(Thethaovanhoa.vn) - Khi việc học của học sinh đang dần trở thành cuộc đua của chính phụ huynh thì kỳ nghỉ hè của học sinh hầu như không diễn ra trọn vẹn theo đúng nghĩa, nhất là học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội.
- Nghỉ Hè bao lâu để 'lòng man mác buồn'?
- Học sinh nghỉ hè trọn 3 tháng: Vì một mùa Hè không bị 'bớt xén'
Vẫn điệp khúc học
Kết thúc năm học, trái ngược với sự hồ hởi của học sinh, nhiều phụ huynh lo lắng với việc quản con mùa hè, lo việc học thêm cho con. Bởi vậy, nhiều cha mẹ sớm lên lịch học, tìm những địa chỉ tin cậy cho con học thêm.
Ngoài việc duy trì địa chỉ học thêm mà con đã theo học trong năm, các bậc phụ huynh còn chạy đôn đáo các trung tâm tìm thầy uy tín để lấp lỗ hổng kiến thức cho con nếu con học chưa tốt hoặc nâng cao kiến thức nếu sức học của con đã khá. Thế nên, kỳ nghỉ lễ của học sinh chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 - 3 tuần, sau đó lại tiếp tục hành trình học.
Theo cách nhìn nhận của các phụ huynh, không gian ở thành phố chật hẹp, không nhiều chỗ vui chơi, xe cộ lại đông đúc và sẽ trở thành nỗi lo nếu để con ra ngoài chơi thoải mái. Còn nếu để chúng ở trong nhà suốt cả ngày thì bản thân nó sẽ chán, rồi suốt ngày xem ti vi, chơi điện tử.
Gia đình nào có điều kiện cho con về quê, đi du lịch cũng chỉ mất vài ngày, trong khi cả kỳ nghỉ hè dài tới vài tháng nên giải pháp tốt nhất là cho đi học để củng cố và nâng cao kiến thức, tránh tụt hậu so với các bạn trong lớp. Thế nên, nghỉ hè đối với đa phần học sinh Hà Nội là tham gia các lớp học thêm, thậm chí tới 3 - 4 lớp khác nhau.
Có con học một trường cấp hai, chị Hoàng Khánh Phương, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Nghỉ hè mà không cho bọn trẻ đi học thêm, suốt ngày chúng nó xem ti vi, chơi điện tử thì càng tai hại. Hơn nữa, hai vợ chồng đi làm cả ngày, không thể quản lý con tốt, chúng nó làm gì bố mẹ cũng không biết”.
Vì vậy, lịch trình được gia đình chị đưa ra là tìm được chỗ học hè cho con càng sớm càng tốt. Thằng con của chị hết đi học Toán, Văn đến tiếng Anh gần kín cả tuần. Trưa nào chị cũng tranh thủ từ cơ quan về nhà lo cơm nước, kiểm tra con. May mắn là con chị tự đi xe đạp đi học được, các trung tâm học thêm cũng gần nhà nên chị Phương cũng an tâm phần nào.
Với học sinh, mặc nhiên chúng quen thuộc với khái niệm mùa hè là thời gian đi học thêm nhiều. Em Nguyễn Ngọc Ánh, trú tại phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho rằng, nhiều khi em muốn nghỉ hè được chơi thoải mái nhưng bố mẹ cứ ép học, vừa học ở nhà, vừa học ở trung tâm. Bởi theo bố mẹ em, nếu không học sẽ không theo kịp các bạn trong lớp, ngày sau không thi vào được lớp tốt, trường tốt.
Trả lại những ngày hè ý nghĩa
Trước thực tế ngày càng nhiều học sinh không có trọn vẹn những ngày hè ý nghĩa, các nhà giáo dục đều cho rằng đó là một thiệt thòi lớn cho trẻ. Sau 9 – 10 tháng học trong năm, kỳ nghỉ hè là thời gian để các em thư giãn đầu óc, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thể dục thể thao theo ý thích.
Bên cạnh các gia đình không có nhiều thời gian hoặc không để ý tạo cho con niềm vui trong ngày hè, còn có những gia đình biết cố gắng thu xếp thời gian ít ỏi để các con tham gia nhiều hoạt động bổ ích.
Đó là cho con tham gia các học kỳ quân đội, tham gia học bơi, học võ, các lớp năng khiếu nghệ thuật, các lớp học kỹ năng sống… Đó cũng là cách để học sinh trải nghiệm thực tế, học cách giao tiếp xã hội, hoàn thiện nhân cách của chính mình, tạo tinh thần sảng khoái cho học sinh bên cạnh những tháng này phải tải những kiến thức khô khan trên lớp.
Ngay từ đầu tháng 6, chị Nguyễn Thị Hương, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ đăng ký cho con tham gia Học kỳ quân đội với thời gian kéo dài 12 ngày, huấn luyện tại Vĩnh Phúc. Mặc dù thương con không khi nào xa nhà nhưng chị vẫn kiên quyết cho đi để cháu trưởng thành hơn. Ngay cả học lực năm vừa qua của con trai cũng không thực sự tốt nhưng với chị, trước tiên con phải có ý thức tốt, có nhân cách tốt thì mọi việc khác sẽ tốt theo.
Còn em Nguyễn Ngọc Mai, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình lại được mẹ cho theo học một lớp nấu ăn. Cho dù học phí không hề rẻ, 3 triệu/khóa, nhưng mẹ em quan niệm đã là con gái phải biết nữ công gia chánh, biết càng sớm càng tốt để phục vụ gia đình và cuộc sống sau này, nên mẹ vẫn quyết định cho em theo học.
Mẹ Nhật Mai cũng cho em chơi thoải mái tháng hè đầu tiên và chỉ bắt đầu đi học bồi dưỡng kiến thức khi sang tháng 7. Bởi vậy, kỳ nghỉ hè luôn là sự mong đợi, háo hức của em.
Ngay khi các trường chuẩn bị kết thúc học kỳ II, nhiều trung tâm Anh ngữ, các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao… xây dựng hoạt động hấp dẫn, tích cực quảng cáo đến các trường học để thu hút học sinh. Tuy vậy, số lượng học sinh theo học các trung tâm, câu lạc bộ này không nhiều.
Cũng từ tháng 5, khi các trường chuẩn bị nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có công văn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo về tổ chức các hoạt động hè cho học sinh.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để tạo một mùa hè bổ ích cho học sinh, Sở khuyến khích các trường học trên địa bàn thành phố mở cửa trường, mở cửa thư viện cho học sinh vào đọc sách, vui chơi trong dịp hè, tham gia các hoạt động hè. Hiện nay, quận Cầu Giấy là đơn vị thực hiện rất tốt hoạt động này.
Tuy vậy, để tạo một mùa hè bổ ích cho học sinh không chỉ là tạo các hoạt động vui chơi cho các cháu mà quan trọng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, huy động phụ huynh cùng tham gia, để các mùa hè đến với học sinh vẫn mang nhiều ý nghĩa.
TTXVN/Đinh Thị Thuận
Tags