Hơn 300 phóng viên quốc tế có mặt ở sân tập số 3 của Đại học Qatar, trong đó có tôi, đã cảm thấy rất thất vọng khi 15 phút tập cho phép báo chí quay phim chụp hình hôm 18/11 qua đi mà không thấy Lionel Messi xuất hiện. Alejandro, cậu phóng viên trẻ người Argentina đứng cạnh tôi, nói: "Messi vẫn đang trong phòng gym".
Lịch thi đấu | Kết quả | Bảng xếp hạng
Điều đó được một số phóng viên đồng hương khác của Alejandro xác nhận. Một số còn đặt ra câu hỏi, điều gì không ổn đã xảy ra với Messi sau trận đấu với UAE, trận mà anh đã ghi 1 trong 5 bàn thắng, bàn thứ 91 của anh cho đội tuyển Argentina, nâng số trận bất bại liên tiếp của họ lên con số 36?
Ký sự World Cup: Chờ đợi, và không thấy Messi
Họ thất vọng, đương nhiên rồi. Tất cả ở đây vì tâm điểm chính là anh, thiên thần của họ. Họ háo hức vì đây là buổi tập đầu tiên của Argentina tại giải đấu. Họ háo hức vì muốn thấy Messi có mặt trên sân cỏ. Họ háo hức vì muốn chứng kiến anh sẽ ra sao trong World Cup cuối cùng này. Nhưng thời gian cứ mãi trôi qua, anh không xuất hiện, và Alejandro, đang livestream buổi tập trên Facebook cá nhân của mình, thở dài: "Tôi đã mong chờ anh ấy biết bao". Còn Paul, một phóng viên truyền hình Australia, người ngồi ngay cạnh tôi, lên tiếng: "Tôi hy vọng anh ấy không có vấn đề gì. Anh ấy chỉ trốn chúng ta thôi".
Không, Messi chẳng có vấn đề gì đâu, cũng chẳng chạy trốn ai. Báo chí Argentina giải thích sau buổi tập rằng, anh cần nhiều thời gian hơn để có mặt trong phòng gym, và nữa, một người đặc biệt như anh không cần phải tập quá nhiều. Diego Maradona vĩ đại ngày xưa cũng đâu cần thường xuyên tập với đội. Nhưng kể cả có như thế đi nữa, người ta vẫn mong ngóng anh vô cùng. Một phóng viên Argentina bảo, kể từ khi Messi xuất hiện trên bầu trời bóng đá thế giới, ngay cả những buổi tập cho báo chí xem thế này cũng thu hút không chỉ một lượng lớn các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới, mà còn cả người hâm mộ. Họ không chỉ muốn thấy anh trên sân bóng, trong các trận đấu, mà còn khao khát xem anh trên cả các sân tập, dù là ở Barcelona, PSG hay đội tuyển Argentina.
Nhưng HLV Lionel Scaloni, nhìn ngoài đời trẻ hơn rất nhiều cái tuổi 44 của anh, có vẻ lo lắng cho những đồng đội của Messi hơn là chính anh. Vào cái ngày mà Argentina thắng UAE, Scaloni đã quyết định gạt bỏ 2 tiền đạo Joaquin Correa và Nico Gonzalez, những người đang chơi ở Serie A, vì họ không kịp bình phục chấn thương. Nhờ thế, một Correa khác, Angel Correa của Atletico Madrid, và Thiago Almada, tiền đạo trẻ của Atlanta United, những người đang nghỉ Đông ở Argentina, đã được triệu tập thay thế. Nhưng còn một cái tên khác cũng khiến Scaloni lo lắng: Paulo Dybala. Cầu thủ của Roma có mặt trong danh sách đội tuyển Argentina, nhưng anh cũng mới chỉ bình phục chấn thương một thời gian ngắn, và không ai rõ anh có thể ra sân bao trận ở World Cup này.
Cho World Cup cuối cùng của Messi
8 năm trước, ở trận chung kết World Cup ở Rio de Janeiro, tôi đã ngồi trên khán đài của sân Maracana và rất mong Messi có thể làm được một điều kì diệu nào đó trước Đức.
Nhưng các đồng đội của anh đã ném đi tất cả các cơ hội, kể cả những lần đối mặt với Manuel Neuer, và khi trận đấu đã sang hiệp phụ, lúc Đức đã dẫn Argentina 1-0 nhờ một khoảnh khắc xuất thần của Mario Goetze, những trái tim đã tưởng như ngừng đập khi Argentina được hưởng một quả phạt trực tiếp. Messi là người thực hiện cú đá đó. Chẳng có điều thần kỳ nào xuất hiện khi trái bóng đi vọt xà. Cái sân có gần mười vạn người lúc ấy im ắng lắm, khi mọi người gần như cùng yên lặng để chứng kiến khoảng khắc. Chỉ có tiếng chạm bóng khô khốc vang lên trong tiếng gió, và sau đó, với các cổ động viên Argentina, đó là sự thất vọng tràn trề với những tiếng thở dài và trái tim rớm máu. Argentina đã không thể vô địch trong giải đấu mà họ đi xa nhất kể từ năm 1990. Messi còn quá trẻ khi Argentina bị Đức loại ở tứ kết World Cup 2006, đã gây thất vọng khi hành trình của Argentina một lần nữa chặn đứng ở World Cup 2010, và cũng đã chẳng có duyên khi Argentina bị Pháp đánh bại ở 1/8 World Cup 4 năm trước.
Quá nhiều lỡ dở, quá nhiều điều tiếc nuối, và kể cả khi Argentina đã chấm dứt những năm tháng không danh hiệu bằng Copa America 2021 thì người ta vẫn hướng đến World Cup 2022 như một dịp cuối cùng để có cơ hội cầu nguyện cho Messi nâng cao Cúp vàng. Không ngạc nhiên khi sự chờ đợi anh ở buổi tập đầu tiên lớn đến thế, và sự chờ đợi ấy đã biến thành tức giận đối với vài phóng viên khi không thấy anh xuất hiện. Nhưng cũng có thể hiểu điều đó, rằng không phải họ giận anh, mà họ thực sự mong những điều tốt cho anh, mong những điều tốt cho chính họ, bởi sau World Cup chỉ kéo dài một tháng này, họ sẽ không còn thấy anh bay nhảy trên các thảm cỏ World Cup nữa. Người ta cũng sẽ không còn thấy Ronaldo, Lewandowski hay Modric ở World Cup sau nữa. Sự tức giận chẳng qua là quá trình kết tinh của nỗi thất vọng và đợi chờ. Đợi chờ đến mức chỉ muốn thấy anh trên sân 15 phút của một buổi tập bình thường không có gì đặc biệt, và tức giận đơn giản là vì thấy nỗi khát khao thấy anh đã không được đền đáp.
Sẽ còn những buổi tập khác, chắc chắn rồi. Và cái ngày mà anh cùng các đồng đội bước vào thảm cỏ cho trận ra mắt của Argentina ở World Cup này với Saudi Arabia cũng đang đến rất gần. Người ta sẽ chiêm ngưỡng và trân trọng từng giây phút thấy anh trên sân ở World Cup này. Và sau đấy, khi anh đi rồi, với chiếc Cúp hay không, người ta sẽ tiếc nhớ và có thể sẽ khóc cho tình yêu đã có. Như lời một bài hát bất hủ của ban nhạc The Platters: "Khi trái tim em bừng cháy, em sẽ nhận thấy/Khói còn vương mắt em"…
Tags