Bàng hoàng nghe hung tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - tác giả "Ai đã đặt tên cho dòng sông" - đã gửi lại cõi tạm tuổi 87 (1937-2023) ngày 24/7 tại TP.HCM trong sự tiếc thương, xa xót của gia đình, đồng nghiệp, bạn đọc yêu văn chương. Thế là, ông đã vội vàng theo hiền thê Lâm Thị Mỹ Dạ cùng phiêu du về miền mây trắng...
Lễ tưởng nhớ tác giả Ai đã đặt tên cho dòng sông sẽ được tổ chức vào hồi 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (số 1 Phan Bội Châu, TP Huế).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết, ân tình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cả một đời với Huế, yêu Huế đến quặn lòng: "Tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình"...
"Tài hoa, tài tử, tài tình..."
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và gắn bó một đời với Huế. Năng khiếu văn chương bộc lộ từ nhỏ, hết bậc trung học ở Huế, ông học chuyên môn ở Sài Gòn và Huế. Năm 1960, Hoàng Phủ Ngọc Tường tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn (khóa I, ban Việt Hán). 4 năm sau (1964), ông nhận bằng cử nhân Triết, đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1960 - 1966, Hoàng Phủ Ngọc Tường là giáo viên dạy văn, siêu hình học tại Trường Quốc học Huế.
Đất nước chiến tranh, ông từng xuống đường đấu tranh trong phong trào học sinh- sinh viên, giáo chức chống Mỹ -Ngụy đòi độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong khoảng thời gian từ 1966 - 1975, ông thoát ly gia đình lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động văn nghệ.
Sự nghiệp văn học của Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm văn xuôi và thơ. Ông đã định hình một phong cách riêng, đặc sắc, tinh tế trong sáng tác, đặc biệt phong cách viết bút ký văn học. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ và trữ tình; giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều; giữa cảm xúc thăng hoa với trí tuệ uyên bác được tổng hợp, chắt lọc từ tài năng, vốn kiến thức đầy đặn, phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...
Tài hoa của ông thể hiện trong sự làm chủ ngòi bút hướng nội; ở chất văn đẹp; cách diễn đạt, hành văn súc tích, mê đắm, thăng hoa. Nhà văn Nguyễn Tuân thấy trong ký của ông có "rất nhiều ánh lửa". Nhà thơ Ngô Minh cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường là 1 trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta. Bút ký của ông "hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình...". Nhà văn khẳng định "Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc"...
Ai đã đặt tên cho dòng sông là bút ký xuất sắc viết tại Huế ngày 4/1/1981 in trong tập ký cùng tên, thể hiện cái nhìn tinh tế với thiên nhiên và con người xứ Huế từ góc nhìn của một tâm hồn trữ tình, giàu chất thơ. Ngoài ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên hấp dẫn, mang linh hồn sông Hương - con sông mang dấu ấn, đặc trưng xứ Huế mộng mơ là cái tôi uyên bác, trí tuệ, có kiến thức uyên thâm phong phú, đa dạng, sâu rộng về triết học, lịch sử, văn hóa, địa lý...
Bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông cũng thấm đẫm chất thơ:
"Trong những dòng sông đẹp nhất ở các nước mà tôi thường nghe nói đến hình như chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên...Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya... Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu...".
Sông Hương hiện lên trong bút ký là dòng sông thiên nhiên; là một nhân chứng lịch sử của Huế và đất nước "soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ" và là "người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở" bởi toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.
Ai đã đặt tên cho dòng sông là 1 trong những tác phẩm nổi bật cho phong cách ký văn học của riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường - một nhà văn nặng nghĩa, ân tình với Huế. Năm 2019, bài ký Ai đã đặt tên cho dòng sông đã vào đề thi môn ngữ văn THPT quốc gia...Theo Lê Uyển Văn, "cũng như tình yêu của sông Hương với Huế, tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường với sông Hương cũng là quá trình dâng tặng, khám phá và hoàn thiện chính mình"...
Hoàng Phủ Ngọc Tường định hình một phong cách viết bút ký văn học cho mình. Tâm sự về nghề văn, ông đã lý giải nguyên nhân chọn thể ký cho sự nghiệp văn chương: "Tôi lớn lên trong một bối cảnh đặc biệt của lịch sử, ở đó mọi sự kiện đều mang sẵn một vẻ đẹp văn học. Vì thế, tôi cho rằng văn xuôi phải đáp ứng một nhu cầu sinh đôi của thời đại: a) Nó phải là một sự kiện mang tính thẩm mỹ; b) Nó phải bảo đảm có thực trong thực tế cuộc sống; còn thực tế đến đâu là tùy tài năng vận dụng của người viết để tất cả trở thành nhất quán. Do đó tôi chọn bút ký là thể loại văn xuôi tiêu biểu; dần dần nó trở thành duy nhất và không thể thay thế được".
"Tôi chọn bút ký là thể loại văn xuôi tiêu biểu; dần dần nó trở thành duy nhất và không thể thay thế được" - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Bên đời anh rất nhỏ…"
Ngoài văn xuôi vốn là thế mạnh làm nên phong cách rất riêng, ông còn sáng tác thơ. 3 tập thơ Những dấu chân qua thành phố, Người hái phù dung, Dạ khúc đã định hình một nét riêng, được chi phối bởi tâm hồn, trí tuệ, kiến thức sâu rộng thuộc nhiều lĩnh vực. Vì thế, thơ ông giàu nội lực, cách liên tưởng bất ngờ độc đáo, trữ tình, trang nhã. Thơ vừa mang tâm trạng, nỗi niềm... lại vừa có chiêm nghiệm, triết luận, suy tưởng sâu xa về cuộc sống, con người, tình yêu...
Thôi em cảm tạ con người
Đã thương đã ghét giữa đời vắng không
Đêm qua rơi xuống cội lòng
Vàng im ngọn lá ngô đồng thiên thu
Bây giờ đã hết trò chơi
Đã tàn cuộc rượu cho người ra đi
Đêm qua chẳng biết làm gì
Muốn tìm về gã Trương Chi nghe đàn
(Đêm qua)
Bài thơ Bồng bềnh cho tới mai sau là cảm xúc của Hoàng Phủ Ngọc Tường về thăm quê vợ ở Lệ Thủy (Quảng Bình)- nơi đã cho anh tình yêu:
Có con thuyền trong sương trắng
Bềnh bồng như một cánh chim
Có em chèo thuyền áo trắng
Xôn xao như trốn như tìm
Có vầng mặt trời rực sáng
Bồi hồi như một trái tim
Trong thơ ông, người phụ nữ là hiện thân cho cái đẹp, sự cao cả, đủ đầy những phẩm chất tốt đẹp. Họ mang vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang, có chút nỗi buồn hoài niệm, có chút mong manh sương khói, có chút hoang hoải, ảo huyền... gợi những cung bậc tình cảm da diết, nhớ thương vời vợi:
Có một buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa.
Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi
Bài thơ Dạ khúc như tình sử buồnđược nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên da diết, thấm thía, lặng thầm, xót đau...
Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy tính triết lý, hấp dẫn người đọc ở bề sâu, ở sự trang trọng, quý phái khẳng định sự bền vững:
Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng giọt máu đỏ tươi
Trời đã cho đôi uyên ương Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ một tình yêu thủy chung bền đẹp. Họ đã đi bên nhau suốt những năm tháng hạnh phúc, bình yên. Chị đi trước (ngày 6/7) và sau 18 ngày (24/7), anh trả nợ cõi tạm rồi vội vã theo chị phiêu du về miền mây trắng cùng nhau.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết:
Nhiều lần anh hỏi Dạ
Em có được vui không
Bên đời anh rất nhỏ
Giữa cuộc đời riêng chung
Dù không còn trẻ nữa
Một nỗi lòng say mê
Của tình yêu thơ dại
Dịu dàng, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trả lời chồng:
Cuộc đời em vo tròn lại
Và ném vào cuộc đời anh
Nó sẽ lặng sâu tận đáy cuộc đời anh
Sâu cho đến tận...cái chết
Trời ơi
Làm sao có một cuộc đời
Để cho tôi ném đời mình vào đó
Mà không thể cân nhắc, đắn đo
Rằng cuộc đời ấy vẫn còn chưa đủ.
Bỗng hiện về trong tôi giai điệu da diết ca khúc Dòng sông ai đã đặt tên của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp như tiễn biệt nhà văn cả một đời thao thiết với sông Hương, với Huế:
Dòng sông ai đã đặt tên
Là dòng sông Hương nước êm trôi lững lờ
Dòng sông ai đã đặt tên
Ðể người đi nhớ, nhớ mãi không quên...
Tác phẩm và giải thưởng
Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc lĩnh vực văn nghệ, báo chí: Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Ông sáng tác đa dạng thể loại, nhưng thành công nhất là văn xuôi, nhất là bút ký.
- Thể loại ký: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1976), Nhàn đàm (1977), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986), Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế - di tích và con người (1995), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Người ham chơi (nhàn đàm-1998), Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001); Rượu hồng đào chưa nhấm đã say (2001), Miền gái đẹp (nhàn đàm, 2001), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (4 tập, 2002), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (2005), Miền cỏ thơm (2007), Tinh tuyển bút ký hay nhất (2010).
- Thể loại nhàn đàm: Nhàn đàm (1997), Người ham chơi (1998), Miền gái đẹp (2001)
- Tập thơ: Những dấu chân qua thành phố (1976); Người hái phù dung (1992); Dạ khúc
Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 – 1981 cho tập Rất nhiều ánh lửa; Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho tập bút ký Ngọn núi ảo ảnh (1999), Miền cỏ thơm (2007); Giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ 3 (1999-2004) cho tập bút ký Ngọn núi ảo ảnh, Giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ 4 (2005-2009) cho tác phẩm "Miền cỏ thơm".
Năm 2007, ông và người bạn đời Lâm Thị Mỹ Dạ cùng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Tags