Kịch 'Trời trao của lạ ': Một tín hiệu mới từ nữ đạo diễn trẻ

Thứ Hai, 09/07/2018 07:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -  Vở kịch tâm lý xã hội Trời trao của lạ (kịch bản và đạo diễn: Mai Thắm) vừa công diễn tại Kịch 5B (TP.HCM), với không khí Nam bộ và tiếng cười nhẹ nhàng về tình làng nghĩa xóm. Hai gia đình chỉ cách nhau “cái giậu mồng tơi”, tưởng không thể nào gần gũi hơn, nhưng thật ra phải có đủ biến cố mới thông hiểu nhau thật sự.

1. Mai Thắm là một tên tuổi mới, vở Trời trao của lạ (kịch bản gốc: Trớ trêu) xuất hiện gần như cùng lúc với Lôi Vũ của Trần Hồng Thơ, Đêm đối thoại của Thanh Hà, Hư thực của Cẩm Nguyên. Họ đều là những đạo diễn nữ, có thể làm nên một thế hệ nữ kế tục của làng kịch TP.HCM.

Gia đình dì Diệu lỡ thời (do NSƯT Hạnh Thúy thủ vai) với ông Tư góa vợ (do Phương Bình, Thanh Tuấn luân phiên thủ vai) có một mâu thuẫn ngấm ngầm, đó là chuyện thích và ghét đàn ca hát xướng. Ông Tư chúa ghét chuyện này, trong khi Tùng cháu dì Diệu lại là nhạc sĩ làm cho đoàn văn công, lén quen Hương con gái của ông. Éo le hơn, khi con gái út của ông Tư (Nhã Thy thủ vai) lại âm thầm thi vào khoa cải lương, được dì Diệu và Tùng giúp sức. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với hai gia đình này, đó là nội dung của vở diễn.

Chú thích ảnh
NSƯT Hạnh Thúy (vai dì Diệu) và nghệ sĩ Phương Bình (vai ông Tư) trong vở “Trời trao của lạ”

Với một kịch bản có lớp lang, Mai Thắm may mắn có được Hạnh Thúy, Phương Bình, Thanh Tuấn và Nhã Thy, họ đã lột tả được tinh thần, khí khái của dân Nam bộ. Những mâu thuẫn, kèn cựa, chanh chua của ông Tư và dì Diệu là một điểm nhấn của vở.

Thế nhưng khi cần lắng xuống về tâm lý, với tâm trạng đau đớn ấy, họ cũng diễn đủ tiết chế, tự nhiên. Bên cạnh đó là giọng cải lương ngọt ngào, điệu nghệ của Nhã Thi. Nữ nghệ sĩ này từng lọt vào chung kết Chuông vàng vọng cổ, nên ngón nghề này được đưa ra áp dụng.

Thẳng thắn nhìn nhận thì Trời trao của lạ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng tầm với đẳng cấp của Kịch 5B, để trở thành một vở thu hút khách thực sự. Nhưng vở cũng cho thấy thái độ nghiêm túc và cầu toàn.

“Đường dài mới biết ngựa hay”, một hai vở diễn đầu tiên chưa nói được gì nhiều, Mai Thắm muốn ghi được dấu ấn vững vàng trong lòng người xem thì cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa. Cái nền học thuật, sự nghiêm túc khi làm nghề mới là điều kiện cần, cá tính riêng, sự đột phá mới là điều kiện tiên quyết.

Chú thích ảnh

2. Giám đốc Kịch 5B, NSƯT Mỹ Uyên cho biết việc trở lại của sân khấu sau một thời gian gián đoạn cũng gặp không ít khó khăn về thu hút khán giả. Sân khấu này một thời gian dài nổi tiếng với các vở nặng tính thể nghiệm, nay bước vào giai đoạn mới, không thể khư khư giữ lề lối cũ.

“Bên cạnh phong cách đã ổn định, chúng tôi sẽ phát triển thêm các thể loại mới, nhất là tạo điều kiện cho các gương mặt mới có cơ hội thể hiện mình” - Mỹ Uyên nói.

Cả nước chỉ có TP.HCM hoạt động xôm tụ về sân khấu kịch, với gần chục nơi sáng đèn thường xuyên, nhưng mấy năm gần đây gặp khá nhiều khó khăn về việc thu hút khán giả. Trong bối cảnh đó, các đạo diễn trẻ vào nghề rất khó khăn, nữ đạo diễn càng khó khăn hơn, để tìm được một cơ hội dựng vở không hề dễ. Chính bối cảnh này, chỉ còn biết trông chờ vào sự tin tưởng và “hào phóng” của các ông bà bầu sân khấu, nếu họ không gật đầu là gần như bít cửa. Rất may tại TP.HCM thì cơ hội này vẫn còn, vấn đề còn lại là sự nỗ lực và chứng minh của các đạo diễn trẻ này tới đâu.

Quyền được yêu

​Thông điệp của Trời trao của lạ là ai cũng có quyền được sống và được yêu, đừng bao giờ áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Chính sự áp đặt có thể làm mình lâm vào tình cảnh trớ trêu. Vở diễn còn có sự tham gia diễn xuất của Thái Kim Tùng, Quỳnh Anh, Lê Hoàng Giang, Hồng Nhung, Nam Sang, Quốc Cường, Thanh Thúy…

Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM

Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM

Khoảng 2 tháng trước ngày đại hội Hội Sân khấu TP.HCM diễn ra (dự kiến cuối tháng 6/2015), Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (thường gọi Kịch 5B) đột ngột đóng cửa.

Như Lê

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›