(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Có độ cao 2860m, thuộc địa phận xã Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Lảo Thần được coi là “nóc nhà” của Y Tý và đang trở thành ngọn núi thu hút đông đảo giới trẻ trekking.
- Kinh nghiệm du lịch khám phá Brunei hữu ích cần biết
- Kinh nghiệm du lịch phượt Nha Trang – đảo Bình Ba cực chi tiết
- Kinh nghiệm du lịch khám phá đảo Phú Quý chi tiết rất hữu ích
- Kinh nghiệm du lịch khám phá Philippines chi tiết rất hữu ích
- Kinh nghiệm du lịch Nhật Bản tự túc. Khám phá Kyoto 3 ngày như thế nào?
Sức hấp dẫn của núi Lảo Thẩn không phải ở độ cao hay độ hiểm trở (Việt Nam có nhiều núi khác cao hơn và chắc chắn là khó chinh phục hơn nhiều). Tổng quãng đường cả lên và xuống núi Lảo Thẩn khoảng 16km.
Đường lên cơ bản là không quá dốc, tương đối dễ leo, có nhiều đoạn đường bằng. Đặc điểm của núi này là rừng khá thưa do đã bị cháy nhiều, không có nhiều cây cối um tùm và chủ yếu là những bụi cây nhỏ nên nếu trời nắng thì sẽ khá nóng vì không có cây che, đòi hỏi các bạn phải chuẩn bị cẩn thận để tránh bị nắng nóng.
Giống như nhiều núi khác, một trong những điểm hấp dẫn của Lảo Thẩn là các bạn có cơ hội săn mây, đón bình minh và cả hoàng hôn với những khung cảnh tuyệt đẹp nếu có mặt ở đây đúng thời điểm.
Những người leo núi với mục đích đơn thuần chỉ để chớp lấy những khoảnh khắc diệu kỳ của thiên nhiên có thể cảm thấy thất vọng khi những nỗ lực và mong muốn của mình không được thỏa mãn.
Nhưng leo núi không phải chỉ để săn mây, để chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ và thấy mình bé nhỏ thế nào giữa không gian bao la của đất trời. Leo núi còn là để trắc nghiệm sức khỏe, thử thách sức bền, sức chịu đựng của bản thân, độ dẻo dai của cơ bắp..., leo núi còn là để để rèn luyện lòng kiên nhẫn và ý chí vượt khó. Và dĩ nhiên cũng là để tích lũy cho mình những kinh nghiệm quan trọng với một hình thức du lịch khám phá không hẳn là phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Trước khi bắt đầu một hành trình leo núi, bạn bắt buộc phải chuẩn bị nhiều thứ mang theo, phải luyện tập thể lực, phải tìm kiếm các thông tin liên quan. Sau khi hoàn thành hành trình leo núi, bạn hiểu là những sự chuẩn bị của mình như thế đã đầy đủ ở mức tương đối chưa, sức khỏe, sức bền thể lực của mình ở mức nào và mình cần rút kinh nghiệm ra sao cho những chuyến trekking sau đó.
Đấy là lí do vì sao khi bạn hoàn thành một hành trình leo núi, bạn luôn có lí do để cảm thấy hài lòng. Lên đến đỉnh có nghĩa là đã vượt qua thử thách. Đúc rút được những kinh nghiệm sau chuyến đi lại là điều quan trọng khác. Và tất cả đều tốt cho bạn cả.
Trở lại với chuyện chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. Những trekker đã leo Fansipan, Putaleng, Pusilung, Ki Quan San, Tà Chì Nhù... có thể thấy “buồn cười” khi dùng chữ “chinh phục” vì cho rằng núi này quá dễ leo, không cao lắm và đường đi không dài cũng chẳng hề nguy hiểm.
Nhưng bao giờ cũng thế, để đi xa chúng ta phải bắt đầu bằng cách đi gần. Để làm được những việc khó khăn, phức tạp, chúng ta thường phải bắt đầu từ những việc được coi là dễ dàng, đơn giản. Với tinh thần ấy, bạn sẽ thấy (nếu bạn chưa leo núi bao giờ) rằng Lảo Thẩn là lựa chọn phù hợp để bắt đầu. Thậm chí, ngay cả khi bạn đã leo lên nhiều ngọn núi hùng vĩ, khó khăn và hiểm trở hơn nhiều thì việc lên đỉnh Lảo Thần cũng không là vô nghĩa.
Có gì đâu, nếu bạn đủ khỏe, đủ kinh nghiệm trekking rồi thì ít nhất bạn cũng biết thêm một ngọn núi nữa và hành trình lên đó ra sao. Vậy nếu đây là lần đầu tiên leo núi và chọn Lảo Thần để bắt đầu, bạn cần lưu ý những gì, cần làm những gì cho chuyến đi thành công?
*Luyện thể lực
Như đã nói, dù đỉnh Lảo Thẩn không thực sự khó leo, không quá cao nhưng điều đó không có nghĩa mặc định là bạn sẽ leo được nếu không rèn luyện sức khỏe trước. Rèn luyện thì có nhiều cách nhưng thông thường và dễ dàng, thuận tiện nhất là tập đi bộ và tập chạy thường xuyên khoảng 3-4 tuần trước khi leo.
Với những người có sức khỏe bình thường và vốn có ý thức tập thể dục, rèn luyện sức khỏe rồi thì có thể không cần nhưng với những người vốn ít hoạt động thể chất, đã lâu không vận động thể lực bất kể vì lí do gì thì việc tập đi bộ, tập chạy trước khi leo núi là rất cần thiết.
Mỗi tuần bạn nên dành ra ít nhất 3-4 buổi, mỗi buổi tầm 1,5-2 tiếng, để đi bộ và tập chạy nhằm giúp cơ thể thích ứng với trạng thái vận động liên tục trong thời gian kéo dài khi leo núi.
*Chuẩn bị những vật dụng cần thiết
+Thuốc/băng gạc/dầu gió
Thuốc cảm cúm/tiêu chảy.., băng y tế sát trùng, dầu gió... là đồ lặt vặt nhưng vẫn cần mang theo khi leo núi đề phòng có chuyện gì thì còn có ngay cái để dùng. Giữa núi rừng mà có “biến” thì biết làm sao nếu bạn không chuẩn bị sẵn trong balo?
+Lương khô/Chocolate/mì tôm/trứng luộc...
Leo núi nào thì cũng cần phải ăn thì mới có sức mà leo nên chuyện ăn uống là không thể bỏ qua. Vấn đề là cần ăn gì và mang theo đồ ăn gì để vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể mà lại gọn nhẹ, dễ dàng mang theo. Vài đồ ăn nói trên là những thứ thường được lựa chọn nhiều nhất. Nhiều nhóm còn chuẩn bị cả Champagne để lên đỉnh còn khui ăn mừng. Cái này thì cho nó thêm màu mè thôi, không quan trọng.
+Nước suối
(mua sẵn khoảng 10 chai/người tùy thời điểm bạn leo núi thời tiết có nắng nóng hay không) rồi đưa porter mang giúp. Nói chung mỗi ngày mỗi người uống 1-2 lít nước tùy thời tiết thế nào.
+Túi ngủ
(Không cần thiết nếu bạn leo Lảo Thẩn trong 1 ngày) nhưng nếu leo 2N-1Đ do sức khỏe hoặc muốn cắm trại trên đỉnh núi để đón bình minh, săn hoàng hôn thì bạn cần có túi ngủ (có thể thuê hoặc mua dễ dàng từ Hà Nội/Sapa/Lào Cai, có nhiều loại với những mức giá khác nhau)
+Lều bạt
Nếu leo 2N-1Đ và muốn cắm trại trên núi thì bạn đương nhiên cần mang theo lều bạt (nhiều loại, nhiều mức giá khác nhau, có thể thuê/mua dễ dàng ở Hà Nội/Sapa/Lào Cai)
+Giày trekking
Leo núi cần sử dụng loại giày chuyên dụng, đế có độ bám tốt để chống trơn trượt rất nguy hiểm. Giày có nhiều loại với những mức giá khác nhau nhưng bạn chỉ cần mua một đôi giày bộ đội (100k/đôi) là được. Có giày thì tất nhiên phải có tất kèm theo rồi. Bạn nên mang theo 3-4 đôi tất để có thể thay đổi.
+Quần áo
Tùy thời tiết lúc bạn leo thế nào mà bạn cần chuẩn bị trang phục cho phù hợp. Nguyên tắc chung là chúng ta không nên leo núi khi trời mưa rất nguy hiểm và cũng không thể quan sát được gì. Còn trong điều kiện thời tiết râm mát, lạnh giá (nhưng ko mưa) hoặc nắng nóng thì tùy tình trạng thời tiết cụ thể lúc đó mà bạn cần ít nhất một áo gió (chất liệu nhẹ, thoáng), áo nỉ dài tay (chất liệu nhẹ, thoáng), quần rằn ri bộ đội bó ống và/hoặc quần nỉ (chất liệu nhẹ, thoáng) ống thun, bó để chống côn trùng cắn. Tất nhiên là cả vài bộ underwear nữa (loại có chất liệu nhẹ, thoáng, hút mồ hôi).
Nếu leo Lảo Thẩn lúc trời lạnh, rất lạnh thì bạn cần mang thêm áo nỉ, áo khoác nhiều lớp làm sao đủ giữ ấm nhưng vẫn phải đảm bảo độ thoáng, nhẹ vì chúng ta cần tránh tối đa việc mặc quần áo quá bó (quần jeans, áo jeans chẳng hạn), trọng lượng quá nặng khi leo núi khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn, khiến chúng ta thêm mệt mỏi vì việc trekking đã làm bạn mất sức rồi.
+Áo mưa
Trong mọi điều kiện thời tiết bạn nên mang theo áo mưa có thể là để mặc chống rét khi cần hoặc đơn giản là để đề phòng nếu trời có mưa bất chợt. Hãy hình dung nếu bạn đang leo núi mà trời đổ mưa trong khi bạn lại không có áo mưa mang theo thì làm thế nào? Áo mưa nên mua loại tương đối bền, có thể sử dụng nhiều lần, không nên dùng loại rẻ tiền quá.
Ngay cả khi trời nắng nóng, mang theo áo mưa cũng không phải vấn đề vì nó rất gọn nhẹ, không chiếm chỗ nhiều. Ngoài ra, khi cần, bạn còn có thể dùng áo mưa để bọc đồ, để trải ngồi, để nhiều thứ lên đó cho sạch sẽ. Nói chung là áo mưa có nhiều tác dụng mà lại gọn nhẹ nên bạn bắt buộc phải mang theo, 1 đôi là ok.
+Găng tay gai, mũ rộng vành, khẩu trang, mũ len
Không phải lúc nào cũng cần nhưng cũng nên chuẩn bị sẵn sàng. Leo núi nói chung cần dùng loại găng tay có gai để tăng độ bám, chống trơn trượt. Mũ rộng vành như mũ tai bèo chẳng hạn, nhằm chống nắng, khẩu trang chống sương gió lạnh và mũ len che đầu, che tai nếu leo khi trời lạnh
+Máy ảnh/điện thoại/đèn pin/sạc dự phòng/dao nhỏ/túi đeo trước bụng
Mấy đồ lặt vặt này ai cũng biết là để làm gì và cần thiết ra sao. Leo núi nào thì cũng vẫn phải mang theo rồi.
+Nồi niêu xoong chảo/bếp ga du lịch/bật lửa/giá đỡ (điện thoại/máy ảnh/máy quay)
Nếu đi một mình mà vẫn muốn selfie cho đẹp, đi cả nhóm mà không có ai chụp ảnh hộ, muốn nấu ăn, cắm trại overnight trên núi... thì bạn cần thêm mấy thứ nói trên. Lỉnh kỉnh lắm. Đi đông và ở qua đêm có mang thì mới mang theo thôi.
*Thuê xe máy/porter/homestay
Từ Hà Nội bạn đi tàu/ô tô lên Lào Cai rồi thuê xe máy ở Lào Cai đi Y Tý (Cafe Thu, cạnh quảng trường ga Lào Cai 0972.13.13.63). Đi khoảng 80km đến Y Tý rồi ngủ homestay ở Y Tý (Homestay A Hờ: 01255751173). Hôm sau thuê luôn A Hờ (làm porter) dẫn đi leo Lảo Thẩn luôn.
*Thời gian leo
+1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm tùy lựa chọn của mỗi người
*Chi phí
+Tàu/xe Hà Nội – Lào Cai khứ hồi: 400k/người-600k/người
+Thuê xe máy: 150k/ngày
+Homestay: 150k/đêm
+Thuê porter: A Hờ: 01255751173; 300k (đi trong ngày), 500k (qua đêm)
+Ăn uống + mua vật dụng cho chuyến đi