(Thethaovanhoa.vn) - Cơ hội để Đặng Trần Chỉnh trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là khi rời trường Năng khiếu Bóng đá năm 1982. Anh cùng 4 bạn học trong trường là Võ Hoàng Tân, Hà Vương Ngầu Nại, Vũ Văn Lâm, Phạm Văn Tám được đầu quân về Cảng Sài Gòn, nơi huấn luyện viên trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang đang dẫn dắt.
Cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn không ngờ mình đã gắn bó với thầy Tam Lang từ năm 1982 – 2002 (gián đoạn 3 năm treo giò: 1991 – 1994). Sự gắn bó định mệnh ấy đã đưa hai thầy trò lên đỉnh vinh quang nhưng cũng cùng nhau nếm trải không ít cay đắng. Sự gắn bó không cần nhiều lời giữa hai thầy trò, chỉ có điểm chung là tình yêu mãnh liệt dành cho bóng đá.
“Tâm ý không lời” của thầy dành cho trò Chỉnh!
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang quê ở Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình khá giả. Thầy Tam Lang rời gia đình lên Sài Gòn học một trường trung học rất nổi tiếng lúc bấy giờ là trường Petrus Ký. Sau đó, ông đươc tuyển chọn vào đội bóng đá Cảnh sát quốc gia và đội Tuyển Việt Nam Cộng Hòa.
Thời đầu quân về Cảng Sài Gòn, Đặng Trần Chỉnh đã đi qua được những năm tháng gian nan vì đã được vào biên chế về đội bóng. Tuy nhiên, mức lương mà anh nhận được khi đó, chỉ cao hơn mức lương công nhân một chút, gọi là lương chuyên viên. Còn chế độ ăn uống so với đời sống bên ngoài thì khá hơn nhưng với cầu thủ phải lao lực tập luyện, thì suất ăn ít ỏi đó chỉ có mỗi ưu điểm: được ăn no cơm còn thức ăn nhiều dinh dưỡng khác như cá, thịt, rau thì rất ít.
Về đầu quân cho thầy Tam Lang với vị trí tiền vệ tấn công, Đặng Trần Chỉnh không thể nào quên năm 1986 là khi đội Cảng Sài Gòn giành chức vô địch đầu tiên cho TP.HCM. Chiến công của thầy trò Phạm Huỳnh Tam Lang khi ấy làm nức lòng người hâm mộ!
Đặng Trần Chỉnh kể: “Sau khi đất nước thống nhất, giải vô địch bóng đá Việt Nam ra đời (1980) sau 6 năm tổ chức giải các đội bóng TP.HCM (Cảng Sài Gòn – Hải Quan – Sở công nghiệp – Công nghiệp thực phẩm…) chưa đội nào giành được chức vô địch.
Vì thế, khi Cảng Sài Gòn vô địch năm đó có ý nghĩa rất lớn đối với thầy trò về mặt tinh thần. Còn vật chất thì huấn luyện viên và cầu thủ cũng chẳng có gì ngoài phần thưởng một chiếc xe đạp Hữu Nghị. Ai cũng vui vì thời bao cấp, phần quà ấy là rất ý nghĩa.
Lễ mừng công chức vô địch năm 1986 cũng chẳng rầm rộ gì ngoài những lãnh đạo thành phố đến tham dự chúc mừng và bữa cơm chiêu đãi chức vô địch . Thời đó chỉ có vậy, chứ không được quan tâm lớn như bây giờ.
Gắn bó với thầy Tam Lang nhiều vậy nhưng trò Chỉnh chỉ hiểu tâm ý của thầy chứ ít khi nghe thầy nói ra hết những điều thầy nghĩ. Bởi thầy là người ngăn nắp, ít nói, kín kẽ và sự tương giao giữa hai thầy trò chỉ là ngầm hiểu nhau.
Ông kể bản thân có may mắn khi được thi đấu bên cạnh các lứa đàn anh nổi tiếng một thời như: Tư Lê - Lê Đình Thăng - Dương Văn Thà - Nguyễn Phúc - Phan Hữu Phát - Nguyễn Văn Thòn… Sau khi các cầu thủ ấy kết thúc sự nghiệp, Đặng Trần Chỉnh trở thành cánh chim đầu đàn của đội bóng.
“Tôi luôn nỗ lực hết mình vì bản thân mình cũng như trách nhiệm với thầy Tam Lang và đội bóng. Tôi luôn động viên – dìu dắt các em trẻ khi mới về đội để làm sao có 1 tập thể tốt nối tiếp các bậc đàn anh đi trước và luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả cả nước về một Cảng Sài Gòn với phong cách hào hoa. Tôi luôn học hỏi những gì tốt nhất từ người thầy Tam Lang từ chuyên môn đến tính cách con người” – Đặng Trần Chỉnh bồi hồi nhớ lại!
Sau này, cũng chưa bao giờ thầy Tam Lang nói sẽ dạy Đặng Trần Chỉnh trở thành huấn luyện viên bằng một phát ngôn chính thức bao giờ. Chỉ có một lần thầy nhắn nhủ: “Những gì thầy tập luyện, chỉ đạo trên sân, Chỉnh chú ý ghi chép cẩn thận vào nhé!”. Lời dặn dò đó của thầy như một bức “tâm ý không lời” dành cho Đặng Trần Chỉnh với niềm tin rằng sẽ có thế hệ kế tiếp mình trong tương lai.
Những buổi chiều sau bữa cơm tối, thầy Tam Lang hay có thói quen đi dạo để tìm cảm giác thư thái sau những áp lực căng thẳng. Sóng bước cùng thầy là trò Chỉnh, những câu chuyện ngắn gọn, kiệm lời của thầy Tam Lang nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm dành cho bóng đá.
Năm 2002, câu chuyện “cơ chế bóng đá chuyên nghiệp” đã mở cửa cho nhiều cầu thủ của Cảng Sài Gòn tìm miền đất hứa. Năm 2001, Cảng Sài Gòn vô địch V-League đầu tiên thì năm 2002 rớt hạng.
Sự rớt hạng chóng vánh ấy là “điềm báo” của thời thế đã thay đổi. Lúc ấy, thầy Tam Lang xin nghỉ về làm Giám đốc kỹ thuật cho CLB bóng đá Thành Long. Hai thầy trò thường liên lạc với nhau qua điện thoại bàn, hoặc thi thoảng Đặng Trần Chỉnh có đến gặp thầy xin tư vấn về phương pháp huấn luyện cũng như các vấn đề chiến thuật chưa hiểu.
Hai mươi mấy năm gắn bó với đội Cảng Sài Gòn cho đến lúc rời đi, thầy Tam Lang hiểu rằng bóng đá chuyên nghiệp so với bóng đá thời kỳ bao cấp khác rất nhiều.
Huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh kể: “Ngày 5/6 là ngày thành lập CLB Cảng Sài Gòn. Vào ngày đó hàng năm anh em hội ngộ và đi đón thầy đến dự. khi đó sức khỏe thầy yếu hơn nhiều, phải có người đến nhà chở thầy đi”.
Những giây phút cuối đời của thầy Tam Lang, thầy chịu nhiều đau đớn vì bệnh viêm đa khớp, đi lại rất khó khăn. Thầy ra đi trong sự tiếc thương của bạn bè người hâm mộ bóng đá nước nhà và đặc biệt là các cổ động viên (fan) yêu mến đội Cảng Sài Gòn trên cả nước .
Thăng trầm trong bóng đá, bình dị ở gia đình
Sau chức vô địch V-League đầu tiên 2001 – 2002 thì một năm sau đội Cảng Sài Gòn rớt hạng. thầy Tam Lang xin nghỉ vì lý do sức khỏe, đội Cảng Sài Gòn đươc ghép tên thành Thép miền Nam – Cảng Sài Gòn.
Từ năm 2002 Đặng Trần Chỉnh là huấn luyện viên trưởng TMN - Cảng Sài Gòn và đưa con thuyền trở lại mái nhà xưa (vô đich hạng 1 và thăng hạng V.League 2003-2004). Suốt thời gian từ 2002 - 2006 ông làm việc cho đội bóng Thép miền Nam – Cảng Sài Gòn là biết bao nhiêu tâm huyết của người học trò xuất sắc mà thầy Phạm Huỳnh Tam Lang đã tin tưởng gửi gắm. Sau năm 2006, Đặng Trần Chỉnh về Becamex Bình Dương làm Giám đốc kỹ thuật đào tạo trẻ và gắn bó đến hôm nay là 16 năm.
Nói về những khen chê dành cho mình, Đặng Trần Chỉnh tâm sự: “Tôi không dùng facebook, zalo để bớt đi những tác động ngoài ý muốn để tập trung toàn diện cho chuyên môn bóng đá. Tôi cũng không có thói phê phán ai. Tôi nghĩ mọi thứ mình làm thì hãy để cho mọi ngươi nhận xét và nhìn nhận”.
Ông cũng căn dặn học trò: “Mình là cầu thủ, được truyền thông dư luận quan tâm hơn người bình thường. Và là người của công chúng tất cả việc làm cũng như phát ngôn của chúng ta phải thật cẩn trọng, đừng để đánh mất hình ảnh chính mình”.
***
Bình luận viên Quang Huy nói về huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh ngắn gọn: “Chỉnh là 1 trong 10 gương mặt bóng đá hàng đầu sau giải phóng”.
Giống như thầy Phạm Huỳnh Tam Lang, đời tư của huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh giống như một ốc đảo, ông đặt nó tránh xa khỏi ồn ào, thị phi, khen chê của nghiệp quần đùi áo số. Với ông mỗi người một công việc để mưu sinh kiếm sống lo cho bản thân và gia đình. Ngoài công việc này ra thì ông cũng chẳng có nghề tay trái hoặc một nghề nào khác.
Tuy nhiên ông cũng thầm cảm ơn cái nghề bóng đá cũng cho ông nhiều thứ hơn những người bình thường làm công việc khác. Dẫu vậy ông cũng phải chịu nhiều áp lực khủng khiếp về tinh thần và mệt mỏi thể xác. Vợ ông, người phụ nữ là giáo viên dạy tiếng Pháp, kém chồng 5 tuổi, luôn đợi ông trở về trong hành trình Bình Dương – Sài Gòn.
Đặng Trần Chỉnh ở sân bóng hò hét khản cổ là vậy nhưng khi trở về gia đình, ông lại xắn tay áo vào bếp để làm một bữa cơm thật ngon cho gia đình. Hoặc những phút thảnh thơi ngồi tâm tình với bố vợ. Những ngày cuối tuần ông thường xỏ giày ra sân đá bóng với các cựu tuyển thủ thành phố để thư giãn cũng như gặp gỡ bạn bè. Với ông, gia đình là không gian yên tĩnh, riêng tư, nơi ông được giản dị là chính mình.
“Ghế HLV Việt Nam 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân”, câu nói của ông đến nay xem ra vẫn còn giá trị.
Lý Thu Thủy
Tags