(Thethaovanhoa.vn) - 5 giờ chiều, nhìn từ cửa sổ căn nhà số 11, phố Dathes, thị trấn Choisy Le Roi (Pháp), tuyết rơi lắc rắc. Như mọi ngày, từng đoàn xe vẫn nườm nượp về nhà trong giờ tan tầm. Nhưng đây là thời khắc đặc biệt khiến cả những người bận rộn nhất của phái đoàn ngoại giao của ta dời trụ sở tới quảng trường lớn Paris.
Bởi chỉ khoảng một tiếng nữa (6 giờ chiều), tại nơi đây, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và kiều bào ta tại Pháp sẽ cùng đón thời khắc giao thừa thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc với đồng bào Tổ quốc đang cách xa vạn dặm.
Xuân xa quê
Đó là ký ức của ông Lưu Văn Lợi (thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thư ký lâu năm của ông Lê Đức Thọ) về cái Tết xa quê đầu tiên của phái đoàn ta tại Paris (Xuân Kỷ Dậu - 1969). Ông kể: “Lúc đó độ 6 giờ chiều (giờ Paris) vừa đúng 12 giờ đêm giao thừa ở Hà Nội, cả quảng trường lớn Paris hơn 300 người im phăng phắc. Tất cả đều háo hức đợi chờ phút giao thời thiêng liêng…”.
Ông Lưu Văn Lợi
Rồi đồng chí Xuân Thủy đọc vang bài thơ chúc Tết của Bác gửi phái đoàn Paris: “Xuân Gà túc tác đến nơi/ Gửi người thân thiết mấy lời mừng Xuân./ Gà Xuân túc tác rạng đông,/Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.” Sự quan tâm của Bác khiến cả đoàn xốn xang, xúc động. Lúc đó, lòng những người cách xa xứ sở cả 6 múi giờ bỗng thấy như hòa mình vào cái Tết thời chiến quê nhà. Lúc này ở khắp các mặt trận: trên rừng sâu, trong lòng phố, dưới hầm ngầm…tất cả đều đang nghe tiếng thơ chúc Tết của Bác và cùng chung ý chí và ước vọng cho giang sơn gấm vóc…
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối phái đoàn Paris nhận được sự động viên từ Bác trong ngày Tết. “Mùa Hè năm đó, tôi đã cùng ông Lê Đức Thọ vào thăm Bác lần cuối”- ông Lợi rưng rưng nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Đón Tết xa quê song chúng tôi không quá buồn tủi. Bởi bà con kiều bào đều đến thăm và biếu quà Tết. Những cuộc gặp ngắn ngủi, những món quà đơn sơ, những câu chúc dung dị song lại có giá trị rất lớn. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng đến vậy!”.
Trong 5 năm ròng đàm phán và đón xuân xa quê, có những lúc, cả đoàn phải bỏ cả Tết để quay lại công cuộc cam go. Xuân 1971, cả đoàn đang vui xuân ấm cúng với những tiết mục văn nghệ gợi nhớ quê nhà do thành viên phái đoàn và bà con Việt kiều tự biên tự diễn lại nhận được điện bất ngờ của Tổng thống Mỹ. Mục đích của họ cũng vẫn là ra điều kiện "có đi có lại" với ta (ta đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, Mỹ cũng đòi ta rút quân giải phóng khỏi miền Nam) .
Cố vấn Lê Đức Thọ (bìa trái) và cố vấn Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Tư liệu
Và một “mùa Xuân đầu tiên”
Tết năm 1973 là một cái Tết đặc biệt. Tết diễn ra khi Mỹ vừa kết thúc đợt dội bom B-52 vào Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gây căm phẫn thế giới. Và Tết năm ấy cũng là lúc Hiệp định Paris vừa được ký chưa ráo mực. Đây cũng là mùa xuân cuối cùng phái đoàn Việt Nam ở Paris với bao sự đồng tâm trợ lực của kiều bào yêu nước sau 5 năm ròng đấu tranh.
Hôm ấy, ngoài phái đoàn và Kiều bào còn có hơn 6.000 người Pháp và các quan chức Pháp, quốc tế cũng đến vui Tết với phái đoàn Việt Nam tại Paris. Họ đã cùng cất cao tiếng hát ủng hộ và chia sẻ mất mát với Việt Nam. Có người đã phải thốt lên rằng: “Giữa những làn đạn, người Việt vẫn gắng gỏi vui Tết cổ truyền thì làm sao người Mỹ thắng được các bạn bằng phương pháp man rợ ấy!”.
Ông Lợi nhớ lại, Tết năm 1973, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ăn Tết ở ba nơi. Tại Paris, các thành viên trong đoàn được ăn một cái Tết cực lớn do Hội Việt kiều tại Pháp tổ chức. Một trong những người đến sớm nhất là diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda, kế đó là nhiều văn nghệ sĩ và nhân dân yêu chuộng hòa bình quốc tế. Họ đến gặp mặt, chia vui và cũng là gửi lời chào tạm biệt tới phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phái đoàn trước đấy "bí ẩn" tới mức báo giới phương Tây ví von là "dòng tu kín").
Đến sáng 26/1, cố vấn Lê Đức Thọ về Moskva. Một bữa tiệc thịnh soạn chào đón đoàn cũng được tổ chức tại đây. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mít tinh hoành tráng ở Nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo đến dự.
Sau đó đoàn quay lại đón đồng chí Nguyễn Duy Trinh rồi cả đoàn cùng về Việt Nam. Trên đường về, đoàn dừng lại ở Trung Quốc để tiếp nhiên liệu đúng 30 Tết.
Đoàn về nước đúng hôm mùng 1 Tết, vừa vặn "xông đất" Việt Nam. Có một sự kiện khá đặc biệt vào mùa xuân năm 1973 năm đó. Sau khi hoàn thành Hiệp định, Kissinger đến thăm Hà Nội. Người đón tiếp ông lại là người bên kia chiến tuyến ngoại giao đấu tranh với ông suốt 5 năm qua - cố vấn Lê Đức Thọ.
Trong bữa tiệc ngoại giao đầu Xuân, Việt Nam đón tiếp phái đoàn Mỹ món cơm tám, giò chả. Kissinger hỏi: “Trong bữa ăn có món rượu được nút bằng lá chuối khô mà các ngài thường gọi là “quốc lủi” không? Đồng chí Lê Đức Thọ nói: “Nếu ngài thích thử rượu đó!”. Kissinger nói: “Tôi nghe người Nga gọi thứ rượu đó là Vodka của Việt Nam”.
Thế là trong tiệc chiêu đãi khách quốc tế những chai rượu sủi tăm nút lá chuối khô được bày ngay ngắn trên bàn tiệc. Vừa tợp một hớp, ngài Kissinger đã tấm tắc khen hết lời về cái ngọt êm của rượu "quốc lủi". Hai ông cố vấn nói cười rôm rả trong nắng xuân Hà Nội.
Đó cũng là khung cảnh cuối cùng khép lại những mùa Xuân đằng đẵng đấu tranh tại Hội nghị Paris và dần mở ra những mùa Xuân hòa bình...
(Còn nữa)
Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa