Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão gần đây mạnh hơn, diện tích rừng suy giảm, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ bị lấp dần hoặc xóa sổ. Đặc biệt, bão số 3 và mưa lũ vừa qua đã khiến 26 tỉnh, thành phố chịu tác động thiệt hại cả về con người, tài sản và hạ tầng kinh tế, bị thiệt hại về rừng với 189.982 ha. Con số này còn chưa kể diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt do chưa thống kê được.
Theo các chuyên gia, rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất và nếu có độ che phủ rừng tốt, chất lượng rừng cao thì rừng sẽ là lá chắn bảo vệ con người trước những biến cố của thiên nhiên.
Hài hòa các mục tiêu phát triển rừng
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: So với 10 năm trước, năm 2023, diện tích rừng Việt Nam đã tăng từ 13,9 triệu ha lên 14,86 triệu ha và tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 41% lên 42,02%. Diện tích rừng trồng tăng từ 3,5 triệu ha lên 4,7 triệu ha, trong khi diện tích rừng tự nhiên giảm nhẹ từ 10,3 triệu ha xuống còn hơn 10,13 triệu ha. Khi độ che phủ rừng tự nhiên cao sẽ giúp ngăn chặn một phần lớn nước mưa, giảm thiểu nguy cơ xói mòn đất và lũ lụt, đặc biệt ở vùng đồi núi dốc. Độ che phủ giảm, tình trạng xói mòn và dòng chảy bề mặt tăng lên đáng kể, dẫn đến các vấn đề lũ lụt và sạt lở.
Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, diện tích rừng nguyên sinh như ngày xưa ở khu vực miền núi phía Bắc không còn nhiều. Đa phần diện tích này đã được khôi phục bằng các biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng mới.
“Đợt thiệt hại do bão số 3 vừa qua chính là bởi lượng nước quá lớn, ngấm vào trong đất sâu hơn cả tầng rễ cây rừng, kể cả những khu vực rừng tự nhiên chất lượng tốt. Khi nước đã ngấm sâu qua tầng rễ thì gây ra sạt trượt âm. Khi đó giá trị của phòng hộ cây rừng và đặc biệt là hệ thống rễ để ổn định kết cấu đất không còn tác dụng”, ông Hà Công Tuấn nêu ra.
Với những diện tích rừng dù đã khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới, ông Hà Công Tuấn cho rằng, vẫn chưa đạt đến độ tuổi khoảng 15 -20 năm trở lên thì bộ rễ chưa sâu và lớn để giúp kết cấu đất được tăng cường. Mặt nữa, tác động của phát triển kinh tế - xã hội buộc phải phát triển những công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện và những công trình dân sinh, như nhà dân ở chân núi, tạo ra kết cấu bị hẫng chân, gây sạt trượt rất cao.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm Lâm, các loại rừng đều có tác dụng phòng hộ. Đối với khu vực đầu nguồn đều được quy hoạch thành rừng phòng hộ và hầu hết là rừng tự nhiên. Rừng trồng chủ yếu khu vực hạ lưu, vùng núi thấp, gắn với phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của người dân. Quy hoạch cùng với chiến lược phát triển lâm nghiệp cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo các mục tiêu chính như: tỷ lệ che phủ rừng; năng suất, chất lượng rừng trồng; tăng chất lượng rừng tự nhiên để nâng cao sự phòng hộ, bảo vệ môi trường.
Không chỉ miền núi, ở ven biển những diện tích rừng phòng hộ được trồng nhiều năm qua, nhưng với sóng gió quá mạnh, vẫn gây gãy đổ cây rừng, sạt lở ven biển. Điển hình trên 64 ha rừng thông ở Quảng Ninh được trồng và chăm sóc hàng chục năm nhưng vẫn không thể chống đỡ được với sức gió giật cấp 17 của bão số 3.
Là địa phương bị thiệt hại về rừng lớn nhất vừa qua, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chia sẻ, thiệt hại sẽ làm giảm tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh rất mạnh, có thể trên 10%. Bình quân mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh chỉ trồng mới được khoảng 13.000 ha rừng tập trung. Nhưng bão số 3 vừa qua gây ra diện tích bị thiệt hại tương đương với 10 năm trồng rừng của địa phương. Quảng Ninh sẽ cần thời gian rất dài để khôi phục lại được rừng bị thiệt hại.
Tăng chất lượng, độ che phủ rừng
Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm đến đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều cơ chế, chính sách cùng với nguồn tài chính ngân sách cho lâm nghiệp cũng được tăng cường, như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam…Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những vùng khó khăn như miền núi phía Bắc, Trung Bộ hay Tây Nguyên… có diện tích rừng lớn thì mức đầu tư chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Theo ông Hà Công Tuấn, các chính sách đầu tư cho chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cần tính toán, hoàn thiện lại. Theo đó, cần tăng cường đầu tư cho việc khảo sát, đánh giá, giám sát chất lượng rừng cũng như suất đầu tư để người dân đủ tiền trồng những cây loại lâu năm có giá trị phòng hộ cao và có bộ rễ ngậm nước tốt. Nếu chỉ đầu tư từ 10-20 triệu đồng/ha thì người dân cũng chỉ có thể đầu tư vào trồng keo, bạch đàn.
Khu vực miền núi phía Bắc với địa hình đồi dốc, khi trồng rừng hay phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, trước hết cần đánh giá rất kỹ về địa chất. Lấy lượng mưa của những năm cực đỉnh như mưa sau bão số 3 vừa qua để hoạch định giải pháp chống sạt lở cao hơn. Phát triển rừng phòng hộ phải chọn những cây rừng có bộ rễ sâu, khả năng giữ nước tốt và tốt nhất là sử dụng những giống cây bản địa.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 đã xác định đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42-43%; giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.
Với mục tiêu trên, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, việc quy hoạch rừng phòng hộ phải được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, phải ưu tiên những khu vực có nguy cơ cao về xói mòn và sạt lở đất, nơi mà khả năng giữ nước và ngăn lũ; điển hình như khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở các vùng Duyên hải, đặc biệt là khu vực miền Trung, việc quy hoạch các khu rừng phòng hộ chắn gió, chắn sóng là cũng rất quan trọng do những khu vực này không chỉ đối mặt với bão lớn mà còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng xói lở bờ biển, tình trạng cát bay.
Theo ông Trần Quang Bảo, các tỉnh, thành phố dựa theo tình hình thực tế của địa phương, rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch lâm nghiệp.
Tags