(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, sáng 2/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt thứ 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đầu giờ sáng, làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã dành phút mặc niệm những cán bộ, chiến sỹ hy sinh và người dân tử nạn trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua.
* Đau thương, mất mát không gì bù đắp được
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, năm 2020, nước ta liên tiếp hứng chịu các đợt thiên tai lịch sử; trong đó kể từ đầu tháng 10 đến nay, tại nhiều tỉnh miền Trung dồn dập xảy ra các đợt bão, lũ lớn, kéo dài nhiều ngày, trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
“Trong các đợt mưa lũ, bão lớn, chúng ta vô cùng đau đớn, xót xa khi những vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người sâu dưới hàng mét đất đá; nhiều người bị lũ cuốn trôi hoặc mất tích ngoài biển khơi... Đặc biệt là vụ sạt lở vùi lấp nhiều người tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm này, có hàng trăm đồng bào đã tử nạn và mất tích, nhiều người vẫn chưa được tìm thấy, có em nhỏ không còn cha mẹ, có gia đình bị vùi lấp toàn bộ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là đau thương, mất mát không gì bù đắp được của gia đình người dân bị tử nạn; thân nhân của các cán bộ đã hy sinh; cũng là mất mát to lớn của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân.
Phát biểu mở đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến nay, Kỳ họp thứ 10 đã đi được 1/3 chặng đường với 6 ngày làm việc, rút ngắn được 1 ngày so với dự kiến ban đầu, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1. Việc họp trực tuyến được tổ chức thực hiện chu đáo, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu quả.
Quốc hội đã thảo luận về 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2020; nghe trình về 4 dự án luật khác, các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kết quả thực hiện Nghị quyết số 100 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Về nội dung đợt 2 của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ thông qua các Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, nghị quyết kỳ họp... trong đó những chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp nền kinh tế vượt qua các khó khăn do thiên tai, đại dịch gây ra. Quốc hội xem xét quyết định các vấn đề về nhân sự (bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Phạm Phú Quốc, miễn nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ và phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Quốc hội tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đồng thời, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và một số nội dung quan trọng khác.
* Mục tiêu hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh
Trong chương trình làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Các đại biểu nhận định, bước vào năm 2020, nước ta gặp nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng hành, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đồng tình ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước vượt qua những thách thức.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo tăng trưởng dương. Thực tế 9 tháng năm 2020, nước ta đạt mức tăng trưởng GDP 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4 %, các cân đối lớn được đảm bảo. Đại dịch COVID-19 xảy ra, tổng cầu giảm, thương mại thế giới giảm 20-30%, nhưng quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Chỉ có 4 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức tăng trưởng xuất khẩu dương là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Việt Nam được thế giới ca ngợi là ngọn hải đăng trong chống dịch và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo phân tích của đại biểu, Việt Nam đã tận dụng được thời cơ của hội nhập quốc tế, tận dụng được những lợi thế trong 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đánh giá về con số tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tập trung đẩy mạnh đầu tư công nên phần nào đã thu hút được nguồn lực xã hội, kéo theo đầu tư chung của toàn xã hội tăng lên. Từ nay cuối năm, nếu tình hình diễn biến tiếp tục tốt, đầu tư công có thể đạt tỷ lệ khá cao, nguồn lực xã hội được huy động thêm và tốc độ tăng vốn đầu tư của toàn xã hội tăng; không có tác động bởi những làn sóng mới của dịch COVID-19 sẽ kéo tăng trưởng chung của nền kinh tế lên khoảng 3%.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, năng lực của nền kinh tế được cải thiện tốt, khi tăng trưởng xuất khẩu của kinh tế trong nước tăng, trong khi đó xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm.
Về kế hoạch năm 2021, có ý kiến cho rằng, với bối cảnh thế giới và trong nước chưa rõ nét về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình Quốc hội thảo luận là tăng trưởng GDP 6%. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.
Theo các đại biểu, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép là phù hợp, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh, bởi nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì mục tiêu phát triển kinh tế cũng không đạt được. Từ bài học ở Đà Nẵng, đại biểu đề nghị kiểm soát tốt việc nhập cảnh, xử phạt nặng với người Việt Nam đưa người nước ngoài vào mà không được cấp phép. Về kinh tế, cần đẩy mạnh triển khai đầu tư công, đẩy nhanh các gói hỗ trợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thông qua các hình thức trực tuyến để hàng hóa đi ra nước ngoài, có cơ chế thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao.
Các đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trần Hoàng Ngân… đề nghị, Chính phủ nên sử dụng nguồn quỹ dự phòng của năm 2020 để hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, có giải pháp giúp người dân khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Chu Thanh Vân - TTXVN
Tags