(Thethaovanhoa.vn) - Viết về Cuba thật khó. Khó không phải bởi thiếu cảm xúc mà bởi có quá nhiều, vì được trở lại đất nước mang hình con cá sấu này để kỷ niệm 50 năm ngày đầu đến đây với tư cách là một sinh viên đại học. Riêng cá nhân tôi đã có tổng cộng 14 năm học tập và làm việc ở đảo ngọc, một xứ sở mà khi phát hiện ra cách nay 525 năm nhà thám hiểm Cristobal Colon đã phải thốt lên: “Đây là mảnh đất đẹp nhất mà mắt người đời nhìn thấy”.
Tính tổng cộng, vợ chồng chúng tôi cùng hai con đã học tập và công tác tại Cuba gần 50 năm, qua nhiều thời kỳ khác nhau, nên Cuba được coi là “tổ quốc thứ hai” của gia đình tôi. Vậy lại càng khó viết, vì dễ thiên vị, mà làm báo thì cần sự công tâm. Rất may, cái sự thật mà tôi nhìn thấy và trải nghiệm trong nhiều năm qua, đặc biệt trong chuyến thăm 10 ngày ở đầu tháng 6/2017 là một bức tranh mà gam màu sáng nhiều hơn gam tối.
Gian nan hành trình từ Panama đến Cuba
Cuối cùng thì tôi và các thành viên trong gia đình mình, tổng cộng sáu người, cũng thực hiện được giấc mơ trở lại Cuba vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày tôi đến Cuba học tập (1967-2017). Tranh thủ đi đông, mỗi người được mang 32 kg hành lý chưa kể xách tay, chúng tôi mua hộ rất nhiều hàng cho sứ quán và bạn bè ở Cuba, trong đó có những thứ rất cồng kềnh như máy hút bụi, máy làm sinh tố hoa quả, nồi niêu xong chảo, bánh phở khô, bún miến, bánh phồng tôm, cà phê G7, tổng cộng 12 kiện, cả gửi và cầm theo. Chúng tôi đi từ Panama, vì hiện gia đình tôi đang sống ở đất nước có con kênh đào nổi tiếng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Số tuổi Trâu vất vả, dự định 9h30 sáng đi sân bay thì 8h sáng khu nhà tôi ở mất điện, không có cầu thang máy, chúng tôi lại ở tầng 7. Thế là hai bố con, cùng anh lái xe sứ quán, đành vác đồ từ tầng 7 xuống. Mới làm xong chuyến thứ nhất, tôi đã thở dốc hơi tai, chịu không thể quay lên được. Con trai và cậu lái xe thì cố thêm được một chuyến nữa, cũng toát mồ hôi hột. Rất may, có đám thợ đang sửa đường cạnh nhà, tôi quyết định thuê người chuyển hành lý xuống nhà, mất 25USD. Mình khuân một kiện đã ì ạch, vậy mà mấy anh công nhân sửa đường này mỗi người chất hai kiện trên vai xuống một lượt ngon ơ, chẳng tỏ vẻ gì mệt mỏi.
Đến sân bay quốc tế Tocumen của Panama làm thủ tục thì tất cả các kiện đòng thùng đều bắt buộc phải được quấn bằng ni lông, mà giá thì chát: 17 USD/một kiện, mà chúng tôi có những 5 kiện phải quấn. Trong cái khó ló cái khôn, do có bốn thùng các-tông nhỏ đựng bánh phở khô và rượu, mỗi kiện chừng 15kg, chúng tôi có sáng kiến quấn hai thùng các tông thành một kiện vừa bằng một chiếc va ly lớn, nên tổng cộng phải quấn có 3 kiện. Nhưng kiện đựng chiếc máy hút mùi quá cỡ, đành phải nộp thêm 117 USD theo quy định hải quan. Nhờ con tôi là cán bộ ngoại giao được miễn thuế, nên mất 100 USD. Riêng khoản xin thị thực vào Cuba, các con và cháu tôi, do có hộ chiếu ngoại giao nên không cần, còn hai ông bà già làm ngay tại chỗ cân hàng, mất thêm mỗi người 20 USD. Nhanh, gọn, một cửa là thế đấy.
Nhưng số vất vả chưa hết. Đến sân bay Jose Marti của Cuba sau 2 tiếng 30 phút trên trời, thì có hai kiện hàng bị đánh dấu, phải bỏ ra kiểm tra. Đó chính là cái máy hút bụi và máy xay sinh tố mang hộ bạn bè. Bị đánh dấu vì đây là hàng phải đánh thuế. May có người ra đón, nên cuối cùng cũng được cho qua. Thật hú vía. Chưa hết, hàng hòa thì cả chục kiện, nhưng sân bay lại không có đủ xe đẩy. Đành phân công người lấy hành lý, người đi xếp hàng chờ xe đẩy hành lý (của những người xuống trước, ra khỏi sân bay, được tập hợp lại, quay vòng, đưa trở lại bên trong). Chờ hơn 20 phút mới có xe đẩy ra ngoài. Thế là thở phào nhẹ nhõm.
Ngày đầu tiên ở Cuba
Sân bay Jose Marti khá nhộn nhịp nhưng trật tự. Có rất nhiều khách nước ngoài, từ Mỹ, Canada tới Pháp, Anh, Italy… chủ yếu là dân du lịch. Chả thế mà riêng ngành du lịch mỗi năm đem về cho Cuba trên 3 tỷ USD. Và chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa với nhịp độ rất nhanh.
Ai cũng vui vẻ và hào hứng. Chuyến bay từ Panama sang còn có rất nhiều người Cuba. Đó là những người sang Panama đi chơi, kết hợp mua sắm thêm hàng hóa mang về đất nước. Phần lớn những người này không dùng vali để cân hàng. Họ cho tất cả hàng hóa vào một bao tải dứa, chèn chặt sau đó đem ra sân bay quấn lại thành những kiện tròn, không kiện nào thiếu hoặc thừa (32 kg).
Khi được hỏi: Tại sao không đóng hàng bằng vali hoặc thùng các-tông thì một người đứng xếp hàng cạnh tôi vừa cười hóm hỉnh vừa trả lời: Vì vali và các tông đều nặng, chứa được ít hàng, làm thế này vừa được nhiều hàng, vừa an toàn tuyệt đối. Nghe xong, tôi chợt nhớ, ngay cả thời bao cấp, khi có điều kiện ra nước ngoài và “đánh” hàng về Việt Nam, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ được cách đóng hàng độc đáo thế này. Người Cuba quả là sáng tạo.
Ở bên ngoài sân bay có hai xe ra đón, một xe của cơ quan đại diện TTXVN tại Cuba và một xe sứ quán 16 chỗ. Trời mưa như trút nước nhưng tất cả chúng tôi đều dán mắt vào các ô cửa để quan sát những con đường, những ngôi nhà mà nhiều lần chúng tôi đã đi qua, từ sân bay Jose Marti về tòa nhà ở Calle 16, entre 5ª y 7ª, số 514, quận Miramar, nơi có trụ sở của TTXVN và cơ quan thương vụ. Trên đường 31, một số thanh niên chơi trò “lướt ván” khá nguy hiểm. Đó là khi xe ô tô buýt, xe taxi hoặc xe con dừng lại, họ bám vào đít xe và lướt theo một quãng dài, rồi nhảy xuống, và lại làm thế ở chiều ngược lại trong khi trời đang mưa tầm tã.
Về đến chỗ ở, chưa kịp tắm rửa nghỉ ngơi gì, thì tôi nhận được điện thoại từ anh Trường, tham tán sứ quán Việt Nam tại Cuba thông báo tối nay có một hoạt động giao lưu hữu nghị tại nhà riêng của Đại sứ Lào, trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 40 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đại sứ Nguyễn Trung Thành và sứ quán mời anh chị cùng các cháu tham gia, góp vui. Thế là cả nhà lại đi ngay.
Một buổi tối thật vui vẻ trong tình đoàn kết anh em Việt-Lào, với các món ăn đặc sản của hai nước, với những điệu múa lăm vông và những bài ca cách mạng Việt Nam. Đại sứ Lào nói tiếng Tây Ban Nha rất tôt, còn đại sứ ta mới sang vài tháng, là dân tiếng Anh, nhưng cũng phát biểu vài câu bằng tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt là múa lăm vông rất dẻo và hát cũng hay. Ngày đầu tiên của chúng tôi ở Cuba đã trôi qua như thế đó.
La Habana, tình yêu của tôi Thành phố đón tôi bằng một trận mưa rào 50 năm rồi tất cả vẫn còn đây Siboney, bài hát tự thưở nào Thấp thoáng mỗi căn nhà bóng dáng bạn xưa La Habana Vieja, phố cổ hôm nay Đường Prado bao giờ cũng như thơ Quán “Bodeguita del Medio” gợi nhớ một thời Những ly mojio và daiquiri ngất ngây Lưu Vạn Kha |
(Kỳ 2: La Habana, những điều lắng đọng)
Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa
Tags