"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 1): Từ "du lịch di sản" đến sản phẩm OCOP

Thứ Hai, 26/08/2024 17:05 GMT+7

Google News

(LTS) Xây dựng "công nghiệp văn hóa" là một chủ trương lớn, được chúng ta nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, một thành tố rất quan trọng của nó là "kinh tế di sản" thì lại được đề cập đến có phần dè dặt, dường như vẫn còn những sự e ngại rằng, làm kinh tế di sản tức là "thương mại hóa" những giá trị cao quý cần bảo tồn nguyên vẹn và nguyên bản.

Nhưng theo TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa - du lịch, kinh tế di sản là một khái niệm mới của liên ngành kinh tế và văn hóa. Kinh tế di sản càng ngày càng đóng vai trò rất quan trọng với công nghiệp văn hóa. Vậy kinh tế di sản là gì? Các loại hình kinh tế di sản bao gồm những loại hình nào? Vấn đề phát triển kinh tế di sản ra sao. Đó là những vấn đề sẽ được ông trình bày trong loạt bài này.

Kinh tế di sản mới được hình thành ở Việt Nam trong những năm gần đây qua công trình của một số tác giả nghiên cứu kinh tế học về di sản. Họ đã phân tích rất kĩ về các yếu tố giá trị và vốn văn hóa chi phối kinh tế di sản, phương pháp tính giá trị của kinh tế di sản. Tuy nhiên, các tác giả chưa phân tích sâu về khái niệm của kinh tế di sản, về các loại hình kinh tế di sản, cũng như các giải pháp phát triển kinh tế di sản. Cần khắc phục những khoảng trống đó…

Kinh tế di sản là một ngành kinh tế mới, trong ngành kinh tế này có nhiều loại hình khác nhau như: du lịch di sản, các sản phẩm nông nghiệp OCOP, ngành công nghiệp văn hóa "ăn theo" biểu tượng và giá trị của di sản, ẩm thực truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống… Các loại hình thuộc kinh tế di sản đều có đặc điểm chung là bắt nguồn từ di sản, là các loại hình kinh tế dựa vào giá trị của các di sản văn hóa.

Du lịch di sản: hướng tới tâm linh, cội nguồn, và trải nghiệm văn hóa

Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Các loại hình du lịch di sản ở Việt Nam khá đa dạng. Trước tiên phải kể đến du lịch tâm linh (du lịch tín ngưỡng) là loại hình du lịch di sản phổ biến thu hút được đông đảo du khách. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hoá, lấy yếu tố văn hoá tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Như vậy, du lịch tâm linh là loại hình du lịch dựa vào việc gửi gắm niềm tin nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của con người thông qua những lễ nghi, đáp ứng nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng.

Thứ hai, là du lịch cội nguồn, loại hình du lịch di sản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là các cuộc về nguồn lên căn cứ địa Việt Bắc, căn cứ miền Đông Nam Bộ, hoặc các loại hình du lịch "thăm chiến trường xưa" hoặc du lịch hoài niệm về các chiến trường xưa đang thịnh hành, phát triển mạnh trong những năm gần đây.

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 1): Từ "du lịch di sản" đến sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa - du lịch

Hiện nay, cuộc sống đang biến đổi mạnh mẽ, nhiều nước phát triển đã vượt qua thời kỳ công nghiệp, chuyển sang hậu công nghiệp. Các nước đang phát triển cũng đã vượt qua giai đoạn kinh tế nông nghiệp, chuyển sang kinh tế công nghiệp. Vì vậy, nhu cầu khám phá về nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp đang trở thành một nhu cầu của lớp trẻ và cư dân đương đại. Bởi thế, một loại hình du lịch văn hóa rất thời thượng hiện nay là du lịch trải nghiệm văn hóa.

Các du khách quốc tế muốn đến các nước đang phát triển để được trải nghiệm trong nền văn hóa nông nghiệp. Các du khách ở đô thị cũng muốn trở về thôn quê nhằm khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức bản địa. Vì thế, xu hướng du lịch trải nghiệm đang trở thành một xu hướng quan trọng chi phối các hoạt động du lịch. Các phương thức canh tác ở miền núi như làm ruộng bậc thang, "chọc lỗ tra hạt", các ngành nghề thủ công như chạm khắc bạc của người Mông, người Dao, dệt thổ cẩm của người Tày, người Thái, người Mường, nghề làm gốm của người Chăm, tri thức dân gian trong ứng xử với rừng của người Hà Nhì…

Bên cạnh 3 loại hình trên, du lịch di sản còn bao gồm các loại hình đi thăm quan các bảo tàng, các di tích cổ, các địa điểm khai quật khảo cổ…

Như vậy, du lịch di sản bao gồm nhiều loại hình khác nhau nhưng đều liên quan đến di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Du lịch di sản không chỉ có chức năng khám phá, nâng cao hiểu biết, mà còn giáo dục truyền thống của quê hương, đất nước với du khách. Chức năng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lòng yêu nước, kính trọng truyền thống của cha ông.

Những sản phẩm OCOP chứa đựng tri thức dân gian

Nước ta đang triển khai chương trình mỗi xã phường có một sản phẩm gọi là OCOP. Đây là tên viết tắt của cụm từ "One Commune One Product" được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm".

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Các sản phẩm này đều là sản phẩm truyền thống được kết tinh từ vốn văn hóa của cộng đồng và người dân ở các vùng.

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 1): Từ "du lịch di sản" đến sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

TS Trần Hữu Sơn, tác giả bài viết, cùng các phụ nữ Dao đỏ trong lễ cấp sắc 12 đèn

Hàng nghìn năm lịch sử cộng đồng cư dân ở các vùng khác nhau đã dựa vào điều kiện tự nhiên sáng tạo ra tri thức dân gian (tri thức bản địa, tri thức tộc người). Các tri thức này chính là các di sản văn hóa được chọn lọc và trao truyền cho nhiều thế hệ. Do đó các sản phẩm đều chứa đựng giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ có di sản này, nhờ có vốn văn hóa của cộng đồng nên các sản phẩm OCOP đều trở thành đặc sản, thậm chí, trở thành một nguồn lực phát triển ở các bản làng nông thôn.

Như vậy, các sản phẩm OCOP kết tinh tinh hoa của di sản cộng đồng. Quá trình sản xuất sản phẩm OCOP cũng chính là quá trình sản xuất kinh tế di sản,  chương trình sản xuất OCOP là chương trình kinh tế di sản.

Các sản phẩm mang theo giá trị biểu tượng của di tích, di sản

Một đặc điểm nổi trội của di sản, di tích là tính biểu tượng, tượng trưng rất cao. Các di tích ở Hội An, Hà Nội (ví dụ như: Hồ Gươm, Văn Miếu, Hoàng Thành…) đều trở thành các biểu tượng xuất hiện trên truyền thông đi vào các loại sản phẩm "ăn theo" như trò chơi điện tử, các đồ lưu niệm (áo, mũ, túi, bút, sổ…). Đây là một đặc điểm về con đường phát huy giá trị di sản trong hàng hóa. Tính biểu tượng của di sản càng được quảng bá, càng hàm chứa giá trị nổi tiếng thì biểu tượng đó càng trở thành đắt giá.

Tuy nhiên, không có hiện tượng bán biểu tượng như hàng hóa thông thường mà biểu tượng đó phải được kết tinh trong các loại hàng hóa khác nhằm nâng cao lợi nhuận. Chiếc mũ có chữ Hội An hoặc các đồ vật có logo của Văn Miếu Quốc Tử Giám thì giá trị hàng hóa đó cao gấp nhiều lần giá trị thật. Vì thế các điểm thăm quan di tích, điểm trải nghiệm, thường thức các giá trị di sản phi vật thể đều có các quầy hàng bán các sản phẩm mang tính biểu tượng của di tích. Các di tích văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể đã tạo ra một ngành sản xuất mới - ngành sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng mang tính biểu tượng của di sản. Di tích càng nổi tiếng thì giá trị kinh tế của các sản phẩm mang tính biểu tượng càng lớn.

Bên cạnh các loại hình kinh tế di sản chủ yếu trình bày ở trên, còn nhiều loại hình sản phẩm kinh tế di sản như các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm lương thực thực phẩm, các ẩm thực gắn liền với di sản phi vật thể nổi tiếng ở trong nước (ví dụ như phở Việt Nam, bánh đa Việt Nam, nước mắm Phú Quốc, trà Thái Nguyên…). Các sản phẩm có nguồn gốc khác nhau nhưng đều chung một đặc điểm đấy là sản phẩm mang giá trị di sản. Nhờ có di sản nên các sản phẩm này trở thành những mặt hàng nổi tiếng, giá cao bất thường.

"Các sản phẩm OCOP kết tinh tinh hoa của di sản cộng đồng. Quá trình sản xuất sản phẩm OCOP cũng chính là quá trình sản xuất kinh tế di sản…" - TS Trần Hữu Sơn.

(Còn tiếp)

TS Trần Hữu Sơn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›