(Thethaovanhoa.vn) - Viết về Cuba không thể không nói đến hai ưu tiên hàng đầu, đó là y tế và giáo dục. Nhưng sẽ là dài bất tận nếu liệt kê những gì Cuba đã làm và đạt được trong hai lĩnh vực này kể từ khi cách mạng thành công đến nay (1/1/1959). Bên cạnh đó du lịch cũng đang hấp dẫn rất nhiều du khách.
- Ký sự 'Mắt thấy, tai nghe tại Cuba': Mảnh đất không tiếng súng
- Ký sự 'Mắt thấy, tai nghe tại Cuba': 'Tay xách, nách mang' trở lại La Habana
Nói đâu xa, ngay người viết bài báo này, trong chuyến thăm mới đây, cũng được hưởng lợi từ nền y tế của Cuba.
“Thiên đường” chữa bệnh
Số là từ nhiều năm nay, tôi bị chứng viêm da cơ địa. Bao năm chữa ở nhà, gặp bác sĩ nào cũng nhận được câu trả lời: bệnh này không chữa được, phải “sống chung với lũ thôi”. Gần đây, bệnh phát triển đến mức bị viêm nhiễm nặng. Thế là tôi quyết định sang Cuba, vừa để kỷ niệm 50 năm ngày đến đây học tập (1967-2017), vừa để chữa bệnh.
Sau khi đi nghỉ ở Cayo Coco, một khu resort tuyệt vời, do đang vị viêm da nặng lại tắm nước biển hàng ngày, vết thương sưng tấy, loét chảy nước nhờn và ngứa ngáy suốt ngày. Ba ngày trước khi rời Cuba, tôi đến bệnh viện quốc tế Cira Garcia để khám và chữa bệnh. Cũng chỉ sau 3 ngày, phần viêm nhiễm đã hết, da đã liền, không còn sưng tấy nữa. Hiện tại, sau 10 ngày uống và bôi thuốc (thời gian chữa là 15 ngày), phần viêm da của tôi đã hoàn toàn hết ngứa, không còn sần sùi, chỉ thâm lại như một vết sẹo. Chưa dám chắc khỏi hẳn, nhưng tôi đã nhẹ cả người.
Nói đến Cuba, những người hâm mộ thể thao đều biết "Vua bóng đá" Diego Maradona đã được chữa cai nghiện ma túy thành công ở đây. Cuba còn nổi tiếng thế giới trong điều trị các bệnh ung thư, liệt rung, bạch tạng, tiểu đường, sản xuất vắc xin phòng chống viêm gan B, viêm màng não C.
Thật bất ngờ khi Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại La Habana hiện nay, Vũ Lê Hà, khẳng định với tôi: Thu nhập từ dịch vụ y tế của Cuba (medicina integral), bao gồm khám, chữa bệnh, xuất khẩu các sản phẩm thuốc và gửi chuyên gia y tế ra nước ngoài, đã lên tới 8,5 tỷ USD/năm, cao hơn các ngành mía đường, du lịch, sản xuất kền, rượu rum, xì gà vốn được coi là các trụ cột kinh tế từ trước tới nay.
Chuyến đi Cuba lần này cũng làm tôi sống lại với tuổi thanh xuân của mình, khi được sang Hòn đảo Tự do học tập trong những năm 1967-1972. Thăm lại những ngôi biệt thự sang trọng và đẹp như mơ nằm ở khu Siboney, nơi chúng tôi được ở trong năm đầu tiên để học ngoại ngữ (ngày nay phần lớn làm nhà khách chính phủ hoặc văn phòng đại diện nước ngoài), tôi lại nhớ đến nhiều đồng nghiệp TTXVN từng học tập và làm việc ở Cuba, trong đó có các bậc đàn anh như Vũ Văn Âu, Hồ Tiến Nghị, Lê Quốc Trung, Nguyễn Duy Cương, Phạm Đình Lợi…chưa kể hàng chục các bạn bè đồng lứa cùng về TTXVN. Rất nhiều bạn thuộc thế hệ kế tiếp cũng nhanh chóng thành đạt như các anh Nguyễn Đức Lợi, Lê Duy Truyền, Nguyễn Hoài Dương cùng nhiều cán bộ chủ chốt khác của TTXVN. Riêng khóa 1966-1967, đã có gần 500 sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Cuba, còn tính đến hiện nay thì con số đó đã đến trên dưới 2.000 người, phần lớn được ăn, ở, học tập miễn phí hoàn toàn, tuy sau này các điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn nhiều, khi Cuba bước vào “thời kỳ đặc biệt”, kéo dài suốt thập kỷ 1990 và đầu những năm 2000.
La Habana: không chỉ có những chiếc xe cổ
Một trong những điểm hấp dẫn khi đi du lịch Cuba đó là được ngắm và trải nghiệm thăm thành phố trên những chiếc xe cổ. Có lẽ ít nơi nào trên thế giới có dàn xe cổ nhiều, đa dạng và đẹp như ở La Habana. Thôi thì đủ loại, từ Cadillac, Chervolet Bel Air, Pontiac, Ford Falcon của Mỹ đến Lada, Moskvitch, Volga của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, hay Fiat 500 của Italy, Peugeot của Pháp, Volvo của Thụy Điển… không thể nào kể xiết.
Thăm La Habana cổ trên những chiếc xe được sản xuất từ những năm 30, 40, 50 của thế kỷ trước, nhiều cái còn không có dây an toàn, túi khí, phanh ABS. 90% các xe này chỉ còn vỏ là giữ được hình dáng cũ, còn phần lớn đã được “độ” lại một cách hết sức tinh vi, từ thay động cơ, bộ chế hòa khí, đến phanh, đèn, gạt nước và nội thất bên trong.
Giá cả thì khác nhau một trời một vực. Nếu đi bằng các xe cũ kỹ chưa độ, vẫn chạy bằng dầu diesel, phì phò và lọc cọc như xe bò kéo, khi xuống còn ám mùi xăng và khói, thì đi từ Miramar đến dọc đường đê biển Malecon vào tới khu phố cổ làm một vòng ngắn, chỉ mất 1 hoặc 2USD. Còn nếu đi trên những chiếc xe cổ vẫn còn “gin” mà vẫn mới coong, với người lái ăn mặc chỉnh tề, mồm ngậm điếu xì gà to tướng, hiểu biết như hướng dẫn viên du lịch thì giá là 25 USD/một giờ.
Vì có người già và trẻ nhỏ, con trai tôi đã chọn một chiếc Pontiac đời 1952, thiết bị duy nhất bị thay là bộ chế hòa khí (để tiết kiệm xăng) cho cả gia đình 6 người. Thôi thì “ăn chơi không sợ mưa rơi”, đành tốn kém hơn nhưng an toàn hơn. Thú thực, ngồi trên chiếc xe này, làm một vòng từ Miramar, qua Vedado, thăm Quảng trường Cách mạng, Trường Đại học La Habana, Nhà Quốc hội Capitolio, đường Prado, Casco Viejo và bến cảng La Habana trong một ngày đẹp trời, tôi có cảm giác mình bồng bềnh như đang trôi về quá khứ. Người lái xe cho biết, để được đăng ký đón khách du lịch, hàng tháng anh phải “đóng thuế” 650USD, còn giá chiếc xe mà anh đang có - của hồi môn của ông nội - vào khoảng 50.000USD.
Nhưng Cuba không chỉ có những chiếc xe cổ. Khu La Habana Vieja của thủ đô từ năm 1982 đã được tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là Di sản Nhân loại. Ở khu phố cổ, trong vòng diện tích 5km2 khách thăm có thể chiêm ngưỡng hàng trăm công trình, thành cổ, pháo đài, bảo tàng, nhà hát được trang trí nghệ thuật tinh vi với kiến trúc tân kinh điển và “barroco” thuộc địa hoặc các ngôi nhà mang dáng dấp Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Mỹ.
Âm nhạc đường phố và cabaret, cuộc sống thường nhật của người dân với sự ngẫu hứng và tính sáng tạo phong phú, đời sống ban đêm, những món ăn dân tộc là những gì biết níu chân khách ở đây. La Habana cổ đang trở thành La Habana mới vì có tới 200 công trình đang được trùng tu và nâng cấp. Nhiều quán ăn tư nhân, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, xăm hình, cửa hàng bán đồ lưu niệm mới đã đi vào hoạt động.
Nhờ vậy, ngành du lịch Cuba đã tăng trưởng mạnh mẽ trong mấy năm lại đây. Số lượng khách du lịch năm 2017 dự kiến đạt 4,1 triệu người, còn thu nhập từ ngành này đã tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2015 lên trên 3 tỷ USD năm 2016. Số khách quốc tế đến Cuba ngày càng đông khiến 65.000 phòng khách sạn của nhà nước lúc nào cũng chật kín, buộc các công ty lữ hành phải thuê thêm 17.000 nhà dân làm nhà khách và đặt hàng dịch vụ ăn uống với 3.138 nhà hàng tư nhân.
Sự bùng nổ của ngành du lịch khiến Cuba đang đứng trước thử thách lớn là gìn giữ môi trường và ngăn chặn sự phân hóa giàu - nghèo đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trong khi những người giàu, chỉ chiếm khoảng 10%, có thể tiêu 200USD cho một bữa ăn ở nhà hàng mà không tiếc tiền, thì 90% người dân Cuba phải đắn đo rất nhiều trước khi bước vào những chốn ăn chơi hoa lệ.
Thành tựu y tế, giáo dục của Cuba - Cuba là một trong những nước có chỉ số phát triển con người cao nhất thế giới. - 54 % ngân sách được dành cho các dịch vụ xã hội. - Trong số 200 triệu trẻ em trên thế giới phải ngủ ngoài đường, không có trẻ em Cuba nào. - Có hệ thống giáo dục tốt nhất Mỹ Latin. - Cứ 20 sinh viên có một giảng viên. - Cuba là nước dành tổng sản phẩm quốc nội nhiều nhất cho giáo dục. - Nước duy nhất ở Mỹ Latin không có suy sinh dưỡng. - UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ) tuyên bố Cuba là “thiên đường quốc tế trẻ em”. - Hệ thống y tế, một tấm gương cho thế giới. - Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất châu Mỹ (0,43%). - 130.000 bác sĩ được đào tạo ra trường từ 1961 đến nay. - Sản xuất được bốn loại vắc xin phòng chống ung thư. - Nước đầu tiên trên thế giới loại trừ được lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. |
Thăm, ăn và mua gì ở La Habana? - Thăm Quảng trường Cách mạng, pháo đài cổ Moro, Capitolio, Nhà hát lớn Alicia Alonso, đường hội họa Prado, các quán bar Floridita, Bodeguita del Medio, Nhà Rượu Habana Club, các bảo tàng, Nhà thờ San Cristobal de La Habana, tòa nhà Bacardi, Nghĩa trang Cristobal Colon, Bảo tàng cá (Aquario)… - Các món ăn và uống dân tộc: cơm congrí, thịt lợn sữa quay, đồ uống pha chế Daiquiri, Mojito, Cuba Libre, bia Cristal, Bucanero. - Mua: các loại thuốc phòng chống ung thư, chống thừa mỡ trong máu, tảo biển, thuốc chữa các bệnh bạch tạng, tiểu đường… - Các loại xì gà, rượu ron (rhum), đồ lưu niệm như xe cổ bằng gỗ, các sản phẩm mang hình Cuba, Fidel, Che Guevara… |
(Kỳ 4 & hết: Cayo Coco - Nơi bạn có thể suốt ngày say ngất ngưởng)
Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa
Tags