Mới hôm trước, tôi được tặng cuốn sách ảnh 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam với lời giới thiệu trang trọng từ Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà về những thế hệ văn nghệ sĩ đồng hành cùng nền điện ảnh nước nhà, trong đó có NSND Bùi Đình Hạc và những thế hệ nghệ sĩ tiêu biểu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam...
Thế rồi hôm sau, tôi đã nhận hung tin ông đã phiêu du nơi cõi hạc lúc 18h30 ngày 1/7/2023, gửi lại cõi tạm tuổi 90 trong nỗi nhớ thương của gia đình, đồng nghiệp và khán giả yêu điện ảnh.
NSND Bùi Đình Hạc sinh ngày 4/6/1934 tại Tam Nông (Phú Thọ). Ngay từ nhỏ, Bùi Đình Hạc có bộc lộ thiên hướng bẩm sinh, tài năng về nghệ thuật. Cách cảm thụ âm nhạc, văn học nghệ thuật chính từ nhỏ là những tố chất dự báo, phát lộ tài năng của ông.
Từ "Nước về Bắc Hưng Hải"
Từ quê hương "rừng cọ đồi chè", năm 1949, người thanh niên quê Tam Nông nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, tháng 11/1953, ông nhận nhiệm vụ tại Định Hóa (Thái Nguyên) - địa điểm liên lạc của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Điện ảnh là cơ duyên, là con đường đã được lập trình để làm nên tên tuổi của ông - người mà Từ điển Điện ảnh Thế giới (Liên Xô xuất bản năm 1986) đã lưu danh tiểu sử và sự nghiệp.
Ngay sau khi ra mắt năm 1959, phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải đã tạo nên một tiếng vang lớn trong công chúng, thể hiện niềm tự hào của điện ảnh nước nhà dù còn non trẻ. Vượt qua 15 bộ phim cùng đề tài về công trình thủy lợi trong số 70 bộ phim tài liệu dự thi, Nước về Bắc Hưng Hải đoạt giải Nhất LHP quốc tế Moscow cho phim tài liệu hay nhất (giải Vàng quốc tế đầu tiên của ngành Điện ảnh Việt Nam và giải Vàng quốc tế đầu tiên cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam); giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ II (1973).
Tiếng vang của bộ phim là cơ hội cho đạo diễn trẻ Bùi Đình Hạc sang Liên Xô học đạo diễn (chuyên ngành phim truyện) tại Trường Điện ảnh Quốc gia Moscow (VGIC) khóa 1960 - 1964. Cơ duyên đã đưa ông đến với ngành điện ảnh để từ đó trọn đời dấn thân, dâng hiến, góp một phần quan trọng vào thành tựu chung của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong hành trình 70 năm (1953 - 2023) luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, đạo diễn Bùi Đình Hạc ghi dấu ấn thành công trên cả 2 lĩnh vực phim truyện và phim tài liệu. Đây là hiện tượng đặc biệt, hiếm thấy, đã làm nên một phong cách Bùi Đình Hạc luôn có sự giao thoa, cộng hưởng 2 thể loại tài liệu và phim truyện, với "tư duy làm phim luôn tạo được sự mới mẻ trong cách kể, đề cao tính sáng tạo" riêng có của ông trong hành trình sáng tác.
"Khi giảng dạy chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong chương trình giáo dục đầu khóa cho tân sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi thường cho các em xem phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người của NSND Bùi Đình Hạc. Hiệu ứng giáo dục từ bộ phim rất lớn. Phim đã đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ IX (1990)" - PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng.
Những bộ phim giàu chất sử thi
Về lĩnh vực phim truyện nhựa, NSND Bùi Đình Hạc đã đạo diễn những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Hoa thiên lý (1973), Hà Nội 12 ngày đêm (2002)…
Sức sống của dòng văn học về chiến tranh cách mạng vẫn mạnh mẽ tuôn chảy từ văn học đến điện ảnh. Những hành động anh hùng của con người anh hùng, dân tộc anh hùng đã bước từ trang sách lên màn hình phim truyện. Từ Sống như anh của Trần Đình Vân đã có phim Nguyễn Văn Trỗi do Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo đạo diễn.
Trước khi thực hiện bộ phim truyện đầu tiên này, Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo đã cùng thực hiện bộ phim tài liệu Nguyễn Văn Trỗi sống mãi nhân sự kiện ngày 15/10/1964, chính quyền Mỹ và Sài Gòn phản bội lời hứa với quân du kích Venezuela và quyết định vội vã án tử hình người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi. Sự kiện đó đã tạo nên một làn sóng yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ của quân dân cả nước, vượt biên giới đến với bè bạn 5 châu.
Cuối phim tài liệu, đạo diễn đã mời nhà thơ Tố Hữu đọc bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi trên nền hình ảnh của biển trời mênh mông, từng làn sóng triều dâng tạo hiệu quả thẩm mỹ: "Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra...".
Bộ phim đã chạm đến trái tim, lương tri của những người yêu hòa bình và đoạt giải Bạc tại LHP quốc tế Moscow 1965; Giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ Nhất (năm 1970).
Với thành công được đón đợi như thế, đạo diễn vẫn thấy thăm thẳm một món nợ lòng nếu như không tiếp tục xây dựng thể loại phim truyện. Trên cơ sở từ bộ phim tài liệu, năm 1966, 2 nghệ sĩ Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo tiếp tục hành trình sáng tạo phim truyện Nguyễn Văn Trỗi. Bộ phim tạo nên sự xúc động về cuộc đời giản dị, anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ nhất (năm 1970), Bằng khen của Hội Nhà báo Liên Xô tại LHP quốc tế Moscow (1967).
Đường về quê mẹ là bộ phim dựa trên sự kiện có thật thời chiến là trận đánh giải phóng làng Vây ở Quảng Trị (trong phim đổi thành làng Vân). Mượn bối cảnh lịch sử, tác giả ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng. Bộ phim đã đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II (1973), giải Đạo diễn xuất sắc (Bùi Đình Hạc), giải Biên kịch xuất sắc (Bành Châu, Bùi Đình Hạc); giải Diễn viên xuất sắc (Trúc Quỳnh, Lâm Tới, Thế Anh); giải Nhất chuyên đề về các nước Á - Phi - Mỹ La-tinh của Ban giám khảo LHP Quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc, 1972); giải Nhất tại LHP quốc tế New Delhi (Ấn Độ, 1973), giải A của Bộ Quốc phòng tặng cho tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân 30 năm sự kiện Điện Biên Phủ trên không, ở tuổi 68 (năm 2002), NSND Bùi Đình Hạc vẫn đam mê, tâm huyết làm phim đến quên tuổi tác để cùng ê-kíp (biên kịch: Đinh Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Hồng Ngát...) thực hiện bộ phim giàu tính sử thi Hà Nội 12 ngày đêm. Phim khắc họa bối cảnh cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội, tái hiện một phần trận "Điện Biên Phủ trên không" chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12/1972 bằng một phong cách mới, gần gũi, giản dị, ngợi ca dân tộc anh hùng, nhân dân vĩ đại, không lặp lại những bộ phim truyện trước đó. Bộ phim đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XIV (2004); giải B của Bộ Quốc phòng tặng tác phẩm văn học nghệ thuật (1999 - 2004) về đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng của ông như một sử biên niên giàu chất sử thi, dung dị, lay động, giàu cảm xúc. Chúng đã chứng minh sức hấp dẫn của đề tài dù chiến tranh đã đi qua như nhận định của nhà văn Tolstoy: "Trong 100 năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật - từ bi kịch và sử thi cho đến cả những bài thơ tứ tuyệt, trữ tình".
Bên cạnh phim truyện, ông còn là đạo diễn những bộ phim tài liệu nổi tiếng. Ngoài Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964) đã kể trên, ông còn làm các phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh: Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin (1978), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1989).
NSND Bùi Đình Hạc từng đảm nhận các cương vị: Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (1976 – 1985); Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Điện ảnh (1985 – 1992); Cục trưởng Cục Điện ảnh (1992-10/1996); Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam.
Dựng phim theo cảm xúc
Thừa hưởng gia đình nghệ thuật có cha mẹ đều vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đạo diễn Bùi Trung Hải đã xúc động nói về người cha nhân hậu, người thầy tài đức của mình: "Trong sự nghiệp sáng tác của đạo diễn Bùi Đình Hạc có một điểm chung là ngôn ngữ điện ảnh, là dựng phim. Phần dựng phim là nét cơ bản, điểm mạnh của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Ông thường dựng phim theo cảm xúc. Bằng cách dựng để đưa cảm xúc người xem đến cao trào, gây sự xúc động lớn, do đó có sức thuyết phục rất mạnh. Điều thứ 2 là sự kết hợp giữa tính tài liệu và tính phim truyện trong sáng tác".
Thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, năm 1984, NSND Bùi Đình Hạc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND (đợt 1) và 23 năm sau (2007), NSND Bùi Đình Hạc vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 7 tác phẩm điện ảnh đặc sắc (Nguyễn Văn Trỗi, Đường về quê mẹ, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Hồ Chí Minh - chân dung một con người, Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ quốc).
Trước khi "vân du", ông hạnh phúc được chứng kiến người bạn đời của mình - PGS-TS Nguyễn Thị Hiển vừa nhận giải thưởng cao quý này ngày 19/5/2023 vừa qua.
3 bộ phim đáng chú ý
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Bác, năm 1978, đạo diễn Bùi Đình Hạc được giao nhiệm vụ làm bộ phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin (biên kịch: Hồng Hà, quay phim: Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: Thép Mới, âm nhạc: Đàm Linh). Tính đến thời điểm đó, đây là bộ phim có nhiều tư liệu lịch sử quý giá nhất về thời gian bôn ba của Nguyễn Ái Quốc, nhất là ê-kíp làm phim đã có nguồn tư liệu lần đầu tiên Người xuất hiện trên diễn đàn Đại hội Quốc tế Nông dân...
Năm 1980, đạo diễn Bùi Đình Hạc tiếp tục thực hiện phim Đường về Tổ quốc (biên kịch Hồng Hà, quay phim: Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: Thép Mới, âm nhạc: Đàm Linh). Bộ phim phản ánh chuyến đi đầy vất vả, gian nan, cực kỳ nguy hiểm của Bác Hồ thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, nhen nhóm phong trào cách mạng ở Việt Nam.
Cả hai phim tài liệu đều đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ V (1980).
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tiếp tục thực hiện phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người cùng ê-kíp sáng tạo gồm: nhà biên kịch Bành Bảo, đạo diễn kiêm quay phim: Lê Mạnh Thích, quay phim: Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà lý luận phê bình điện ảnh: Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh... Phim đã thể hiện tài năng của NSND Bùi Đình Hạc trong cách xử lý chất liệu, tư liệu đã được dùng cho những bộ phim tài liệu trước đó. Điều quan trọng đạo diễn đã đan cài yếu tố tâm lý vốn là thế mạnh trong phim truyện cộng hưởng với thể loại phim tài liệu vốn thiên về sự kiện, tạo nên hiệu ứng kép trong phim.
Tags