(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/1 (tức ngày 25/11 năm Đinh Dậu), tại Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ (núi Bân, phường An Tây), UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kỷ niệm 229 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
- 228 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế: Khí thế lấp núi Bân làm đàn tế cáo
- Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em: Lịch sử không chỉ là những cái tên
Buổi lễ diễn ra ấn tượng với màn "Trống hội núi Bân" và các hoạt cảnh chiêu quân, tế trời đất, lễ đăng quang, luyện binh, xuất quân và biểu diễn các tiết mục võ cổ truyền Tây Sơn của các võ sinh tại Huế. Buổi lễ phần nào tái hiện ký ức hào hùng, ý chí sắt đá của đoàn quân bách chiến, bách thắng đã cùng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan hàng chục vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ bờ cõi, non sông gấm vóc Việt Nam…
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế nhấn mạnh: Ngày 25/11 năm Mậu Thân, cách đây 229 năm, nghe tin 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, đánh chiếm Thăng Long, tại núi Bân, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung để quy tụ lòng dân.
Ngọn núi Bân cao ngất trời lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi, điều binh thần tốc ra trận tuyến đánh giặc, giải phóng Kinh thành Thăng Long. Chiến thắng này được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Sau thắng lợi lịch sử ấy, suốt hơn 10 năm sau đó (1789 - 1801) Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thời Tây Sơn. Di tích lịch sử núi Bân, phường An Tây, thành phố Huế, đã được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1988.
Để tôn vinh vị anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn đối với đất nước, thành phố Huế đã xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ tại di tích lịch sử núi Bân (hay còn gọi là núi Ba Tầng. Đây là nơi Nguyễn Huệ trước lúc xuất quân ra Bắc đã lên ngôi và lấy niên hiệu Quang Trung vào cuối năm 1788.
Khu tưởng niệm có diện tích 9,5 ha, với nhiều hạng mục, trong đó có tượng đài đặc tả chân dung người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ thực hiện. Tượng đài có chiều cao 21 m, thân tượng cao 12m, chất liệu đá thanh được làm từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng trọng lượng từ 10 - 60 tấn.
Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ tại thành phố Huế còn là nơi thắp lửa truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ toàn vẹn giang sơn, đất nước.
TTXVN/Quốc Việt
Tags