Ngày 9/5, Liên bang (LB) Nga kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ngày này mang ý nghĩa thiêng liêng không chỉ ở Nga mà còn ở các quốc gia khác thuộc Liên Xô trước đây cũng như trên thế giới.
Vào Ngày Chiến thắng, mọi người dân Nga tưởng nhớ đến chiến công của thế hệ ông cha, những người đã giải phóng không chỉ Tổ quốc mình mà cả rất nhiều nước châu Âu khỏi quân đội quốc xã.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, thống kê cho thấy trên lãnh thổ Liên Xô trước đây không một gia đình nào không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Hầu như mỗi gia đình đều có người thân từng chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Vì vậy, Chiến thắng phát xít là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Liên Xô và thế hệ con cháu của họ hiện đang sống tại LB Nga.
Nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức từ tháng 4 song sự kiện chính là cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ được tổ chức đều đặn hàng năm kể từ năm 1995 tới nay. Đã thành thông lệ đúng 10h (giờ Moskva, tức 14h theo giờ Việt Nam), lá cờ Chiến thắng là bản sao của lá cờ đỏ do 3 chiến sĩ Hồng quân cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức ngày 1/5/1945 được mang ra quảng trường cùng với quốc kỳ Nga.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu sẽ đi ra từ tháp Spatskaia trên chiếc xe mui trần Aurus. Đón và báo cáo với ông là vị tướng tổng chỉ huy cuộc diễu binh. Cuộc diễu binh bắt đầu trong tiếng nhạc bài hát “Cuộc chiến thần thánh” của nhà soạn nhạc Aleksandrov đã trở thành bài hát đặc trưng của tất cả các cuộc diễu binh Chiến thắng.
Theo truyền thống, các lực lượng diễu binh được chia thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội, theo chủng loại và quân chủng. Các đoàn xe quân sự, xe tăng, xe bọc thép, xe tự hành, các loại vũ khí mới và hiện đại nối tiếp đoàn diễu binh. Tổng thống, Tổng tư lệnh tối cao Vladimir Putin dự trên khán đài cùng với các vị khách quý là các cựu chiến binh của Nga và các nước lân cận, đại diện lãnh đạo quân sự và chính trị các nước. Sau diễu binh, lãnh đạo các nước sẽ cùng đặt hoa tại Đài tưởng niệm Chiến sĩ Vô danh trong vườn Aleksandrovsky bên cạnh tường thành điện Kremlin.
Được có mặt trên Quảng trường Đỏ trực tiếp xem diễu binh là một vinh dự không phải ai cũng có được. Chỉ khoảng 2.000 giấy mời được phát đến tận tay các cựu chiến binh, lãnh đạo hoặc các nhà ngoại giao các nước. Theo số liệu của Ủy ban Duma quốc gia Nga về phát triển xã hội dân sự, cho đến nay, chỉ còn khoảng trên 12.000 người tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại còn sống.
Năm 2024, cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử” không được tổ chức vì lý do an ninh, song hoạt động này vẫn được tiến hành ở nhiều hình thức khác như đăng ảnh người thân là người tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trên mạng, trên các màn hình công cộng, dán trên các phương tiện giao thông...
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng nhân Ngày Chiến thắng tới lãnh đạo 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như tới nhân dân Gruzia và Moldova, trong đó ông nhấn mạnh rằng phải ngăn chặn bất kỳ âm mưu nào hòng bóp méo hoặc quên lãng lịch sử chống phát xít của nhân loại, phải truyền lại cho thế hệ sau những truyền thống ủng hộ lẫn nhau đã giúp cho thế hệ ông cha kiên cường vượt qua những thử thách của chiến tranh và đánh bại chủ nghĩa quốc xã.
Tags