Gần 30 triệu kết quả trong vòng 0.56 giây được trả về khi google cụm từ khoá “bán thuốc lá điện tử (TLĐT)”, trong đó những trang đầu tiên thể hiện cả địa chỉ cụ thể của cửa hàng.
Báo chí liên tiếp báo động tình trạng TLĐT lậu tấn công giới trẻ, nhưng đến nay quyết định kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hê mới (TLTHM) như TLĐT, thuốc lá làm nóng (TLLN) vẫn còn là “dự án treo”. Thế giới đã có nhiều điểm sáng trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá với việc thừa nhận và áp dụng hướng tiếp cận giảm tác hại thông qua việc quản lý tất cả sản phẩm thuốc lá. Bài học nào cho Việt Nam trong việc xác định giải pháp hiệu quả để bảo vệ giới trẻ và giảm gánh nặng của thuốc lá?
Công nhận vai trò giảm tác hại nhưng kiểm soát chặt TLTHM
Điểm chung trong cách tiếp cận đối với TLTHM của các quốc gia tiên tiến như Anh, Mỹ, Thụy Sỹ, Đức, Nhật… là dù công nhận khả năng giảm tác hại của TLTHM so với thuốc lá điếu nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ để sản phẩm này chỉ tiếp cận đúng đối tượng là người hút thuốc trưởng thành, không hấp dẫn giới trẻ.
FDA Hoa Kỳ, PHE Anh quốc, Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia của Hà Lan (RIVM)… đã tiến hành các đánh giá và nghiên cứu độc lập đối với các sản phẩm TLTHM. Kết quả cho thấy hàm lượng các tác nhân gây hại và có tiềm năng gây hại chính trong các sản phẩm này giảm rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy. Nghiên cứu mới nhất của Đại học King’s College Luân Đôn, Anh công bố tháng 10/2022 đã kết luận, việc dùng công nghệ làm nóng sẽ kiểm soát được nhiệt độ để không xảy ra quá trình đốt cháy, và do đó các sản phẩm thuốc lá mới dù vẫn thải ra các chất gây hại nhưng ở hàm lượng thấp hơn khoảng 95% so với thuốc lá điếu.
Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Brian King cho biết, quan niệm rằng TLĐT gây hại giống như thuốc lá điếu đốt cháy thông thường là hoàn toàn sai lầm vì không đúng với các bằng chứng khoa học đã có. “Chúng tôi biết rõ, TLĐT nói chung có nguy cơ thấp hơn một cách rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường. Vì vậy, việc cung cấp thông tin liên quan đến TLĐT dựa trên dữ liệu khoa học và bằng chứng là cực kỳ quan trọng. Cần phải đưa thông tin một cách cẩn thận và thấu đáo nhằm tối ưu hóa những lợi ích giảm hại của TLĐT, đồng thời phòng tránh những hệ lụy ngoại ý”, Brain King nhấn mạnh.
Một phân tích dữ liệu đời thực từ tất cả dữ liệu có sẵn từ cơ sở dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu Y tế Nhật Bản (JMDC) cho thấy, số ca nhập viện vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính đã giảm đi rõ rệt kể từ khi TLLN được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản. Do đó chính phủ Nhật Bản đã đưa TLLN vào quản lý dưới Luật hiện hành, nhưng với những quy định ít nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường, từ mức thuế, nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì đến quy định khu vực cấm sử dụng.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tại khu vực Đông Nam Á lân cận, Malaysia, Indonesia, Philippines… là những quốc gia đã chính thức luật hóa việc quản lý các sản phẩm TLTHM, Thái Lan có thể sẽ là nước tiếp theo áp dụng hướng tiếp cận này. Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách giảm tác hại thuốc lá ngày càng được các nước chấp nhận cởi mở hơn để đạt được một số mục tiêu của WHO trong tầm nhìn tới năm 2030.
TLĐT không tạo ra “thế hệ nghiện nicotine mới”, nhưng vẫn nên cẩn trọng
Gần đây nhất, Public Health England (PHE) – cơ quan y tế cao nhất tại Anh([1]) xác nhận TLĐT không phải là cửa ngõ khiến giới trẻ hút thuốc lá điếu thông thường.
Trong khi đó, Action on Smoking and Health (ASH), một tổ chức kiên trì chống hút thuốc ở Anh cũng kết luận sau 5 khảo sát lớn thực hiện với thanh thiếu niên từ độ tuổi 11 - 16 trong khoảng năm 2015 - 2017: “Không có bằng chứng cho thấy TLĐT đã làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc ở nhóm tuổi này. Trên thực tế, tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đã giảm đáng kể từ khi TLĐT xuất hiện trên thị trường”.
Tại châu Á, một nghiên cứu lớn trên 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Y tế Nhật Bản ủy quyền cho thấy việc sử dụng TLLN cực kỳ thấp và thấp hơn nhiều so với hút thuốc lá điếu đốt cháy.
Tại Việt Nam, dễ nhận thấy là giá thuốc lá điếu luôn rẻ hơn nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của The Economist, nếu so sánh giá trung bình của thuốc lá với giá của hamburger McDonald’s, sẽ thấy tại Việt Nam giá mua 1 chiếc bánh này tương đương với 56 điếu thuốc (cao nhất thế giới). Tại Úc, chỉ có thể mua được 4 điếu với giá bằng 1 chiếc bánh; ở Philippines, con số này là 23 điếu, và ở Indonesia là 22 điếu. Chính vì thế, thành phần có thu nhập thấp và thanh thiếu niên cũng rất dễ tiếp cận với sản phẩm độc hại nhất này. Các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không quyết đoán trong việc luật hóa các sản phẩm giảm tác hại thuốc lá, gánh nặng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó là một số hệ lụy do sự phát triển, bành trướng tràn lan của thị trường buôn lậu TLĐT.
Một nhận định đáng chú ý của ông Lion Shahab Giáo sư Sức khỏe Tâm lý, Khoa Khoa học Hành vi & Sức khỏe, Viện Dịch tễ và Y tế Anh có thể xem là một tham khảo đáng giá cho Việt Nam trong việc tìm kiếm một giải pháp cân bằng giữa việc giảm tác hại cho người hút thuốc lá, đồng thời ngăn chặn giới trẻ tiếp cận tới bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào: “Để bảo vệ giới trẻ một cách đúng đắn, chúng ta cần cung cấp thông tin chính xác, và hành lang pháp lý kiểm soát TLTHM phù hợp là chìa khóa quan trọng nhất. Cần nhớ rằng nguy cơ của TLTHM là ít quan trọng hơn nhiều trong bối cảnh thuốc lá điếu vẫn còn được bày bán và sử dụng rộng rãi.”
PTTT