Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt được Trung Quốc áp đặt nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những ảnh hưởng do lệnh phong tỏa được áp đặt hồi tháng 4 tại trung tâm tài chính Thượng Hải, trung tâm sản xuất ô tô tại Trường Xuân (thủ phủ của tỉnh Cát Lâm) và các nơi khác đã được chứng minh qua số liệu chính thức đầu tiên của tháng được công bố vào cuối tuần qua.
Theo các cuộc khảo sát về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.
Sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trở nên rõ ràng, với số liệu PMI cho thấy các nhà cung cấp phải đối mặt với sự chậm trễ lâu nhất trong hơn 2 năm qua trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng sản xuất.
Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.
Nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II sẽ suy giảm vì các đợt phong tỏa có thể sẽ diễn ra liên tục. Vấn đề quan trọng trong tương lai là chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiện nay như thế nào để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Với vị thế là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc có nguy cơ dẫn tới việc xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và bổ sung thêm một rủi ro khác đối với lạm phát toàn cầu.
Ông Mitul Kotecha, người đứng đầu bộ phận về chiến lược các thị trường mới nổi tại TD Securities, nhận định: "Có rất nhiều bằng chứng về áp lực nguồn cung ngày càng trầm trọng. Trong khi một số tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn do áp lực về logistics và chuỗi cung ứng".
Hiện tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 2/5 cho biết nước này đã ghi nhận 865 ca mới có triệu chứng và 6.957 ca không triệu chứng trong ngày 1/5.
Tâm dịch vẫn là Thượng Hải với 727 ca có triệu chứng và 6.606 ca không triệu chứng cùng 32 ca tử vong mới. Tại Thượng Hải, chính quyền thông báo có 6 quận đáp ứng các tiêu chí về không có sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Số ca mắc mới tại thủ đô Bắc Kinh cũng đang có chiều hướng gia tăng, làm dấy lên quan ngại về khả năng một lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt.
Bắc Kinh đã siết chặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 sau khi ghi nhận hàng loạt ca mắc trong các đợt xét nghiệm diện rộng đối với 22 triệu cư dân.
Các cư dân thủ đô hiện được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ để vào bất kỳ địa điểm công cộng nào trong kỳ nghỉ lễ nhân ngày Lao động quốc tế 1/5.
Việc ăn uống tại các nhà hàng bị cấm trong thời gian này và các địa điểm trong nhà bao gồm rạp hát, quán cà phê Internet và phòng tập thể dục sẽ tạm ngừng hoạt động.
Công viên giải trí Universal Studios ở Bắc Kinh cũng thông báo sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 1/5 để tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Phương Oanh/TTXVN
Tags