"Dương Bích Liên rời khỏi thế gian ở tuổi 64 (năm 1988). Chưa phải là nhiều nhưng ông đã sống trọn vẹn, dâng đời tiếng nói nghệ thuật độc đáo của riêng mình" - đó là nhận xét của họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong buổi giao lưu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024) cuối tuần qua.
Buổi gặp gỡ và giao lưu mang tên Ánh chớp thầm lặng, diễn ra tại Bảo tàngMỹ thuật Việt Nam, trong sự thương nhớ họa sĩ từ bạn bè, người thân và những diễn giả.
Những khoảng trống trong tranh
Là một trong bộ tứ danh họa nổi tiếng (cùng Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái), Dương Bích Liên đã đồng hành với nền nghệ thuật Việt Nam trong gần một thế kỷ. Ông sinh năm 1924, một năm trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời.
Như nhiều thanh niên trí thức bấy giờ, hành trình nghệ thuật của Dương Bích Liên gắn với lịch sử và những biến động xã hội. Ông đã đón nhận những tri thức thẩm mỹ mới từ phương Tây, thuần thục trong những thể loại và chất liệu mới nhưng cũng luôn ưu tư, khát khao canh tân khi không xa rời mạch ngầm thẩm mỹ truyền thống.
Họa sĩ Dương Bích Liên đã vẽ trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, bột màu, giấy… với nhiều đề tài mà những bút pháp khác nhau đã làm nên đĩa màu cảm xúc của ông dành cho các hình tượng trong tác phẩm. Không những thế, ông còn là một trí thức khi đọc và học rất nhiều.
Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê - người có cơ hội gần gũi ông nhiều năm - danh họa này là một hiện tượng điển hình nhất của sự giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật và bút pháp. Kiên định với cái nhìn duy mỹ và trung thực với cảm xúc nội tâm, tranh Dương Bích Liên nặng về hoài cảm, là sự chắt lọc của ký ức, là sự thẩm thấu đến nhập tâm của một con người đã coi "cái đẹp là sự cứu rỗi tâm hồn và số phận".
Trong các tác phẩm của danh họa, Hào là một trường hợp vô cùng lận đận khi qua tay nhiều người, trôi nổi nhiều nơi cùng cái nhìn không chuẩn xác từ đánh giá nghệ thuật thời bấy giờ. Nhưng, Hào lại mang "tầm nhìn" đi trước thời đại của danh họa ở những khoảng trống nghiêng về ước lệ.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương: "Hào có tạo hình giao thông hào là hình học đồ họa, có sáng, có tối, đậm, nhạt nhưng không phải tả thực. Khoảng trống trong tranh vẫn nghiêng về hiện thực dù hiện thực không đẹp. Nhưng nói như Trần Dần thì đây là tác phẩm quá hay!".
Về phần mình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng đây còn là "dấu vết lịch sử" để thế hệ làm nghệ thuật hiện nay vừa được thừa hưởng về chuyên môn, vừa thấy được sự vất vả của những bậc tiền bối khi bảo trọng phẩm cách nghệ thuật của mình trước những thử thách, những cái nhìn thiên kiến của lịch sử.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê nhận định: Hội họa của Dương Bích Liên là sự pha trộn tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng. Tranh ông mang cảm hứng lãng mạn, trữ tình của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy, dẫu hiện thực đổi thay, dẫu biến thiên lịch sử.
"Nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man tri thức" - nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân.
Khiêm nhường trong nghệ thuật
Theo ông Dương Quân, cháu ruột gọi Dương Bích Liên bằng bác,sinh thời, những tác phẩm của họa sĩ ít được người trong gia đình biết đến, nhưng những kỷ niệm của ông với người thân thì không bao giờ phai mờ.
"Khi chừng 5 - 6 tuổi, tôi được bố chở vào chỗ bác làm việc. Bố tôi biếu bác mấy thứ, có bơ Pháp, bút vẽ, màu vẽ nhưng bác không lấy thứ gì. Bác bảo đem bút và màu về cho anh trai tôi vì ông dùng loại khác. Anh trai tôi có lần được bác cho làm mẫu thì nhớ cách vẽ của bác rất... khó hiểu. Vì bác vẽ được một đoạn lại giật giấy, vò vất xuống đất" - ông kể - "Còn tôi cũng có lần nhờ bác vẽ mình nhưng khi đó ông nhìn tôi "lạnh" như hòn đá và bảo không. Tuy bị bác từ chối vẽ cho mình nhưng khi tôi mời bác uống rượu thì bác nhìn tôi đầy hào hứng và hỏi ngay: Uống rượu gì?".
Với đồng nghiệp, danh họa là một người khiêm nhường trong nghệ thuật, 2 lần từ chối không tổ chức triển lãm cá nhân như đề nghị của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, đó là sự "tự co, tự siết mình lại" để làm nghệ thuật của Dương Bích Liên. Và càng nhớ tới ông, người quen thân lại càng không quên được bước đời kham khổ, nhẫn nhịn của một người không gia đình, không con cái.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhớ lại: Sau 49 ngày mất của họa sĩ Dương Bích Liên, không hiểu vì sao bàn thờ, bát hương của họa sĩ Dương Bích Liên bị đem bỏ lại ngoài phố. Bà Đặng Thị Khuê cũng cho biết mình đã thấy bàn thờ và đôi giày nhà binh của họa sĩ Dương Bích Liên đi trong nhiều năm bị chủ nhà mới bỏ lại ở ven đường, đoạn dốc 55 Bà Triệu. Khi đó, bà đã báo với người của Hội Mỹ thuật Việt Nam để đến lấy về. Bây giờ, bàn thờ và đôi giày của ông hiện vẫn còn được lưu giữ ở trong kho của Hội.
Và từ tên gọi Ánh chớp thầm lặng của tọa đàm, họa sĩ Lê Thiết Cương nói rằng, nên gọi họa sĩ Dương Bích Liên là "khoảng trống thầm lặng". Còn theo họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, nên gọi ông là "cơn bão thầm lặng".
Và chắc hẳn, vẫn còn nhiều cách gợi nhớ về họa sĩ Dương Bích Liên hơn thế. Bởi như lời họa sĩ Đặng Thị Khuê, việc các thế hệ sau tôn vinh họa sĩ Dương Bích Liên là một sự đánh giá công bằng của lịch sử mỹ thuật. Nó cho thấy mọi giá trị đều bình đẳng trước thời gian, và công chúng luôn là trọng tài vô tư nhất đối với nghệ thuật.
"Di sản" hiếm hoi
Dương Bích Liên không để lại nhiều tác phẩm. Hiện tại, số lượng tranh bản gốc của ông do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nắm giữ chỉ có 8 bức, trong đó có các tác phẩm như Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, Mùa lúa chín... Còn một số tác phẩm như Chiều vàng, Tóc ngắn, Nữ bác sĩ, Chân dung bà Yến, Thiếu nữ và hoa cúc trắng, Mùa Thu và thiếu nữ, Đi cấy, Chiều biên giới, Làng ven sông hiện đang thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tầm Hào Hải; Lều hoang thuộc bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn; Hào thuộc bộ sưu tập của Hà Thúc Cần và Lê Tấn Trọng Nghĩa.
Vài nét về Dương Bích Liên
Họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 - 12/12/1988) sinh ra tại Hà Nội, nguyên quán thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình trí thức nho học.
Năm 16 tuổi, Dương Bích Liên đã là sinh viên khóa cuối cùng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940 - 1945). Khi đó, dấn thân với lý tưởng cách mạng và nghệ thuật, họa sĩ Dương Bích Liên rời gia đình lên chiến khu tham gia trong những đoàn văn công, văn hóa, kịch, làm báo vệ quốc đoàn... Năm 1948, tác phẩm Thiếu nhi đi khai hoang của ông giành giải Nhì tại triển lãm hội họa kháng chiến.
Năm 1952, trong những ngày được ở gần Bác Hồ, ông đã giữ được những ấn tượng sâu đậm về Bác và lưu lại trong tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc- bức vẽ giành giải Nhất ở triển lãm toàn quốc 1980, nay được công nhận là Bảo vật quốc gia, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.
Họa sĩ Dương Bích Liên được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Tags