Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia

Thứ Bảy, 07/01/2023 14:32 GMT+7

Google News

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 6/1.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia...

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến rất sôi nổi và toàn diện về vấn đề Quy hoạch tổng thể quốc gia. Chính phủ đã có báo cáo giải trình đối với một số vấn đề các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu trong thời gian qua.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Định hướng lớn xây dựng đất nước hùng cường

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với việc Quốc hội dự kiến ban hành Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo và khẳng định, đây là nội dung quan trọng, cần thiết để làm cơ sở triển khai, lập nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương.

“Đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường”, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Khẳng định dự thảo Quy hoạch có cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn vững chắc, đại biểu bày tỏ đồng tình trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp này, đưa ra định hướng lớn và cấp bách. Đại biểu cũng lưu ý đến yêu cầu về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá, thuận lợi giám sát và thực hiện.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, thể hiện nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định. Việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng, cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng quy hoạch thì quy hoạch mới có tính bền vững, lâu dài.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn, tránh dàn trải

Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tiễn, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn, tránh dàn trải.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng: Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau. Theo đại biểu, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

“Khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì mới có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, tôi lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch, bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, về phát triển các thành phố lớn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng của đất nước.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang), trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề về mục tiêu, định hướng, quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản (công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp…) theo 6 vùng kinh tế trọng điểm như một số chỉ tiêu, quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, sản lượng của các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp… cần được trình bày cụ thể hơn nữa, làm cơ sở thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh.

“Những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng. Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế”, đại biểu Lý Thị Lan phát biểu.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không lặp lại các hệ lụy do lập quy hoạch không sát thực tiễn; có khung số liệu phục vụ cho việc xây dựng những kịch bản tăng trưởng khả thi, đồng thời có những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách mang tính khả thi cao.

Các đại biểu cũng kiến nghị trong quy hoạch cần đề cập sâu hơn việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm.

Tạo ra động lực phát triển mới

Cuối phiên thảo luận sáng 7/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy đa số ý kiến thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mở nhiều vấn đề để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

“Quy hoạch đã đảm bảo tuân thủ cũng như là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này cũng là quy hoạch theo Điều 22 của Luật Quy hoạch, xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước”, Bộ trưởng cho biết.

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn, tránh trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường. Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Việt Đức/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›