Sân khấu Hoàng Thái Thanh được biết đến là nơi chuyên dòng kịch tâm lý, đặc biệt có mối nhân duyên với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Mới đây, trong mùa diễn giữa năm 2023, Hoàng Thái Thanh đã tái ngộ khán giả với vở kịch Trả lại lia thia (tác giả Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thoại, đạo diễn Hoàng Thái Thanh), chuyển thể truyện ngắn Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư.
Bên cạnh dàn nhân vật chính, Trả lại lia thia còn có sự đóng góp quan trọng của các gương mặt tin cậy, quen thuộc của Hoàng Thái Thanh như Thành Hội, Ái Như, Nguyễn Long, Thế Hải, Hoài Thương, Kỳ Thảo, Ma Ran Đô, Tấn Đạt, Phạm Natao, Hồng Duyên, Hải Đăng, Tuệ San….
Chông chênh giữa đời và đạo
Chất liệu miền Tây mênh mang sông nước với những thân phận con người trong văn của Nguyễn Ngọc Tư từ lâu vốn "hợp gu" với chất kịch tâm lý của Hoàng Thái Thanh. Hàng loạt những kịch bản chuyển thể đã gây được tiếng vang và yêu mến từ khán giả như Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại, Mơ trăng bóng nước… Tuy vậy, lựa chọn truyện ngắn Củi mục trôi về để chắp bút thành Trả lại lia thia lại không hề dễ dàng.
Bởi lẽ, nguyên tác khá ngắn, chưa đến 3.000 chữ, với số lượng nhân vật ít ỏi và không nhiều những tình tiết, những xung đột. Toàn bộ câu chuyện gần như chỉ gói gọn giữa ba con người, quanh quẩn trong ngôi chùa nghèo ở vùng đất Thổ Sầu.
Người kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ bâng quơ, lãng đãng. Người trong cuộc sinh hoạt cũng bình bình như khúc củi mục trôi theo sự dẫn dắt của từng con nước. Vậy mà thấy số phận, thấy đẹp và thấy đau trong từng ấy những tâm tư bị chôn dấu theo dòng chảy của năm tháng.
Làm sao để khắc họa đúng tinh thần cốt lõi của câu chuyện với rất ít những chất liệu, bằng ngôn ngữ kịch, vốn rất khác văn học, thực sự là bài toán khó.
Phát huy thế mạnh của mình ở thể loại tâm lý tình cảm (melodrama), Hoàng Thái Thanh đã thổi một làn gió riêng vào cấu tứ của Nguyễn Ngọc Tư, bằng cách mạnh dạn thay đổi mối quan hệ giữa hai nhân vật chính. Rô (Trí Quang thủ vai) và Huệ (Kim Huyền) là cặp đôi yêu nhau từ trước. Chuyện tình trong sáng được ngụ ý bằng hình ảnh cặp cá lia thia sặc sỡ, cho đến khi tai họa xảy ra bởi ly rượu oan nghiệt.
Cặp cá bị bóp chết như chính mối tình tươi đẹp ấy, bóp chết cả những ước mơ hoài vọng của tuổi trẻ. Kẻ tù tội rồi trôi dạt giữa dòng đời, người sống trong bóng tối thù hận, hoặc bậc tu hành ngụp lặn trong kinh kệ mong tìm sự cứu rỗi.
Để rồi sau 18 năm, họ đều phải một lần nữa gặp nhau ở Thổ Sầu, đối diện với quá khứ và tự tìm cho mình con đường giải thoát. Hành trình chuộc lỗi của mỗi nhân vật vì thế mà có phần khác biệt so với nguyên tác, thêm một chút lãng mạn, nhiều hơn mấy phần xung đột.
Người dân Thổ Sầu đóng vai trò không nhỏ trong câu chuyện, với những hỷ-nộ-ái-ố đời thường, những si mê tối tăm thường thấy ở một nơi xa xôi, lạc hậu, nhưng đâu đó vẫn chân chất, thật thà với bản chất nhân hậu rất miền Tây.
Lồng ghép trong câu chuyện là những lý giải về đạo và đời, về nhân sinh quan của chính tác giả, được khắc họa rõ nét bằng hình ảnh thầy Năm Ngọ (Huỳnh Thiện Trung). Thầy lớn lên trong ngôi chùa nhỏ của bà nội, không được học giáo lý một cách bài bản, xuất gia giống như một số phận đã được định sẵn. Thế nên, thầy vẫn cứ chông chênh giữa đời và đạo, cũng biết yêu biết buồn, đôi lúc cũng tức giận như mọi chúng sinh khác, rồi lại vội vã sám hối.
Số phận của thầy Năm không khỏi làm khán giả giật mình, tội lỗi đôi khi chỉ bắt nguồn từ một việc rất nhỏ, chỉ một chút hèn nhát, ích kỷ, không dám nói lên sự thật. Vậy mà kéo theo hàng loạt những hậu quả khác, để rồi thầy phải dành cả cuộc đời để ăn năn, dằn vặt trong những giấc mơ "bơi trong cuốn kinh, nhưng kinh không có chữ, mà toàn là cát lún". Thầy Năm Ngọ tu không phải để giữ chùa, thầy tu cho mình, cho bức tượng thờ do thầy làm vỡ.
Tự đày đọa và tự giải oan
Đôi bạn thân Trí Quang và Kim Huyền nay có dịp hóa thân vào cặp tình nhân mang đến cho khán giả cảm giác mới mẻ, nhưng cũng đong đầy cảm xúc. Ngoại hình nam tính, mạnh mẽ, nhưng nhân hậu của Trí Quang rất phù hợp với nhân vật. Nếu khi mới xuất hiện, Rô như "một người đã chết" nhưng vẫn phải sống, sống để đối mặt với tội lỗi đã gây ra, thì sau đó người xem có thể cảm thấy anh dần thay đổi.
Trí Quang thể hiện ra được cái nét mâu thuẫn trong nhân vật Rô, vừa hối hận, mặc cảm, lại hoang mang, bất lực khi không biết chuộc tội bằng cách nào. Đỉnh điểm là khi anh muốn xuống tóc xuất gia chỉ để ở lại Thổ Sầu, ở lại bên cạnh Huệ. Nhưng chuộc tội nào có đơn giản, giải oan giải oán là do mình tự đối mặt, tự Rô phải đi tìm cá lia thia để trả lại cho người con gái anh yêu.
Kim Huyền trong lần tái ngộ khán giả sân khấu đã cho thấy nội lực diễn xuất khi hóa thân vào một nhân vật phụ nữ nặng chiều sâu tâm lý như Huệ. Cô rất chi tiết trong việc thể hiện từng bước đi tập tễnh đầy khó khăn, từng nét mặt lúc điên lúc tỉnh. Huệ tàng tàng nhưng tỉnh lắm, nhiều lúc tỉnh đến giật mình, khiến người xem phải tự hỏi cô điên thật hay chỉ tự thôi miên mình, điên để tự vệ trước những lời đàm tiếu?
Xem Huệ dằn vặt mỗi lần hỏi Rô "lia thia của tui đâu", mà vừa thương vừa giận. Thương cô gái đã đánh mất cả cuộc đời vào tay người mình yêu nhất, cũng giận cô sao mà cố chấp, tự đày đọa bản thân trong quá khứ hận thù tăm tối.
Tags