Kịch và tình yêu kiểu Nam bộ

Thứ Hai, 11/11/2019 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu kịch TP. HCM đã có nhiều vở diễn làm khán giả rưng rưng bằng những mối tình ngọt ngào, sâu sắc. Và người ta nhận thấy hầu hết là những mối tình đậm chất Nam bộ, với một kiểu yêu không lẫn vào đâu được, một kiểu yêu mang màu sắc phương Nam mênh mang sông nước…

Thêm một sân khấu kịch cho TP.HCM

Thêm một sân khấu kịch cho TP.HCM

Vào lúc 13h30 ngày 5/8, Kịch CTM đã khai mạc tại Trung tâm văn hóa Hậu Giang (259 Hậu Giang, quận 6), khá xa trung tâm TP.HCM bằng vở thiếu nhi Bí mật rừng xanh (KB: Mỹ Dung, ĐD: Tùng Phi).

Chính vì mênh mang sông nước mà những mối tình trở nên vời vợi không bến không bờ, không giới hạn toan tính so đo, không quan tâm đến thời gian mỏi mòn chờ đợi, có khi trôi hết thanh xuân chỉ vì níu lại một câu hò…

Thủy chung, đợi chờ

Bao giờ sông cạn (sân khấu Hoàng Thái Thanh) có một người đàn bà mỗi năm cứ chống sào neo ghe nơi bến sông xưa, thắp ngọn đèn dầu leo lét trong đêm đen, chỉ để nhắn nhủ một điều rằng trái tim em chưa bao giờ tuyệt vọng. Bởi xa mặt nhưng không cách lòng, cứ đứng nép bên lề nhìn gia đình người ta hạnh phúc là đủ rồi. Mái tóc bạc lúc nào không hay, thuyền ghe cũng cũ dần, vỡ nát, mà sông tình vẫn chưa cạn chưa vơi…

Chú thích ảnh
Đoàn Thanh Tài (vai Chờ), Vân Anh (vai Thà) trong vở “Bao giờ sông cạn”. Ảnh: H.K

Đò tình (sân khấu Thế giới trẻ) cũng có một chàng trai neo mãi nơi bến sông với câu vọng cổ buồn đứt ruột. Chờ hoài, chờ đến khi nào người đi trở lại…Và sau lưng anh lại là một bóng hình khác cũng chờ hoài, chờ đến khi anh ngoái lại nhìn. Những cái bóng cứ lặng lẽ làm hòn vọng phu nơi chốn quê nghèo.

Chú thích ảnh
Diễm Phương (vai Bông), Quang Tuấn (vai Lương), Kỳ Thảo (vai cô giáo Thuỷ - góc trái) trong vở “Đò tình”. Ảnh: H.K

Hiu hiu gió bấc (sân khấu Buffalo) cũng có cô Hảo ngày ngày chèo ghe qua lại bến sông để chăm sóc và chờ đợi suốt 10 năm, nhưng anh Hết lại thui thủi ôm hình bóng cô Hoài dù không mong ngày đoàn tụ.

Những bến sông là nơi mà sân khấu sử dụng nhiều nhất bởi đó là bối cảnh phổ biến của đất phương Nam, và bởi nó thường mang màu sắc thăm thẳm, xót xa. Bến sông nào cũng có những cuộc chia ly, qua phía bên kia là khó mong ngày về, là bóng chim tăm cá. Bến sông nào cũng có những con sóng vừa là bi kịch trái ngang, vừa là tiếng thì thầm vỗ vào nỗi nhớ. Người Nam bộ nào cũng có một bến sông của mình, chỉ cần nhắc lại là hoài niệm rưng rưng. Cho nên bến sông thường là điểm tựa cho câu chuyện neo vào, cho đạo diễn bày biện tay nghề.

Hào hiệp, hy sinh

Những mối tình Nam bộ không chỉ có thuỷ chung, mà còn những lúc hào hiệp, trượng nghĩa như chính bản chất của người phương Nam một thời bạt sông bạt rừng khai phá đất hoang, phải cưu mang, nương tựa lẫn nhau để mà tồn tại. Như anh Đời (trong vở Đời như ý, sân khấu Thế Giới Trẻ) nhảy ra cứu Bé Ba trong lúc ngặt nghèo. Cô bé thiểu năng bị tên con trai nhà giàu hãm hiếp đến bụng mang dạ chửa, bị đánh đập xua đuổi để chạy tội. Anh Đời đã lên tiếng bảo đó là con mình, rồi dắt Bé Ba tha phương cầu thực. Tiếng đàn của chàng thanh niên mù và tiếng rao vé số của cô bé thiểu năng quyện vào nhau suốt những tháng năm cơ cực để nuôi đứa con đỏ hỏn, cuối cùng đã se duyên cho họ. Tình thương đến trước, tình yêu mới đến sau, nhưng hạnh phúc ngọt ngào.

Chú thích ảnh
Quang Tuấn (vai Đời) và Ngọc Trinh (vai Bé Ba) trong vở “Đời như ý”. Ảnh: H.K

Anh Hết và chú Năm đờn kìm trong Hiu hiu gió bấc cũng vậy. Muốn người yêu khỏi mang tiếng phụ bạc, muốn cô thanh thản lấy chồng giàu theo lời của mẹ, anh Hết giả bộ bê tha cho cô chán nản. Ngày nào anh cũng cắm đầu vô bàn cờ tướng, chơi hoài đến nỗi làng xóm chê bai, thế là cô Hoài đi lấy chồng nhẹ gánh. Nhưng chỉ khi vắng người, anh mới gục đầu xuống bàn cờ mà khóc. Còn chú Năm đờn kìm vốn là một tài tử thư sinh, nhưng vì yêu cô Lan mà buông cây đờn không đụng đến, tự biến thành một tay bặm trợn sẵn sàng giao chiến. Bởi cô Lan mất trí sau chuyện gia đình đổ vỡ, chú Năm 15 năm theo bảo vệ và chăm sóc cho cô, chú cần phải mạnh mẽ để chống lại những người luôn muốn hại cô. Với người nghệ sĩ, thật đau đớn khi phải rời xa nghệ thuật, nhưng chú Năm đã dứt khoát hy sinh cho tình yêu. Khi cô Lan hết bệnh, chú Năm mới trở lại với cây đàn.

Chú thích ảnh
Công Danh (vai Hết) và Đoàn Thanh Phượng (vai Hoài) trong vở “Hiu hiu gió bấc”. Ảnh: H.K

Lá diêu bông (sân khấu 5B) có anh Chờ cũng thầm yêu cô bạn thanh mai trúc mã, nhưng cô nặng gánh nuôi một bầy em mồ côi mà giữ kín nỗi lòng. Rồi gia đình xảy ra hoạn nạn, anh Chờ tự nhận mình gây án, chịu đi tù, để cứu gia đình người yêu. Họ âm thầm đợi nhau đến khi anh Chờ được trả tự do thì mái tóc ai cũng pha sương, họ mới đến với nhau tìm hạnh phúc cuối đời.

Những mối tình chưa bao giờ lên tiếng cao đạo là “hy sinh”, bởi người Nam bộ hy sinh hoặc làm từ thiện một cách dễ dàng, không hề kể công, tính toán. Đức hy sinh cứ nhẹ như không, chẳng màu mè rao giảng. Cho nên những mối tình hào hiệp ấy luôn có chữ “thương” nặng hơn chữ “yêu”. Mà chữ “thương” hình như cũng là “đặc sản” của đất phương Nam. Người ta thường nói: “Tui thương cô” hơn là “Tui yêu cô”. Chính vì thương nên cho nhiều hơn nhận, cho một cách âm thầm, nhẹ nhõm. Yêu kiểu đó nỗi buồn rồi cũng hoá vui, vì mình biết người ta hạnh phúc là mình đã nhẹ lòng.

Hoàng Kim

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›