứu sống. Khi anh hỏi về gia đình của Lam và ông Ba thì được người ngư dân cho biết trên cù lao này không có ai tên như vậy cả.
Tuy nhiên, người ngư dân cho biết cũng có một hoàn cảnh giống như câu chuyện đã xảy ra ở đây rất lâu. Và người vợ sau khi chồng bỏ đi đã ngày ngày ôm con ra vách đá để chờ chồng, biến thành hòn vọng phu.
Hóa ra, tất cả những gì xảy ra chỉ là một cơn mơ của Tình khi anh bị sóng đánh đến mơ màng trên biển. Và trong cơn mơ ấy, anh đã gặp và hiểu được câu chuyện đầy đau thương của Lam – người phụ nữ đá hóa đá vì chờ chồng. Cũng có thể chính anh trong lúc lênh đênh trên biển đã được bà phù hộ, đưa vào bờ an toàn. Vở kịch kết thúc với thông điệp đầy cảm thông, sự chia sẻ của những thế hệ sau dành cho người phụ nữ đầy đau khổ với cuộc đời đầy bi kịch.
Diễn xuất của Minh Luân và Diễm Phương trong vở kịch được đánh giá rất cao. Cả hai cũng thể hiện khá ngọt các ca khúc: Hai vì sao lạc (Diễm Phương), Qua cơn mê (Minh Luân, Diễm Phương), Túy ca (Minh Luân), Hòn vọng phu (Diễm Phương).
Nhận xét về tiết mục, đạo diễn Việt Trinh cho biết chị rất nể phục cách dàn dựng của Xuân Trang và khen Minh Luân đã diễn xuất thần ở phân đoạn Tình nói với cha vợ rằng mình chính là anh ruột của bé Ngò. Tuy nhiên, chị lại không hiểu vì sao trong cảnh xúc động như thế, nhân vật người cha vợ rút dao ra định chém chết người con rể nhưng sau đó ông thấy anh ta đau khổ, thì thay vì vứt con dao đi, nhân vật của Lê Tín lại nhét con dao lại sau thắt lưng, làm cho chị bị khựng.
Đạo diễn Xuân Trang cho rằng anh buộc phải làm vậy vì sau cảnh đó anh phải xử lý rất nhiều cảnh bão trên sân khấu, không có cách nào có thể mang con dao vào nên nếu để nhân vật quăng dao xuống đất thì sẽ không hợp lý cho các cảnh sau.
Việt Trinh không đồng tình với lý do này vì có rất nhiều cách để mang con dao vào như ném vào sân khấu nhưng Xuân Trang cho rằng như vậy sẽ rất nguy hiểm cho diễn viên. Anh cho rằng giữa mình và đạo diễn Việt Trinh không đồng nhất ý kiến và chi tiết con dao cũng không ảnh hưởng gì.
NSƯT Thanh Điền cũng đồng tình với Việt Trinh nhưng ông ước gì diễn viên Lê Tín (trong vai cha vợ) diễn trầm hơn, chậm hơn và đau hơn nữa để thể hiện nỗi đau của người cha khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của con gái. NSƯT Công Ninh cho rằng tuần này đạo diễn Xuân Trang đã đưa các ca khúc bolero vào tác phẩm rất tốt và ngọt ngào và ông cảm thấy thú vị khi cảm nhận được lời ca tiếng hát của 2 nghệ sĩ trình bày đó là Diễm Phương và Minh Luân.
Mặc dù góp ý nhiều nhưng giám khảo Công Ninh vẫn rất thích tiết mục và cách dàn dựng của Xuân Trang. Ông dành cho Xuân Trang 9,75 điểm. Giám khảo Thanh Điền dành cho Xuân Trang 9,5 điểm. Tổng điểm bằng với đạo diễn Ngọc Duyên.
Kết quả phần tranh tài của đạo diễn Xuân Trang và Ngọc Duyên phụ thuộc vào số điểm của đạo diễn Việt Trinh. Người đẹp Tây Đô đã dành cho đạo diễn Ngọc Duyên 9,75 và Xuân Trang 9,5 điểm. Với chênh lệch 0,25 điểm, đạo diễn Ngọc Duyên đã giành chiến thắng trong tập 7 của Kịch cùng Bolero và giành được 10 triệu đồng.
Mai Huệ
Tags