"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 3): Di sản văn hóa - "Mỏ vàng" của du lịch

Thứ Tư, 28/08/2024 08:03 GMT+7

Google News

Như kỳ trước đã nêu, du lịch di sản gồm du lịch tâm linh (du lịch tín ngưỡng), du lịch cội nguồn, du lịch trải nghiệm văn hóa, và các loại hình đi tham quan các bảo tàng, các di tích cổ, các địa điểm khai quật khảo cổ… Có thể nói đây là những "mỏ vàng" của du lịch. Nhưng những mỏ vàng này cũng rất dễ bị tác động khi đem ra "thử lửa" với du lịch.

1. Di sản là nguồn tài nguyên du lịch trọng yếu. Tài nguyên du lịch có nhiều loại hình, nhưng tài nguyên du lịch văn hóa, mà trước hết là tài nguyên di sản văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ nguồn tài nguyên di sản phong phú mà ở vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch mạnh.

Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc đều trở thành những khu căn cứ địa quan trọng, vì vậy ngày nay ở các tỉnh này luôn có mạng lưới hệ thống các di tích lịch sử cách mạng. Có các di tích quốc gia được phân bố rộng khắp như ATK Định Hóa - Thái Nguyên và ATK Sơn Dương - Tuyên Quang, đặc biệt là Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu", các di tích ở Liên khu V, Trường Sơn - Tây Nguyên…

Bên cạnh các di tích lịch sử, vùng dân tộc thiểu số - địa bàn cư trú của 53 dân tộc anh em chính là địa bàn giàu giá trị di sản văn hóa. Mỗi một tộc người có đặc điểm văn hóa khác nhau. Mỗi một dân tộc có các di sản mang tính đặc thù đã tạo nên vùng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng đó chính là nguồn lực nuôi dưỡng cho du lịch di sản phát triển.

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 3): Di sản văn hóa - "Mỏ vàng" của du lịch - Ảnh 1.

Hình ảnh về lễ cấp sắc của người Dao: Đàn lễ Tổ Sai, nơi Ngọc Hoàng xuống chứng giám, cấp ấn tín cho vợ chồng những người được cấp sắc 12 đèn

Di sản văn hóa không chỉ là tiềm năng, nguồn lực của du lịch, mà còn trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều cảnh quan sinh thái khác nhau, đã tạo nên sự độc đáo trong du lịch. Sự độc đáo đó càng được tô đậm khi mỗi một dân tộc còn lưu giữ một bản sắc văn hóa tộc người riêng biệt. Vì vậy, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là cơ sở, nền tảng để tạo ra sự hấp dẫn, sự đặc sắc trong các sản phẩm du lịch.

Đó là các sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xá Phó, người Tày trên đỉnh núi Sapa… Đó là sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường tạo nên những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai). Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hoặc những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm nông nghiệp xưa.

Như vậy, tính đa dạng, phong phú các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản vùng dân tộc thiểu số.

Năm 2019, thống kê sơ bộ qua các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã có khoảng 170 điểm du lịch cộng đồng.

2. Di sản văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc vừa mang tính chất kỳ vĩ, vừa phong phú văn hóa của gần 30 tộc người; tuyến du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"; tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

Di sản văn hóa các dân tộc cũng là chất liệu để xây dựng các điểm du lịch miền núi.

Năm 2019, thống kê sơ bộ qua các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã có khoảng 170 điểm du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cộng đồng đón được đông khách chủ yếu dựa vào di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người, điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai; du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang…

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 3): Di sản văn hóa - "Mỏ vàng" của du lịch - Ảnh 3.

Đàn quan - vị thần mở đường tương lai cho đứa trẻ được cấp sắc

3. Di sản văn hóa còn chi phối dịch vụ lưu trú. Trong du lịch, dịch vụ lưu trú đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nơi, tỷ lệ nguồn thu của dịch vụ lưu trú chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhưng dịch vụ lưu trú của các điểm du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Nậm Đăm có nhà sàn trình tường nhưng điểm du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Áng lại là nhà sàn gỗ cột kê. Ngôi nhà truyền thống của người Giáy ở Tả Van – Sa Pa là ngôi nhà đất nhưng có phần sàn, toàn bộ các thành viên trong gia đình đều ngủ ở sàn đất nhưng riêng du khách thì nghỉ ở tầng sàn. Tầng sàn trước kia chỉ để cất giữ lương thực thì nay được cải tiến trở thành nơi ngủ của du khách. Các phòng ngủ của du khách cũng được bố trí theo tập quán của từng dân tộc hoặc là làm từng ngăn có rèm che như của người Thái, người Mường hoặc chỉ cần tấm đệm như nhà sàn của người Tày, người Dao.

Nhà sàn rất thích hợp cho ngủ cộng đồng. Do đó, ở một số điểm du lịch của người Mông, người Hà Nhì cũng xây dựng mô hình nhà sàn cho du khách nghỉ.

Trong lưu trú, nơi ngủ không chỉ đáp ứng nhu cầu ngủ mà còn là không gian văn hóa. Ở đó có các quy định ngủ của khách nam, khách nữ, người cao tuổi, người trẻ v.v... Do đó, di sản văn hóa tộc người đã chi phối mạnh mẽ đến dịch vụ lưu trú (cả về không gian, phong tục tập quán).

4. Di sản văn hóa tộc người còn bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Hiện nay, các làng bản đều tích cực xây dựng mô hình nông thôn mới, đường giao thông đổ bê tông về đến từng nhà, từng ngõ xóm. Nhưng ở các điểm du lịch cộng đồng, đồng bào các dân tộc lại sáng tạo các loại hình vận chuyển du khách mới. Khi khách đến đầu làng được đi bằng xe trâu hoặc cưỡi ngựa đến nhà lưu trú, tham quan các điểm di tích trong làng. Ở một số làng du lịch cộng đồng ở Sa Pa, người dân đi qua suối bằng cầu mây, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan cánh đồng.

Dịch vụ ẩm thực thực sự trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy di sản ẩm thực truyền thống. Đến làng người Mông, người Thái, người Dao, người Mường… du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món nấu thắng cố, mèn mén của người Mông, ủ men rượu của người Tày, người Hà Nhì, thổi xôi bảy màu của người Nùng… Không chỉ thỏa mãn với việc ngủ trên những căn nhà truyền thống, một số điểm du lịch có sáng kiến tổ chức ngủ lều, ngủ trên cây.

***

Như vậy, di sản văn hóa của các tộc người vừa là tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời còn trực tiếp tham gia sáng tạo các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, tuyến du lịch, xây dựng các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, trải nghiệm… Trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, di sản văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch.

Đa dạng loại hình "du lịch tâm linh"

Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào không gian, địa điểm của du lịch tâm linh có thể phân chia du lịch tâm linh thành du lịch tâm linh ở miền núi, miền biển hoặc đồng bằng. Hiện nay, hành khách hành hương cũng thường căn cứ vào tuyến du lịch để phân loại, tên các tuyến du lịch tâm linh như du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, theo sông Lô, về Nam Định…

Một cách phân loại khác trong du lịch tâm linh là dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại như du lịch tâm linh theo mùa Xuân (hành hương mùa Xuân), mùa Thu…

Trong du lịch tâm linh, điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào đối tượng của tôn giáo, tín ngưỡng để phân loại du lịch. Mỗi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu, Thiên Chúa giáo… đều có đặc điểm riêng về du khách, dịch vụ, các điểm, tuyến tham quan, hình thức tham gia các sự kiện… Vì vậy, chúng tôi dựa vào các hình thức tôn giáo, tạm thời phân loại các loại hình du lịch tâm linh như du lịch tâm linh theo đạo Phật, theo đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa, du lịch tâm linh theo tính đại trà, theo kiểu hành hương về các vùng đất thiêng (du lịch lễ hội đền Hùng, đền Bà Chúa kho…). Các địa điểm thiêng đó thực chất là những địa điểm di sản, bao gồm các đền, miếu, chùa, nhà thờ, núi thiêng và hang động thiêng kỳ vĩ, v.v… Đồng thời, các tuyến đường hành hương cũng trở thành tài nguyên di sản dựa trên vai trò lịch sử của chúng đối với thực hành hành hương. Ngay các hình thức thờ cúng, các nghi thức tôn giáo, các lễ hội thực hiện tại các địa điểm được tôn kính, linh thiêng cũng trở thành một phần của di sản văn hóa phi vật thể. Đấy thực sự là nguồn tài nguyên di sản tâm linh có sức hấp dẫn lôi cuốn hàng vạn người tham gia tạo thành những cuộc hành hương khổng lồ như hành hương về giỗ tổ Đền Hùng - Phú Thọ, hành hương về Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam - An Giang, hành hương về tháp Pô Klông Garai - Ninh Thuận, hành hương đất Phật, quê Quốc Mẫu Tây Thiên - Vĩnh Phúc…

Du lịch tâm linh đang có xu hướng phát triển và mang tính chất bùng nổ trong thời gian tới.

(Còn tiếp)

TS Trần Hữu Sơn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›